Chuyên ngành hôm nay

Chuyên ngành

Xử lý chứng nặng đầu

Cảm giác nặng đầu với những mức độ khác nhau và kèm theo những biểu hiện khác nhau là tình trạng khá phổ biến, hầu như ai cũng từng gặp.

Giúp bạn đọc tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý các triệu chứng khó chịu do chứng nặng đầu gây ra là mục tiêu của bài viết này.

Nhiều người trong chúng ta đã từng cảm thấy nặng đầu vào một lúc nào đó, biểu hiện nặng hay nhẹ cũng tùy vào từng trường hợp. Một số người nói cảm thấy như không thể nhấc đầu lên được, trong khi những người khác cảm nhận giống như một cái đai vô hình bó chặt xung quanh đầu của họ. Với đa số, cảm giác này diễn ra nhẹ và nhất thời, nhưng một số người bị nặng đầu kèm mệt mỏi hoặc nặng đầu kèm chóng mặt một cách thường xuyên.

Nguyên nhân thường gặp của chứng nặng đầu

Lo lắng: Là nguyên nhân phổ biến thường gặp gây ra chứng nặng đầu. Nhức đầu do lo âu và căng thẳng thường gây ra cảm giác nặng đầu và mệt mỏi. Trong nhiều trường hợp, sự lo lắng quá mức kéo dài dẫn đến đau đầu “như búa bổ”.

Do các bệnh lý xoang mũi: Đôi khi chứng nặng đầu không liên quan đến lo âu mà do cảm lạnh thông thường, viêm xoang hoặc uống nhiều rượu bia.

Chứng đau nửa đầu: Là một nguyên nhân gây ra chứng nặng đầu. Đau nửa đầu là một loại nhức đầu gây đau đớn và thường bắt đầu với các dấu hiệu cảnh báo cụ thể như mắt lóe đom đóm hoặc điểm mù, chóng mặt, ngứa ran chân hoặc cánh tay, hoặc bị nhạy cảm với ánh sáng tới mức chói mắt.

Chóng mặt: Là cảm giác quay cuồng đầu óc hoặc mất cân bằng, chóng mặt tăng lên khi di chuyển vị trí của đầu hoặc chuyển từ tư thế nằm sang ngồi.


Thường xuyên cúi đầu thấp sẽ tác động không tốt đến cột sống cổ gây chứng nặng đầu.

Tư thế không đúng: Đứng ở góc độ vật lý, nếu cổ và đầu nghiêng về phía trước khoảng 15 độ, cổ phải chịu một trọng tải tương đương tới 13kg. Ở góc 60 độ, tương đương với nhìn xuống mặt đất, đầu có thể cảm thấy như nặng tới gần 30kg. Nếu ai đó cảm thấy đầu bị nặng, nên xem xét lại tư thế đầu như vậy đã phù hợp hay chưa. Sai tư thế đầu kéo dài có thể làm cảm thấy nặng đầu.

Một số người cảm thấy kiệt sức kéo dài cùng với một cảm giác nặng đầu. Đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như các bệnh lý về thận, gan, tim, tiểu đường, ung thư, thiếu máu hoặc hội chứng mệt mỏi mạn tính. Nếu bạn có chứng nặng đầu kéo dài đi kèm với mệt mỏi, bạn nên sớm đi khám và xin tư vấn với bác sĩ.

Dấu hiệu và triệu chứng của chứng nặng đầu

Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng nặng đầu phần lớn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể, trong trường hợp chứng đau nửa đầu, thường bị đau ở một bên đầu, tăng nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Trong trường hợp mệt mỏi gây ra chứng nặng đầu, bạn thường cảm thấy nặng đầu và kiệt sức. Thông thường, có mất ngủ đi kèm. Một số triệu chứng khác đi kèm với nặng đầu: đầu đau nhói hoặc đập theo nhịp mạch; buồn nôn và nôn ói; mờ mắt; nhạy cảm với mùi, âm thanh và ánh sáng; khó tập trung; kiệt sức; nặng đầu có thể ở sau gáy, hai bên thái dương hoặc trên trán; đau nhức ở vai và cổ; tăng tiết mồ hôi; tức ngực; tim đập nhanh; rối loạn tiêu hóa; mất ngủ.

Lựa chọn điều trị cho chứng nặng đầu

Rất nhiều người bị chứng nặng đầu sẽ chịu đựng mà không đi khám bác sĩ, đơn giản do chứng nặng đầu chỉ nhẹ và thường giảm dần rồi biến mất sau đó. Nếu chứng nặng đầu xảy ra thường xuyên và liên quan đến các triệu chứng nghiêm trọng khác, việc điều trị là cần thiết. Bạn cần nhớ và thông báo đầy đủ các dấu hiệu và triệu chứng bạn gặp phải cho bác sĩ.

Một cuộc thảo luận và khám sức khỏe cho bạn có thể giúp một bác sĩ xác định nguyên nhân gốc rễ của cảm giác nặng đầu của bạn. Tuy nhiên, đôi khi để giúp xác định một vấn đề nghiêm trọng tiềm ẩn gây ra chứng nặng đầu, bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI, CT scan hay có thể áp dụng các thủ thuật khảo sát bệnh lý tủy sống.

Về điều trị, bác sĩ chỉ định Thu*c giảm đau để điều trị chứng đau nửa đầu như Thu*c ibuprofen, acetaminophen, naproxen hoặc aspirin. Đối với những người bị đau đầu do căng thẳng và lo lắng thường xuyên, bác sĩ có thể chỉ định các loại Thu*c giúp ngăn ngừa các đợt tấn công bao gồm Thu*c giãn cơ, Thu*c chống trầm cảm ba vòng, Thu*c chống co giật hoặc các loại Thu*c chống trầm cảm khác.

Các cách tự xử trí chứng nặng đầu

Nếu bạn lần đầu có cảm giác nặng đầu hoặc rất ít khi chứng nặng đầu “ghé thăm” thì có thể thử áp dụng các biện pháp sau đây:

Thử tưởng tượng ra hình ảnh: Trong trường hợp lo lắng và nhức đầu do căng thẳng, biện pháp tập trung tâm trí và hình ảnh hóa có thể hữu ích. Thử tưởng tượng ra hình ảnh là hướng sự tập trung vào hình ảnh tưởng tượng được giữ trong tâm trí. Trong trường hợp này, bạn sẽ bắt đầu bằng cách nhắm mắt và cảm nhận sự nặng nề trong đầu. Sau đó, bạn tưởng tượng như có ai đó nhấc “cục nặng nề” ra khỏi đầu của bạn. Bạn có thể phải lặp lại điều này nhiều lần đến khi cảm giác nặng nề thực sự biến mất.

Ngủ một giấc ngủ ngon giúp thư giãn đầu óc; Ăn một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều chất xơ; Không gây áp lực lên mắt bạn; Giữ cho đôi mắt của bạn thư giãn; Uống nước chanh với gừng có thể xua tan cảm giác buồn nôn liên quan đến chứng nặng đầu; Tránh táo bón.

Tập động tác thể dục cằm - ngực: Bạn đứng dựa lưng vào tường và từ từ di chuyển cằm xuống ngực đến khi cảm thấy căng cơ ở phía sau cổ. Giữ trong 5 giây rồi ngẩng đầu lên và nhìn về phía trước. Lặp lại như vậy nhiều lần.

Nếu bạn thường xuyên nặng trong đầu và không thành công với biện pháp khắc phục tại nhà, bạn cần sớm gặp bác sĩ. Không có lý do gì để chịu đựng thêm và bạn cần phải xác định nguyên nhân cơ bản của chứng nặng đầu là gì để can thiệp kịp thời.

BS. Thanh Hoài

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/xu-ly-chung-nang-dau-n156498.html)

Chủ đề liên quan:

chứng nặng đầu

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY