Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Vợ hoàn hảo quá, chồng cũng sợ

Hoàn hảo đôi khi lại là con dao hai lưỡi, trong cuộc sống vợ chồng cũng vậy. Lấy được một cô vợ quá ngoan, quá chỉnh chu, quá hoàn hảo liệu có làm các ông chồng thực sự sung sướng

Ảnh minh họa

Chồng: Soi vào sự chuẩn mực của em, anh thấy mình trở thành kẻ khách sáo và bị đẽo gọt.

Nhân kỳ nghỉ dài, chồng hào hứng đưa cả nhà đi chơi một chuyến (để vợ con tự hào vì chồng biết quan tâm, biết lãng mạn). Kế hoạch vừa vạch ra, em bảo: “Thôi, về với ông bà cho sớm, các anh em đều về rồi, em là dâu trưởng về muộn không hay”. Vợ mình đúng là nàng dâu hiếm thấy, chả khi nào cố tìm cách “trốn” nhà chồng nhưng anh thấy áy náy, dường như gia đình anh khiến em không thoải mái. Đôi lúc mọi người bảo em ngoan hiền nhưng khách sáo.

Cuối cùng vợ chồng và con cái đi ăn nhà hàng rồi nhanh chóng về quê. Nhưng hai bố con hì hục ăn vì món nào cũng thật hấp dẫn thì em đăm chiêu: “Sao anh ăn ngon thế nhỉ, bánh này phải dùng vani mới đúng, cho dầu chuối không hợp, nem rán giòn nước chấm dùng chung không ngon…”. Những khiếm khuyết của họ qua cách em phân tích thì có vẻ hợp lý nhưng anh và cu Tí chẳng thấy làm phiền lòng.

Vợ đúng là người nấu ăn ngon nhất mà anh từng gặp, bữa ăn của em cũng chỉn chu đến từng chi tiết. Lỡ thiếu tí hành, quên chút lá răm, em cũng bắt anh đợi, trong khi đang rất háu ăn. Vào bữa, em quán triệt muôi nào đi với tô đó, cái đã đưa vào tô cá thì chớ múc sang nước rau vì sẽ gây tanh… Biết là em vì anh, nhưng thực ra với anh những yếu tố nhỏ đó không làm mất cảm giác ngon miệng bằng sự chờ đợi vì tính cẩn thận của em.

Những câu chuyện vui trong gia đình cũng luôn được em uốn nắn sao cho mực thước. Hễ chồng nói vui, cà chớn một tí là vợ dí tay lên trán: “Anh bậy miệng, con học theo bây giờ”. Vậy là đang vui vẻ thì “đứt dây đàn”. Thằng Hùng sang tếu táo một chút, em lại càm ràm “anh ấy bậy quá, con mình quý chú Hùng có khi nhiễm mất”. Cuộc sống đôi khi cũng phải đi ra ngoài lề tí chứ! Em không nói bậy, không dùng tiếng lóng, không cãi chồng, không nạt con ầm ầm. Nhưng đã rất lâu anh thấy mình nhạt miệng.

Cũng vì em luôn nhẹ nhàng nên anh không xả những bí bách ra được. Đôi khi anh thấy mình giống những nhân vật trong văn học Pháp thời xưa, sống trong một màn kịch khách sáo, cả với người thân thiết nhất. Những lúc chỉ hai vợ chồng, lúc “chuyện ấy” anh cũng cố kìm chế cử chỉ, lời nói vì ngại sự e lệ của em.

Lần nào anh sửa cái ống nước, rút cái dây phơi quần áo, em cũng “cảm ơn anh”, “không có anh thì…”. Anh cũng từng sướng âm ỉ nhưng lâu dần, nghe nhiều điều đó anh thấy mình xa lạ với em hơn.

Em có thấy vợ chồng thằng Hùng không, nhiều khi họ rất vui, chỉ hai vợ chồng cũng nâng ly chạm cốc. Đôi khi chúng hơi bỗ bã với nhau nhưng hồn nhiên như những đứa trẻ, thân tình như những người bạn. Có lúc anh cũng muốn em như một người bạn. Nhưng em thì sẽ rót rượu cho anh và sẽ chẳng bao giờ ngồi cùng mâm khi anh uống.

Từ ngày có em về, anh ngoan hơn hẳn (không tếu táo bậy bạ, ăn uống chỉn chu đường hoàng…) nhưng anh thấy mình đang dần được đẽo gọt theo một cái khuôn.

Có thể anh đang tham lam, nhưng đó là cảm giác rất thực em ạ!

Vợ: Nếu anh nói sớm có lẽ giờ này em đã khác rồi!

Em chẳng dám nhận là một nàng dâu ngoan, nhưng trước khi lấy chồng, mẹ đã dặn em rằng: “Để tránh tiếng xấu thì mình cứ làm tốt phần mình... Để tránh hớ hênh thì cứ giữ khoảng cách an toàn, chớ thân thiết quá”. Thế nên em luôn phải cố gắng cho tròn bổn phận của dâu con, đôi lúc em cũng gồng mình lên. Mặc dù không đủ những tình cảm tự nhiên như với nhà đẻ nhưng chắc chắn ở đó có một sự tôn trọng, và một cái tâm muốn tròn trách nhiệm. Em nghĩ “xa” một chút còn hơn là “gần” quá rồi lại chê trách, xô xát nhau.

Còn về bữa ăn ngoài, thực sự khó khiến em hứng thú. Đôi khi đi ăn với mấy chị ở cơ quan, họ cũng bảo “Cái gì nó cũng chê, đi ăn với nó mất ngon”. Vì thế em giữ ý, ít đi ăn cùng họ nhưng em không biết vì em mà anh và con cũng mất hứng. Đã từ lâu em ám ảnh sự hoàn hảo trong những món ăn, luôn muốn anh được thưởng thức những món ăn tuyệt vời. Thiếu chút hành, thừa tí muối, quên tí chanh cũng khiến món ăn kém vị, quan trọng hơn em thấy mình thật là đoảng trí. Em không ngờ sự chờ đợi đã khiến cảm hứng của anh tụt đến vậy.

Cảm ơn anh đã nhắc nhở em! À, nói thế anh lại bảo em khách sáo. Thực ra mỗi khi thấy anh làm gì vì gia đình, vì vợ con, em đều thấy thương anh, và lời cảm ơn là thật tâm. Nhiều chị bạn thường phàn nàn “có tí việc nhà, chẳng phải cho riêng mình nhưng nhờ chồng mãi cũng không làm”, “làm được tí thì ông ấy tưởng như cao cả lắm”. Vì thế thấy anh chu toàn với vợ con, em hạnh phúc và biết ơn lắm.

Anh không thích em nói nhiều những câu đó còn em thì thấy anh ít khi dùng quá đấy nhé. Từ lâu vợ chẳng được nghe chồng cảm ơn mỗi khi nấu món ngon cho gia đình, mỗi khi tặng anh chiếc áo… Đôi khi em thấy dường như tất cả đã thành nghĩa vụ em phải hoàn thành, chỉ là đôi khi em thấy thế thôi, còn em vẫn luôn vui vẻ chăm sóc chồng con mà. Có lẽ chúng ta bù trừ cho nhau là vừa, chồng nhỉ?!

Riêng với chuyện nói bậy, nói tiếng lóng trong nhà thì em vẫn không thích đâu. Một đứa bé được lớn lên trong môi trường giáo dục tốt ngay từ gia đình thì tất nhiên sẽ tốt hơn khi va chạm xã hội. Người lớn luôn dạy con trẻ phải ngoan ngoãn, phải biết điềm tĩnh, kìm chế để không văng bậy nên em muốn chúng ta làm gương cho con. Những đứa trẻ bắt chước rất nhanh và lý sự thì ra trò nên em sợ mình không nghiêm túc ngay từ đầu thì về sau khó sửa được.

Có lần con bảo “Chú Hùng nói vậy đó”, em phải bảo con rằng “Chú ấy là người lớn, mà nói vậy là hư đó con”. Mỗi ngày ở công sở, đi nhậu với bạn bè, anh được thoải mái nói những gì anh thích rồi, vẫn còn “nhạt mồm” cơ ạ! Được rồi, từ nay, em sẽ không sa sầm mặt mày hay há hốc miệng nếu đôi khi anh nói những câu tếu táo với em nhưng hãy cẩn thận khi có con ở đó nhé.

Đôi khi em cũng ngưỡng mộ vợ chồng anh Hùng. Có lúc em cũng muốn mình bứt phá nhưng có lẽ em đã sống trong một khuôn thước lâu quá (hơn 30 năm còn gì), cuộc sống của em cũng luôn luôn bình yên, nhẹ nhàng nên có lẽ khó thay đổi được. Đôi khi thấy anh chị ấy cùng nhau đi nhậu với bạn bè, cùng nhau tếu táo một chuyện vui, ầm ầm to tiếng nạt nhau xong lại rối rít xin lỗi, khiến người khác nực cười nhưng đúng là khiến người khác thấy họ gắn bó khó tả. Anh hãy giúp em “mềm” hóa bản thân nhé!

Như Bình

Theo chuyên đề SKGĐ - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/vo-hoan-hao-qua-chong-cung-so-10623/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY