Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

3 yếu tố cha mẹ cần chú ý, ngăn tình trạng chậm phát triển trí não ở trẻ nhỏ

Từ khoảng 2 - 10 tuổi là giai đoạn phát triển trí não toàn diện ở trẻ, thông qua các hoạt động nhận thức, học hỏi và tiếp thu mọi thứ xung quanh. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý 3 yếu tố sau đây, nhằm ngăn tránh tình trạng chậm phát triển trí não ở trẻ nhỏ.

Mặc dù chỉ chiếm 2% tổng trọng lượng cơ thể, bộ não được xem là cơ quan quan trọng nhất, đồng thời là trung tâm chỉ huy - chịu trách nhiệm kiểm soát, điều khiển gần như mọi hoạt động, chức năng của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có khả năng học hỏi và ghi nhớ…

Để não bộ có thể được phát triển toàn diện và phát huy tối đa mọi chức năng như trên, cha mẹ cần chú ý rất nhiều thứ, chẳng hạn như về giáo dục, môi trường và nề nếp sinh hoạt của con cái. Trong đó, có 3 yếu tố cần chú ý hơn cả vì nó sẽ có tác động trực tiếp đến quá trình phát triển trí não của con, bao gồm:

1. Yếu tố dinh dưỡng

Dinh dưỡng được xem là một trong những yếu tố cơ bản để não bộ và các mô thần kinh phát triển. Nền tảng dinh dưỡng vững chắc giúp đáp ứng cùng lúc các yêu cầu như miễn dịch, phát triển thể chất và não bộ. Vì thế, trong giai đoạn phát triển của trẻ, cha mẹ cần quan tâm và chú trọng đến chế độ dinh dưỡng của con, nhằm bảo đảm sự cân bằng về dưỡng chất mà con cần. 

Những nhóm thực phẩm sau đây sẽ giúp quá trình phát triển trí não của trẻ được tăng cường  và thúc đẩy hiệu quả, vì vậy cha mẹ hãy nhớ bổ sung ngay vào các bữa ăn hằng ngày của trẻ:

Chất xơ: chứa nhiều vitamin, khoáng chất, folate... tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ nhờ  có vai trò chuyển hóa, chống oxy hóa của tế bào não, giúp trí não minh mẫn hơn. Cha mẹ có thể dễ dàng tìm thấy các loại dưỡng chất quan trọng này trong các loại rau củ có màu xanh thẫm như: cải xoăn, rau bina, rau diếp, măng tây, bông cải xanh,... hoặc trái cây gồm các loại quả mọng hoặc quả có màu sáng như: dâu tây, việt quất, mâm xôi, nho, cam, bưởi,...

Tinh bột: giúp cung cấp glucose - dưỡng chất tái tạo năng lượng và củng cố sự tập trung của trí não. Thường tập trung chủ yếu ở các loại thực phẩm như: bánh mì, gạo, ngũ cốc, ngô, khoai, sắn…

Protein: giúp tăng cường thể chất và kích thích trí não, ổn định hệ thần kinh giúp trẻ tập trung, tăng cường trí nhớ. Protein chủ yếu có nhiều trong các loại: gan động vật, cá, trứng, các loại hạt và thịt đỏ, thịt gia cầm (thịt heo - bò - gà - vịt,...). 

Chất béo: đây được xem là một nhóm chất cực kỳ quan trọng trong việc hình thành và phát triển não bộ, bởi trong chất xám của não hầu hết là các axit béo omega. Ngoài ra, nhóm chất này còn giúp tạo độ nhạy của các nơron thần kinh, dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác, tăng sự tập trung, chú ý, hỗ trợ cải thiện khả năng nhận thức và tiếp thu, phản xạ cho trẻ. Chất béo thường có nhiều trong các loại cá béo gồm cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích hay các loại như: đỗ xanh, đỗ đen, hạt lạc, hạt lanh, hạt óc chó, quả lý chua đen…

Giống như các bộ phận khác trên cơ thể, bộ não cũng cần có những "thức ăn" riêng, giúp não phát triển và hoạt động hiệu quả hơn (Ảnh: Internet)

Bên cạnh việc chú trọng dinh dưỡng, cha mẹ cũng phải bảo đảm đủ các bữa ăn trong ngày của con, đặc biệt là bữa sáng. Có rất nhiều trường hợp trẻ khi còn nhỏ được đánh giá là thông minh, nhạy bén nhưng khi càng lớn lại càng chậm hiểu và hay quên. Phần lớn các trường hợp như thế đều mắc một lỗi chung đó là thường bỏ qua bữa sáng. 

Các nhà khoa học cho hay, bữa sáng được xem là bữa ăn cực kỳ quan trọng vì nó sẽ giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể để hoạt động vào ngày mới, đặc biệt là não bộ. Bỏ qua bữa sáng sẽ khiến lượng đường trong máu thấp hơn mức bình thường và khiến não bị thiếu chất dinh dưỡng, gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và hoạt động của não trẻ. Vì thế, hãy bảo đảm trẻ được ăn sáng đầy đủ trước khi vận động hay đến trường.

2. Yếu tố vận động

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự vận động có kết nối mật thiết đến sự hình thành và phát triển trí não. Chúng ta vận động càng nhiều thì lưu lượng máu đễn não sẽ càng được tăng cao, từ đó kích thích tăng khối lượng não, đặc biệt là ở vùng hải mã liên quan đến trí nhớ và lý luận. Không những thế, sự vận động sẽ giúp thiết lập các điểm tiếp xúc thần kinh tại não bộ - chịu trách nhiệm về sự sáng tạo và khả năng điều hành, lập kế hoạch và định hướng hành vi của mình.

Vì thế, trong giai đoạn phát triển trí não thì trẻ sẽ có xu hướng vận động liên tục, bằng cách đùa giỡn, chạy, nhảy khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Thế nhưng, có rất nhiều cha mẹ cảm thấy sự vận động liên tục của con trẻ quá phiền phức, nên thường cho trẻ giải trí bằng điện thoại, tivi để “dỗ” trẻ ngồi im. Mà không biết rằng đây lại chính là một hành động cực kỳ tai hại đối với sự phát triển trí não của trẻ.

Cụ thể, trẻ khi tiếp xúc quá sớm với tivi hay điện thoại sẽ có xu hướng “nghiện” và lệ thuộc vào các thiết bị này nhiều hơn. Từ đó quá trình phát triển triển trí não của trẻ bị ức chế do không dành thời gian để tìm tòi, khám phá những thứ xung quanh nhằm mở rộng tư duy. Về lâu dài, vỏ não - vùng não liên quan đến tư duy và phản biện cũng sẽ bị mỏng dần đi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ dành hơn 2 tiếng mỗi ngày trước màn hình điện tử sẽ đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra tư duy, ngôn ngữ.

Cha mẹ nên khuyến khích con vận động nhiều hơn, tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc những môn thể thao như: bóng đá, chạy bộ, bơi lội, đạp xe,... để nâng cao cả thể chất và trí não một cách toàn diện. Bên cạnh đó, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ quá sớm, tránh ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ (Ảnh: Internet)

3. Yếu tố giấc ngủ

Đối với trẻ em, giấc ngủ cũng có tầm quan trọng như thức ăn và nước uống hàng ngày. Một giấc ngủ sâu là điều rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Ngược lại ngủ không ngon giấc hoặc có thể bị thiếu ngủ, sẽ khiến trẻ cáu gắt, quấy khóc, không tập trung, mệt mỏi. Nếu thường xuyên ở trong tình trạng trẻ này sẽ phát triển chậm hơn so với các trẻ khác và dĩ nhiên là sẽ không nhanh nhẹn, thông minh, hoạt bát và về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Đã từng có một nghiên cứu được thực hiện trên 11.000 trẻ em - đăng tải trên tạp chí Journal of Epidemiol Community Health cho thấy, trẻ em có thời gian ngủ bất thường từ khi sinh ra đến 3 tuổi bị ảnh hưởng tiêu cực trong các kỹ năng liên quan đến đọc sách, toán học và nhận thức về không gian. Khi các nhà nghiên cứu tiếp tục theo dõi những đứa trẻ này, chúng tiếp tục tụt lại phía sau ở tuổi lên 7, và các bé gái bị ảnh hưởng nhiều hơn nam.

Với sự ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển trí não của trẻ như vậy, cha mẹ cần phải bảo đảm được chất lượng giấc ngủ của trẻ, ngay từ khi sinh ra cho đến khi trẻ đã lớn. Tuỳ thuộc vào từng giai đoạn trẻ sẽ có nhu cầu về giấc ngủ khác nhau, cha mẹ cần nắm rõ từng thời điểm và tạo thói quen ngủ tốt cho trẻ (Ảnh: Internet)

Trên đây là 3 yếu tố cực kỳ quan trọng mà cha mẹ cần chú ý, nhằm tránh tình trạng chậm phát triển cũng như thúc đẩy phát triển trí não toàn diện ở trẻ. Mong rằng bài viết đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái.

Xem thêm: Vì sao người tiểu đường cần kiểm tra lượng đường trong máu 2 giờ sau bữa ăn?

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/3-yeu-to-cha-me-can-chu-y-ngan-tinh-trang-cham-phat-trien-tri-nao-o-tre-nho-35880/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY