Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Xử lý chấn thương trong tập luyện

(SKGĐ) Chấn thương không loại trừ một ai, không loại trừ một môn thể thao nào nhất là khi bạn thiếu kiến thức về tập luyện.

Thầy Trịnh Kiên (Trung tâm Giáo dục Thể chất, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra một số những chấn thương hay gặp trong tập luyện thể thao và cách trị liệu đơn giản sau:

1. Máu bầm

Thường gọi là vết bầm hay cục máu bầm, do máu thoát ra tụ dưới da. Không sưng, từ màu đỏ chuyển sang xanh và cuối cùng là màu vàng. Vết bầm biến mất sau 2 hoặc 3 tuần lễ.

Ứng phó: Chườm đồ mát. Sau một thời gian, xoa bóp với pomade có chất arnica.

2. Sưng tụ máu

Sưng tụ máu là khi máu tập trung tại một điểm, một cục u xuất hiện tiếp đó (đứt mạch máu).

Ứng phó: Chườm đá, dùng tay ấn vào cục u để làm tan việc xuất huyết và chận dòng chảy, trong vài trường hợp quan trọng, phải cần đến phẫu thuật để rút máu (châm chích).

3. Xây xát

Sau khi bị va chạm, không thấy có vết thương. Thế nhưng, hãy coi chừng! Sự va đập có thể đã gây đứt đoạn những tĩnh mạch, hay động mạch… Cũng có thể cơ bị rách. Phải lưu ý với những tai nạn kiểu này.

Ứng phó:

- Không xoa bóp, không chườm nóng vì sẽ khiến gây giãn nở mạch máu và làm tăng xuất huyết.

- Nên giữ vệ sinh sạch sẽ vùng xây xát. Khi thấy có dấu hiệu nghiêm trọng hơn thì nên hỏi bác sĩ về thuốc điều trị.

4. Đụng dập

Đụng dập là những tổn thương phần mềm, không gây sự phá huỷ hoàn toàn bộ giải phẫu bề mặt của da. Thường thường nó đi kèm với tổn thương mạch máu và gây ra hiện tượng xuất huyết dưới da. Tại chỗ bị đụng dập sẽ bị đau, nề, thay đổi sắc thái da do xuất huyết dưới da và có thể gây khó khăn hoặc mất chức năng vận động của các chi tại khớp bị đụng dập.

Chườm lạnh, nếu không có túi nước đá chuyên dùng có thể dùng nước lạnh, nước đá được gói trong khăn sạch hoặc gặc sạch chườm lên chỗ tổn thương 15-20 phút. Sau khi tiến hành băng ép, nếu bị đụng dập ở chân hoặc tay thì cần băng ép chặt hơn một chút.

Khi có xuất huyết dưới da nhiều, thì sau khi bị chấn thương từ 48-72 giờ có thể dùng chườm nóng để nhanh làm tan máu tụ. Sau khi sơ cấp cứu, bạn cần được khám và điều trị tại các cơ sở y tế, đặc biệt là khi mất khả năng vận động của các chi, để tránh các hậu quả xấu do thói quen coi đụng đập là chấn thương nhẹ.

5. Bong gân

Bong gân là những thương tổn bao hoạt dịch, bao khớp, dây chằng xảy ra ở vùng khớp với những mức độ khác nhau, từ nhẹ đến rất nặng như dây chằng bị căng, dãn, đứt một phần hay đứt toàn bộ.

Bong gân bao giờ cũng có tổn thương dây chằng, vì vậy quan trọng nhất là vị trí của điểm đau: ở chỗ bám của dây chằng, trên đường đi của dây chằng, đau chói khi kéo căng dây chằng, bong gân nhẹ (đau ít, sưng xung quan khớp và cơ năng ít bị hạn chế), bong gân nặng (đau nhiều, khớp sưng rất nhanh, sưng to, thường có tràn dịch, tràn máu khớp)

Ứng phó:

- Chườm lạnh (chườm đá) bằng túi chườm hoặc bọc nước đá áp, xoa vào vùng khớp bị bong gân;

- Băng ép ngay vùng bị chấn thương để làm giảm chảy máu, tránh phù nề, đồng thời góp phần cố định khớp. Dùng băng thun là tốt nhất;

- Sau khi sơ cấp cứu những trường hợp nhẹ có thể điều trị và chăm sóc tại nhà nhưng những trường hợp nặng phải chuyển đến các bệnh viện để khám và điều trị bằng các phương pháp chuyên khoa.

6. Sai khớp

Đau sẽ xuất hiện; sưng nề một phần do chảy máu hoặc tổn thương các tổ chức quanh khớp, một phần do các diện khớp lệnh nhau làm gồ vồng cao lên; Khớp bị sai không thể hoạt động được, tay (chân) ở một tư thế bất thường nhất định không thể thay đổi được, thay đổi hình dáng khớp tại sai.

Ứng phó:

- Cố định là công việc đầu tiên khi xác định có sai khớp. Tổ chức cố định tại chỗ nếu điều kiện cho phép. Cố định như tư thế tay hoặc chân hiện có mà không cố gắng kéo thẳng, vì sẽ gây ra đau và tổn thương thêm. Nếu sai khớp vai cố định tạm thời treo tay bằng khăn. Sai khớp khuỷu cố định hai nẹp trước và sau có độn bông.

- Nếu nghi ngờ có gãy xương hoặc sai khớp cột sống thì tuyệt đối tránh không để thân hình nạn nhân bị xoay, cho nằm ngửa trên ván cứng, chèn chắc hai bên để khỏi xê dịch.

Để chấn thương không viếng thăm

Theo thầy Trịnh Kiên: “Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chấn thương. Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm: thiếu tập trung khi luyện tập tạ quá nặng, khởi động không đủ, dạng bài tập, dụng cụ tập thiếu tiêu chuẩn, mất cân bằng cơ bắp, và thậm chí là dinh dưỡng nghèo nàn. Đặc biệt, tập sai tư thế chính là nguyên nhân gặp phải của nhiều người khi chơi thể thao. Bất cứ nguyên nhân nào kể trên cũng có thể gây ra chấn thương nghiêm trọng”.

Để hạn chế chấn thương xảy ra trong khi chơi thể thao, thầy Trịnh Kiên lưu ý:

- Cần nắm rõ kỹ thuật từng môn, phải khởi động kỹ trước khi bắt đầu chơi thể thao, khởi động giúp cho cơ dẻo dai.

- Không nên tập các động tác đột ngột, động tác quá khó với bản thân, và không cố gắng tập khi thấy đau.

- Trang thiết bị hỗ trợ chơi thể thao và tập luyện như giày, quần áo, vợt... và cả mặt sân phải đảm bảo. Mặt sân kém dễ gây chấn thương cổ chân, bàn chân. Vợt không tốt gây chấn thương bàn tay, khuỷu tay.

- Nên chọn thời điểm chơi hợp lý với nhịp sinh học cơ thể. Không nên chơi vào các buổi trưa vì đây là thời điểm cơ thể cần nghỉ ngơi. Tốt nhất nên chơi thể thao buổi sáng. Không chơi những môn quá sức.

K.A

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/xu-ly-chan-thuong-trong-tap-luyen-17756/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY