TPCN đang dần dần trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất. Dựa trên những nét tương đồng giữa các định nghĩa về thuật ngữ này có thể hiểu TPCN là thực phẩm (hoặc sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên) đã được thay đổi thành phần qua quá trình chế biến (bổ sung các thành phần có lợi hay loại bỏ thành phần bất lợi) nhằm mang lại một tác dụng sinh lý nào đó có lợi cho sức khỏe con người.
Bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng thông thường, TPCN có tác dụng hỗ trợ (phục hồi, duy trì hoặc tăng cường) chức năng của các bộ phận trong cơ thể, tăng cường sức khỏe.
1. Có bao nhiêu dạng TPCN ở Việt Nam?
Chỉ tính riêng thị trường Việt Nam cũng đã có đến hơn 1.700 sản phẩm TPCN với nhiều mục đích sử dụng khác nhau như: nhóm bổ sung dưỡng chất, nhóm hỗ trợ tăng cường chức năng của các bộ phận trong cơ thể, nhóm hỗ trợ điều trị bệnh, nhóm hỗ trợ làm đẹp, nhóm hỗ trợ giảm cân…
2. TPCN có thể dùng thoải mái?
Phải khẳng định, TPCN là sản phẩm tốt, vì nó có đủ calorie, ngon, sạch, nhẹ, chứa nhiều hoạt chất sinh học có lợi cho sức khỏe, làm đẹp... Nó thật sự là một tiến bộ của khoa học hiện đại nhưng dù tốt đến mấy cũng phải dùng đúng liều lượng và hướng dẫn.
3. TPCN luôn có chất lượng tốt?
Không. Nhiều người cho nó là loại sản phẩm “ngoại”, sang trọng và thượng lưu nên thần tượng hóa chúng, gọi chúng là thức ăn của con người ở thế kỷ 21. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi năm ở Mỹ vẫn có hàng ngàn người tiêu dùng than phiền về chất lượng, độ an toàn của thứ thức ăn mới này.
4. Có khả năng ngộ độc TPCN không?
Có. Nếu không nắm rõ hàm lượng vi chất trong sản phẩm, liều dùng, người tiêu dùng có thể bị thiếu chất trong khi lầm tưởng mình đã được dùng đủ hoặc hấp thu một hàm lượng quá cao, lâu ngày gây dư thừa, sinh bệnh.
TPCN hiện nay không được kiểm tra độc tính mà thường cho rằng sản xuất từ nguồn thiên nhiên nên không gây hại. Nhưng thực tế, nó trải qua dây chuyền sản xuất và đã mang dược tính thì không thể là vô hại.
5. Nếu muối i-ốt cũng là TPCN, vậy ra tôi đang dùng TPCN hàng ngày mà không biết?
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên nhưng đó chính là sự thật. Không chỉ có muối i-ốt mà ngay cả nước mắm có chứa sắt, đường hạt được bổ sung vitmin A, các loại sữa công thức, nước tăng lực, nước uống thể thao, ngay cả nước hoa quả, bánh kẹo nếu được bổ sung thêm nhiều loại vitamin khoáng chất cũng trở thành TPCN.
6. TPCN bổ sung dưỡng chất dạng viên và dạng thực phẩm có gì khác nhau?
Xét về tác dụng thì hai loại này đều có tác dụng bổ sung các loại dưỡng (vitamin, khoáng chất acid amin, các hoạt chất sinh học) cần thiết cho sức khỏe mà do thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống cơ thể có thể bị thiếu hụt. Thông qua đó, giúp tăng cường sức đề kháng và phòng chống các loại bệnh tật do thiếu hụt dưỡng chất gây ra.
Tuy nhiên, TPCN dạng viên thường cô đặc hơn và cung cấp hàm lượng dưỡng chất lớn hơn rất nhiều so với nhóm thực phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất nói trên. Thường gặp nhất như viên C sủi, viên nang vitamin E tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh về mắt; viên bổ sung calci đề phòng loãng xương, viên uống chứa hoạt chất sinh học từ thảo dược như tảo biển, nhân sâm cung cấp các chất chống oxy hóa…
Cũng chính vì nó chứa hàm lượng cao các vi chất nên người dùng cần sử dụng đúng liều lượng cho phép (theo toa hoặc chỉ dẫn của bác sĩ) để tránh các biến chứng nguy hiểm do dư thừa vitamin như: uống vitamin C quá liều lượng sẽ tạo ra sỏi thận ở những người có cơ địa sỏi thận, quá nhiều vitamin betacaroten sẽ làm ứ đọng mô mỡ, gây vàng da…
7. Tôi được biết có TPCN tăng cường chức năng sinh lý, nguồn gốc của chúng từ đâu?
Nhóm TPCN tăng cường chức năng sinh dục thường được chiết xuất từ các loại thịt động vật giàu protein (bò, hươu, cừu); nhiều arginine (có trong tinh hoàn); các loại động vật chứa chất có trong tinh dịch như chim sẻ, bồ câu, hải cẩu, cá ngựa, tắc kè, nhung hươu… Một nhóm khác được bào chế từ hạt nhiều arginin như vừng, lạc, hướng dương; các loại thảo mộc và sản phẩm từ thực vật như dâm dương hoắc, hoài sơn, tật lệ, đông trùng hạ thảo, nhân sâm, hà thủ ô,cỏ ba lá đỏ… Dựa vào mục đích và đối tượng sử dụng (nam hay nữ), nhà sản xuất có thể lựa chọn, kết hợp các nguyên liệu để chế ra nhiều loại TPCN phù hợp.
8. TPCN có giúp ích gì cho đường ruột của tôi?
Nhóm TPCN hỗ trợ đường ruột khá đa dạng. Bạn có thể tìm mua các sản phẩm giàu chất xơ như các loại nước xơ, viên xơ, kẹo xơ… Các sản phẩm này có tác dụng nhuận tràng, làm tăng khối lượng phân (nhờ đó chống được táo bón). Việc cung cấp đủ chất xơ góp phần hạn chế một phần nguy cơ gây ung thư đại tràng, tham gia vào việc chuyển hóa cholesterol, phòng ngừa nguy cơ suy vành, sỏi mật…
Một dạng TPCN khác thuộc nhóm này là các sản phẩm chứa các vi khuẩn cộng sinh (probiotics) là các lợi khuẩn kích thích hoạt động của hệ miễn dịch. TPCN loại này thường được chế biến từ các sản phẩm của sữa (VD: sữa chua bổ sung lợi khuẩn) có tác dụng tạo ra sự cân bằng vi sinh trong đường ruột.
Bên cạnh đó còn có các loại sản phẩm chứa prebiotics (những chất ảnh hưởng tốt đến vi khuẩn ở ruột giúp cân bằng môi trường vi sinh, kích thích sự tăng trưởng và hoạt động của các lợi khuẩn trong đường ruột) hoặc kết hợp cả probiotics và prebiotics (gọi là synbiotics).
Ngoài việc hỗ trợ chức năng đường ruột, trên thị trường cũng có rất nhiều loại TPCN hỗ trợ, tăng cường chức năng gan, thận, hệ thần kinh… Các sản phẩm này thường được bào chế từ các loại thảo mộc từ thiên nhiên đã được chứng minh là thực sự có ích cho sức khỏe con người.
9. Trong nhóm TPCN hỗ trợ điều trị bệnh (ung thư, cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn thần kinh…), ngoài TPCN dạng viên uống còn có loại nào khác không?
Ngoài nhóm TPCN hỗ trợ điều trị bệnh dạng viên nói trên thì còn có các loại TPCN dạng thức ăn đặc biệt dành cho người bệnh. Các thực phẩm loại này đã được thay đổi thành phần so với thực phẩm thông thường ban đầu để phù hợp với cơ địa và đặc điểm bệnh.
Ví dụ: Các loại sữa, thức ăn cho bệnh nhân tiểu đường thường được tách kem, không đường, ít hoặc không béo; các loại súp, nước uống lên men… dành cho bệnh nhân cao huyết áp thường được bổ sung thêm các chuỗi acid amin, góp phần ổn định huyết áp; TPCN dành cho bệnh nhân xương khớp thường bổ sung thêm sụn cá, sụn gà hoặc chứa collagen, slucosamin, silic giúp tái tạo sụn và các mô liên kết…
Ngoài ra còn có nhóm TPCN cho các đối tượng đặc biệt như thức ăn cho phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ ăn dặm, vận động viên, phi hành gia, người bệnh đặc biệt (thức ăn qua ống thông dạ dày)…
10. Tôi từng nghe đến một loại TPCN uống vào sẽ đẹp ra, có sản phẩm này thật không?
Chắn hẳn bạn đang nhắc đến TPCN hỗ trợ làm đẹp. Nhóm này thường được bào chế dưới dạng viên uống tập trung chủ yếu vào tác dụng làm đẹp da và tóc. Bản chất của TPCN hỗ trợ làm đẹp là thông qua việc bổ sung các loại vitamin cần thiết cho da cùng với nhóm chất chống ôxy hóa để làm chậm quá trình lão hóa da, giúp da mịn màng, khỏe mạnh.
Bởi thế thành phần của các loại TPCN này thường chứa vitamin A chống lão hóa, giúp tuyến nội tiết hoạt động tốt, hạn chế mụn trứng cá; vitamin B1, B2, B6, vitamin C, Niaxin… chống nứt nẻ, giúp da khỏe mạnh; vitamin E giúp tóc khỏe, da láng mượt, hạn chế nếp nhăn, nám…). Ngoài ra, nhóm này còn chứa các khoáng chất hỗ trợ chức năng của da như kẽm (có tác dụng làm liền vết thương trên da), silic (tái tạo các mô liên kết dưới da, lưu huỳnh tạo nên sự thích nghi của da); collagen (tác dụng giúp da đàn hồi, chắc khỏe, giữ độ ẩm cho da).
Hiện nay, trên thị trường cũng đã có các TPCN hỗ trợ làm đẹp chiết xuất từ các loại thực vật như lô hội, tảo biển, hồng sâm, linh chi bảo vệ và làm mịn da; TPCN chứa ß-caroten, lycopen, lutein là những chất có tác dụng làm đẹp da; TPCN chứa chất isoflavon có trong đậu tương, sắn dây làm mịn da mặt, giúp ngực săn chắc; chất tiền hormone sinh dục nữ có tác dụng làm mờ các nếp nhăn trên da và khóe mắt.
Như Hạ
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: