Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Vợ chồng to tiếng - chuyện thường tình

Có vô vàn lý do dẫn đến những cuộc tranh cãi giữa lứa đôi. Từ thói quen bé bằng cái móng tay (như không rửa chân trước khi đi ngủ của chồng, tính nói nhiều của vợ) cho đến những lỗi tày đình (như tật nói dối, trò “ăn vụng”).

Nhưng, điều quan trọng nhất không phải là nội dung của các cuộc tranh cãi mà đích đến của những cuộc tranh cãi đó là gì. Tranh cãi có thể làm cho các bạn hiểu nhau nhiều hơn, yêu nhau nhiều hơn nhưng cũng vì nó mà nhiều cặp tan đàn xẻ nghé. Vì sao vậy? Bởi, tranh cãi không nên theo bản năng và cần có nghệ thuật để dẫn dắt.

Ảnh minh họa

Vì đứa con thân yêu

Một ông chồng “lãng du” dạy con theo kiểu “chim đại bàng tung con xuống vực, con nào mạnh thì sống…” chỉ thích “tha lôi” đứa con còn bé xíu theo các cuộc “chu du” của mình. Nhưng người vợ lại thích dạy con mô phạm, hễ thấy con đau là xót, hễ thấy con chảy mồ hôi là thương.

Cơ quan bảo hiểm Risk and Underwriting (Anh) đã cho thấy, mỗi ngày mỗi cặp vợ chồng mất 40 phút cãi nhau về việc nhà từ chuyện để quần áo bữa bãi, không rửa bát đĩa, không khóa vòi hoa sen sau khi tắm, không đậy bồn cầu, sửa chữa nhà cửa…

Trong trường hợp này thì ông chồng sẵn sàng cho rằng “con hư tại mẹ” còn bà vợ lại chỉ trích “cha làm khổ con không đáng”. Ai cũng muốn bảo vệ ý kiến của mình thì cãi nhau cho ra nhẽ. Đôi khi lại chỉ vì cùng lo con ốm, tốn kém, mệt mỏi mà vợ chồng cũng sinh ra căng thẳng, mất bình tĩnh khi đối thoại, câu trước chưa thông, câu sau đã cãi luôn.

Những vụn vặt đời thường

Thử tưởng tượng cảnh người vợ đã mệt nhoài sau một ngày ở công sở, vào bếp thấy vòi nước vẫn tí tách rơi, trong khi đã nhờ chồng sửa lại từ tháng trước. Vợ càu nhàu “đúng là vô dụng, vô trách nhiệm, việc nhỏ không làm thì việc lớn hy vọng gì”.

Anh chồng thì lu bù chuyện công ty, chuyện kiếm tiền bực mình quát lên: “chuyện lớn người ta không quên, còn cái đó vụn vặt quá mới khó nhớ chứ”. Suy nghĩ cứ “ngược dòng” thế thì chỉ còn cách cãi để tìm ra chân giá trị hoặc để “hai mặt một nhời” xem ai đúng ai sai!

Hoặc giả bạn muốn về nhà tìm cảm giác nghỉ ngơi sau một ngày mệt mỏi. Nhưng vừa mở cửa đã thấy quần áo của chồng bừa bãi, muôn ngày như mọi ngày. Không bực sao được, cộng với cái mệt mỏi trào trực trong người thì “tuôn” ra vài lời nặng nhẹ là rất dễ! Ngược lại, vợ bừa bãi, chồng lại gia trưởng theo kiểu “đàn ông thế còn tạm, chứ đàn bà thì không thể chấp nhận”, chị vợ luôn thường trực cái lý của sự bình đẳng thì báo động càng tăng cấp!

Vì tiền nặng như núi

Theo nhiều chuyên gia tâm lý tiền không phải nguyên nhân hàng đầu gây nên cãi nhau nhưng nếu đã vì nó thì thường kéo dài và hay gay gắt nhất. Cuối tháng, lương chậm trễ mà hóa đơn tiền điện bỗng dưng tăng vụt, tiền Internet “nhảy” lên gấp đôi… cũng có thể quy tụ những giận hờn.

Vợ đổ lỗi tại chồng ham game tốn điện, hại người. Chồng lại “moi” ngay ra lỗi tại vợ liên tiếp sấy tóc, kẹp tóc. Vợ ấm ức, “đá” sang cái tội chồng quên khóa vòi nước để công tơ mét nhảy vọt lên. Cái hóa đơn thì rõ mà lỗi tại ai thì chưa rõ nên cần có cãi nhau để “truy tìm thủ phạm”.

Tiền là thứ tế nhị nhạy cảm, không động vào nó thì thôi, động vào là nó đỏng đảnh, lúc nào cũng như kẻ “thọc gậy bánh xe” dễ gây bất hòa cho con người!

Bóng dáng một người khác

Đó có thể là “kẻ thứ ba”, bà mẹ chồng, ông bố vợ hoặc một người trời ơi đất hỡi… Sau bao năm tin tưởng nhau, tự dưng vợ thấy một tin nhắn lạ à ơi trong máy chồng hoặc một ông chồng lại tình cờ phát hiện ra vợ cà phê với tình cũ mà không nói gì với mình. Những nghi kỵ, ghen tuông nổi lên, sự suy diễn tình hình sẽ khiến cho đôi bên tranh cãi, mức độ nặng nhẹ sẽ tỷ lệ thuận với độ mờ đậm của “kẻ thứ ba”.

Đôi khi lại chỉ vì một lời nói của bà mẹ chồng phản đối nàng dâu mà vợ chồng cáu giận nhau. Vợ thì cứ “mẹ anh thế này, mẹ anh thế kia”, chồng lại “điên tiết’ “sao em không nghĩ bà là mẹ em đã”. Rồi có những chàng chẳng mấy khi gọi điện hỏi thăm bố mẹ vợ nhưng lại liên tục “tra” xem vợ đã gọi về cho bố mẹ chồng chưa.

Ấm ức với sự bất công, nên có thể nàng sẽ “vặc” lại “anh có hay gọi cho bố mẹ em không?”. Tư tưởng “dạy vợ”, chàng cố tiếp “thuyền theo lái…”. Lúc này chữ nhẫn bay mất, vợ chồng chỉ còn biết dùng “võ miệng” bảo vệ cái lý của riêng mình.

Nhiều khi kẻ trời hơi đất hỡi nào đó cũng sẵn sàng mang đến nhiêu khê. Một đứa trẻ ăn xin qua cửa, cô vợ mủi lòng cho mấy đồng, anh chồng lại phản ứng “cho thế thì tiếp tay cho chúng nó hư còn gì”, vợ mít ướt “anh lạnh lùng lắm”. Thế cũng đủ châm ngòi cho cuộc tranh luận, to dần thành cãi nhau về quan điểm sống.

Đôi khi cũng chỉ vì một bà mua đồng nát rêu rao mãi ngoài cửa, ông chồng hào phóng cho vào “thu dọn” hộ chai lọ quanh vườn. Chị vợ lại đa nghi “cho vào thế có ngày mất cả cửa nhà”. Xử lý thông tin về người khác vẫn thường có sự trái chiều như vậy nên sẵn sàng tiềm ẩn nguy cơ cuộc khẩu chiến.

Lệch nhau về thang giá trị, sở thích, cá tính

Một người chồng ngồn ngộn thực tế, luôn cho rằng tiền là quan trọng, sống thì phải sòng phẳng. Còn vợ lại luôn đặt tình cảm lên trên hết, coi thường kẻ trọng tiền. Ghép họ thành một đôi có khi hỗ trợ được cho nhau để cân bằng nhưng có khi lại kéo họ về hai thái cực chênh vênh.

Ví như chồng bán một món đồ gì đó cho người thân, sòng phẳng từng đồng với ý nghĩ “tiền bạc thì phải rõ ràng, bán ra bán, cho ra cho”. Còn vợ thấy thế lại cho là nhỏ mọn, chi li, hà tiện. Trong trường hợp này thì thật khó để họ thông cảm cho nhau.

Hoặc giả như một người lúc nào cũng tôn trọng giá trị đạo đức truyền thống cũ lại ghép đôi với một người hiện đại. Họ cùng tốt, có thể cùng là những viên ngọc nhưng đứng bên nhau vẫn không hợp. Một người thì đánh giá cao “kẻ sĩ” không giàu nhưng cái đầu mẫn tiệp. Người kia lại đề cao kẻ thành đạt “phải có tài thì họ mới biết làm giàu”. Hay một người thì thích nhạc cổ điển trầm lắng, kẻ kia lại thích những bản nhạc mạnh mẽ hiện đại, nếu không ai chịu đeo tai phone thì chỉ còn cách tranh cãi…

Đôi khi chẳng có lý do gì

Chả hiểu sao hôm nay công việc trì trệ, kém hiệu quả, bạn về nhà với cái mặt “nặng như chì”. Không mở miệng thì thấy bứt rứt, thế là “giận cá chém thớt”, bạn phàn nàn, chỉ trích người này người kia.

Nói qua lại mấy câu, người kia thêm vào đối đáp, cuộc đấu khẩu lê thê mà chả biết vì cái gì. Có khi vợ tự dưng thút thít với một bộ phim, chồng lại thấy “rẻ tiền” nên chun mũi “đúng là nước mắt đàn bà”. Vợ không chịu được, đánh hội đồng “đàn ông các anh có ai biết chia sẻ”. Chỉ cần thế là “trời mang cuồng phong tới”!

Các chuyên gia tâm lý Mỹ đã tuyên bố trên tờ On Sunday Reporter rằng: Vợ chồng cãi nhau nhiều nhất vì con cái, thứ đến là vì việc nhà, thứ ba là giao thiệp của mỗi người, sau đó là việc sử dụng thời gian rảnh, thói quen xấu, công việc bạn bè…

Thiên Cầm

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/vo-chong-to-tieng--chuyen-thuong-tinh-18586/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY