Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

2 thời điểm có nguy cơ đột quỵ cao nhất trong ngày, người cao tuổi đặc biệt cần cảnh giác

Ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, số bệnh nhân cao tuổi đột quỵ trong thời điểm rét đậm, rét hại như hiện nay tăng 150% so với bình thường. Điều đáng chú ý là các ca đột quỵ thường xảy ra vào đêm khuya hoặc sáng sớm, làm cho việc phát hiện sớm để cấp cứu người bệnh gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Các chuyên gia tại khoa cấp cứu Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội) cho biết, sở dĩ đêm khuya và sáng sớm là 2 thời điểm dễ xảy ra đột quỵ nhất là do:

  • Vào mùa lạnh, huyết áp của mọi người thường tăng cao hơn so với mùa hè 5mmHg. Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng kích thích cơ thể tăng sản sinh catecholamin (bao gồm các hormone adrenaline, cortisol, dopamine..) dẫn đến co mạch ngoại biên làm tăng lượng máu đến tim từ đó tăng huyết áp. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ làm tăng 20% biến chứng tim mạch, đặc biệt ở những người cao tuổi.

  • Cùng với đó, thời điểm đêm muộn và lúc sáng sớm chính là lúc nhiệt độ xuống thấp nhất ngày. Đây cũng là thời điểm mà người cao tuổi thường thức dậy để đi tiểu hoặc tập thể dục. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột từ trong chăn ấm ra thời tiết lạnh dễ khiến cơ thể bị mất nhiệt, khiến các mạch co lại, huyết áp tăng cao tạo cục máu đông. 2 yếu tố nguy cơ này kết hợp với nhau sẽ dễ dẫn đến đột quỵ.

Vào mùa đông, huyết áp thường tăng cao hơn mùa hè nên rất dễ gây các biến chứng tai biến mạch máu não (đột quỵ).

Nguyên tắc 2 KHÔNG giúp phòng ngừa đột quỵ lúc sáng sớm và tối muộn

Để phòng ngừa đột quỵ lúc sáng sớm hoặc tối muộn, các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là người cao tuổi nên thực hiện các biện pháp 2 KHÔNG dưới đây trước khi ra khỏi giường:

1. Không thay đổi tư thế đột ngột: Trước khi rời khỏi giường buổi sáng hoặc đi vệ sinh giữa đêm, bạn không nên ngồi bật dậy quá nhanh, để tránh tuần hoàn máu thay đổi. Lúc này, bạn cần nằm thêm vài phút để tỉnh táo hẳn, rồi từ từ ngồi dậy.

2. Không thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột: Trước khi rời khỏi giường, để cơ thể từ từ thích ứng với nhiệt độ bên ngoài, bạn có thể thực hiện vài động tác khởi động nhẹ nhàng trên giường như: Duỗi chân, tay, xoa mặt khoảng 5 - 10 phút để làm ấm người. Sau đó, mặc thêm áo khoác, choàng khăn, giữ ấm kỹ vùng đầu rồi mới ra ngoài. Với những gia đình đang sử dụng máy sưởi trong phòng ngủ cần bật nhiệt độ không quá chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời quá 10 độ.

Ngoài ra, buổi tối trước khi lên giường ngủ, nên uống một ly nước ấm để làm giảm độ đặc của máu, và giảm bớt áp lực cho tim. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên vận động tránh các yếu tố nguy cơ như: rượu bia, thuốc lá, ăn quá nhiều chất béo… Song nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin C, axit folic, các chất chống oxy hóa như: các loại rau màu xanh đậm, các loại đậu… để chống xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và giảm mỡ máu.

Mỗi tuần vài 3 nên thu nạp các axit béo hệ omega-3 từ các thực phẩm như: cá hồi, cá ngừ... và các loại quả và hạt như quả óc chó... sẽ có tác dụng rất tốt để bảo vệ mạch máu, phòng ngừa đột quỵ.

Trong trường hợp gia đình có người bị đột quỵ, bạn cần làm gì?

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu người thân trong gia đình có các biểu hiện nghi ngờ đột quỵ như:

  • Một bên mặt người bệnh đột nhiên rủ xuống, lệch đi rõ rệt.

  • Thị lực giảm, mờ dần cả hai mắt.

  • Một cánh tay (và chân) bị yếu, buông thõng, không thể giơ lên.

  • Đột nhiên nói ra những câu vô nghĩa không hiểu người khác nói gì.

  • Đau đầu dữ dội.

Người thân nên nhanh chóng gọi cấp cứu, trong khi đợi nhân viên y tế đến, có thể thực hiện các phương pháp sơ cứu tại nhà như sau:

  • Để người đột quỵ nằm yên, đầu nâng cao 30 độ.

  • Nới rộng quần áo (tháo dây nịt, nút áo... nếu có), và theo dõi sắc diện, nhịp thở của người đó.

  • Quan sát người bị đột quỵ, nếu họ hôn mê, ngừng thở phải tiến hành hô hấp nhân tạo.

  • Trong trường hợp còn tỉnh táo, người thân nên trấn an, nhắc nhở người đó hít sâu và thở chậm.

  • Nếu bệnh nhân ói mửa, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất ói mửa từ mũi và miệng bệnh nhân.

  • Không cạo gió, xoa bóp vì có thể khiến mạch máu bị tổn thương, cũng không nên nặn chanh vì có thể làm nghẹt đường thở.

Lưu ý, thời gian vàng để cấp cứu người đột quỵ là trong 3 - 6 giờ. Nếu được sơ cứu đúng và cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tránh được nguy cơ tử vong, hạn chế thấp nhất tổn thương não và các di chứng do đột quỵ để lại.

Cứ 1 phút trôi qua mà bệnh nhân đột quỵ não không được điều trị đặc hiệu thì có tới 2.000.000 tế bào thần kinh chết đi hoặc tổn thương không hồi phục được.

Mong rằng các thông tin trên đây sẽ giúp bạn biết được thời điểm đột quỵ thường xảy ra nhất, từ đó nâng ý thức phòng ngừa cho bản thân và những người thân trong gia đình. Song, trong trường hợp đột quỵ xảy ra, bạn cũng có thể có kiến thức sơ cứu người đột quỵ, hạn chế hậu quả về sau.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/2-thoi-diem-co-nguy-co-dot-quy-cao-nhat-trong-ngay-nguoi-cao-tuoi-dac-biet-can-canh-giac-29893/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY