Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Vôi hóa bánh nhau: Khi nào thì nguy hiểm?

Cầm kết quả siêu âm ghi “vôi hóa bánh nhau” nhiều bà bầu trở nên hoang mang, lo lắng thái quá. Và để chắc ăn, nhiều chị đã tự động cắt giảm lượng calci trong khẩu phần hàng ngày. Việc làm đó chẳng những không có lợi mà nhiều khi còn gây hại cho cả mẹ lẫn con.

Vôi hóa bánh nhau là gì?

Nhau được hình thành từ hai phần: từ mẹ (lớp nội mạc tử cung dày lên dưới ảnh hưởng của nội tiết tố thai kỳ) và từ thai (lớp hợp bào nuôi của thai thâm nhập vào nội mạc tử cung). Túi thai giai đoạn sớm được bao bọc bởi một vòng gai nhau. Khoảng sau 5 tuần, một phần gai nhau ăn sâu vào lớp nội mạc tử cung phát triển thành bánh nhau thực sự, một phần sẽ trở thành lớp màng đệm. Hiện tượng đóng vôi trên bánh nhau là hiện tượng sinh lý bình thường trong suốt thai kỳ.

Trong 6 tháng đầu, các điểm vôi hóa ở dạng vi thể, chỉ sau 29 tuần và rõ nhất là sau 33 tuần thì mới có thể thấy được chúng trên siêu âm. Tuổi thai càng lớn thì các đám vôi hóa càng nhiều. Trong suốt thai kỳ, khi siêu âm, mức độ vôi hóa bánh nhau được chia thành ba cấp độ:

- Độ 0: Tuổi thai khoảng 31 +/- 1 tuần

- Độ 1: Tuổi thai 34 +/- 3,2 tuần

- Độ 2: Tuổi thai 37,6 +/- 2,7 tuần

- Độ 3: Tuổi thai 38,4 +/- 2,2 tuần.

Ảnh minh họa

Không thể chủ quan khi bị vôi hóa bánh nhau

Như vậy, dựa vào bảng trên, bạn sẽ biết được mức độ vôi hóa của bánh nhau đang ở cấp độ nào, có nguy hiểm hay không. Nếu thai dưới 33 tuần mà bánh nhau đã bị vôi hóa cấp hai hoặc ba thì bạn cần thăm khám thường xuyên.

Một số nghiên cứu cho thấy, bánh nhau vôi hóa mức độ ba xuất hiện sớm có nguy cơ làm thai nhi suy dinh dưỡng trong tử cung. Những trường hợp thai già tháng (42 tuần mà chưa sinh), tình hình còn có thể nguy hiểm hơn: dòng máu ở bánh nhau giảm đi, kéo theo việc giảm trao đổi khí, đe dọa suy thai, thai chết trong khi chuyển dạ hay trong những giờ đầu sau sinh.

Theo thống kê, tỷ lệ tử vong sơ sinh ở những trẻ sinh già tháng cao hơn ba lần so với trẻ bình thường một phần là do hiện tượng vôi hóa bánh nhau.

Đừng quá lo lắng

Bạn không nên xem thường độ vôi hóa của bánh nhau nhưng ngược lại, cũng không nên quá lo lắng. Nếu thai dưới 35 tuần có hiện tượng vôi hóa độ 1 thì cứ vô tư ăn no ngủ kỹ.

Để tránh vôi hóa bánh nhau, bạn không nên quá lạm dụng calci. Về lý thuyết, để con chắc khỏe, thai phụ cần ăn các thức ăn có nhiều calci như xương hầm, tôm, cua, cá, bổ sung thêm các thuốc calci, uống sữa chứa calci. Tuy nhiên, chỉ cần cung cấp cho cơ thể từ 800-1.000 mg calci/ngày là đủ.

Nếu sử dụng quá nhiều, calci sẽ lắng đọng ở bánh nhau gây nên hiện tượng vôi hóa sớm, làm giảm sự trao đổi chất dinh dưỡng khiến thai kém phát triển. Thai nhi sẽ có nhiều khả năng bị thừa calci trong máu, khi sinh ra, thóp kín quá sớm, xuơng hàm rộng và nhô ra, động mạch chủ bị thu hẹp. Còn bản thân người mẹ nếu uống quá nhiều calci thì có thể bị sỏi đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận. Vì vậy, liều lượng calci bổ sung cho thai phụ phải do bác sĩ trực tiếp thăm khám và theo dõi thai chỉ định.

Hồng Minh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/voi-hoa-banh-nhau-khi-nao-thi-nguy-hiem-26538/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY