Dinh dưỡng hôm nay

4 cách tăng chiều cao ở tuổi 15 cho hiệu quả cao nhất

Ở tuổi 15, tốc độ tăng trưởng chiều cao có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tăng trưởng từ 5 - 7 cm ở độ tuổi này nếu biết áp dụng đúng các phương pháp khoa học, phù hợp.

Dưới đây là 4 cách tăng chiều cao ở tuổi 15 nhất định bạn phải biết để có được chiều cao tối đa.

1. Tuổi 15 có phát triển được chiều cao nữa không?

Tuổi 15 vẫn nằm trong giai đoạn tuổi phát triển chiều cao ở trẻ. Mặc dù đã vượt qua đỉnh của giai đoạn (14 tuổi) thế nhưng, chiều cao tối đa của lứa tuổi này có thể đạt được là từ 5 - 7cm/năm.

Quá trình phát triển chiều cao của con người được chia làm 4 giai đoạn cơ bản gồm:

Giai đoạn 1000 ngày đầu tiên: Từ khi còn là bào thai cho tới 24 tháng tuổi.

Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, thai nhi bắt đầu hình thành hệ khung xương. Bởi vậy ngay từ khi mang thai, mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là canxi để con có thể đạt chuẩn chiều cao từ trong bụng. Theo các chuyên gia, chiều dài đạt chuẩn của trẻ sơ sinh khi lọt lòng là trên 50 cm.

Sau khi chào đời, bé được khuyến khích bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và chăm sóc dinh dưỡng tốt ở giai đoạn ăn dặm. Chiều cao đạt được năm 2 tuổi của bé sẽ bằng ½ chiều cao của tuổi trưởng thành có thể đạt được.

Giai đoạn 2: Từ 3 - 10 tuổi

Đây là độ tuổi mà chiều cao sẽ phát triển chậm lại. Ở lứa tuổi này, mỗi năm các bé sẽ cao thêm từ 5 - 8cm, trung bình khoảng 6,2cm/năm. Cũng ở giai đoạn 2, mật độ xương mỗi năm sẽ tăng khoảng 1%.

Giai đoạn từ 3 - 10 tuổi cũng là lúc mà cha mẹ cần chuẩn bị dinh dưỡng đầy đủ để làm tiền đề cho sự tăng trưởng ở tuổi dậy thì.

Giai đoạn 3: Từ 11 - 18 tuổi

Giai đoạn 3 được gọi là giai đoạn tăng trưởng chiều cao tuổi dậy thì. Với các bé gái, giai đoạn này thường kết thúc sớm hơn các bé trai. Thời gian tăng trưởng chiều cao của bé gái nhiều nhất vào lúc từ 11 - 16 tuổi.

Mặc dù vậy, cả bé trai và gái đều sẽ đạt được ngưỡng tăng trưởng chiều cao tối đa vào năm 13 - 14 tuổi. Sau quãng thời gian này, tốc độ tăng trưởng chiều cao cũng như số cm cao lên mỗi năm sẽ giảm dần.

Giai đoạn 4: Sau dậy thì

Ở giai đoạn này, con người vẫn có thể cao thêm. Với nữ, chiều cao sẽ phát triển tới khoảng năm 20 tuổi; với nam, thời gian này có thể kéo dài tới năm 22 tuổi. Tuy nhiên sau tuổi dậy thì, mức chiều cao đạt được tối đa cũng chỉ từ 2 - 3cm mỗi năm.

Dưới đây là bảng chỉ số chiều cao tiêu chuẩn của tuổi 15.

2. Những yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao

Rất nhiều người cho rằng, bố mẹ cao thì sinh con sẽ cao; ngược lại bố mẹ lùn thì con cũng không thể có được chiều cao như mong muốn.

Đây là một quan niệm không sai, tuy nhiên lại không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng khoảng 23% chiều cao của mỗi người. Như vậy dù bạn được sinh ra trong một gia đình có bố và mẹ không cao nhưng vẫn có thể có được chiều cao như bạn bè khác.

Thực tế, 77% yếu tố còn lại ảnh hưởng tới chiều cao là dinh dưỡng, luyện tập, môi trường sống, thói quen sinh hoạt. Trong đó, dinh dưỡng (32%), sự rèn luyện thân thể (20%); số phần trăm còn lại phụ thuộc vào các yếu tố khác.

3. Cách tăng chiều cao ở tuổi 15

Ở tuổi 15, cả nam và nữ để có thể tăng trưởng chiều cao nếu biết áp dụng đúng các phương pháp. Cụ thể những gợi ý để tăng chiều cao vào giai đoạn này như sau.

3.1. Chế độ dinh dưỡng khoa học

Như trên có đề cập, chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ quyết định phần lớn chiều cao của một con người. Vì vậy trong thực đơn hàng ngày, bạn cần đảm bảo ăn đa dạng, đầy đủ nguồn dưỡng chất. Những chất quan trọng cho sự phát triển của chiều cao, sự tăng trưởng có thể kể đến như:

Thực phẩm giàu canxi: Canxi là dưỡng chất quan trọng nhất. 99% hàm lượng canxi của cơ thể ở trong xương. Thiếu canxi sẽ khiến xương không phát triển, yếu, dễ gây loãng xương, hạn chế khả năng phát triển chiều cao.

Những thực phẩm giàu canxi mà bạn có thể lựa chọn để bổ sung bao gồm: sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai…); các loại rau xanh lá đậm; các loại hải sản…

Thực phẩm giàu vitamin D: Vitamin D giữ vai trò quan trọng trong chuyển hoá, đặc biệt là chuyển hoá canxi vào cơ thể. Nếu cơ thể bị thiếu vitamin D, ruột sẽ không thể hấp thụ được canxi và photpho. Điều này sẽ dẫn đến việc trẻ bị còi xương, chậm lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao.

Vitamin D có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm như cá hồi, cá trích, cá mòi, nấm, lòng đỏ trứng gà… Đặc biệt, một nguồn vitamin D vô cùng dồi dào, quý giá mà cơ thể có thể tự tổng hợp được qua da chính là ánh nắng mặt trời buổi sớm.

Vì vậy, bạn cần thường xuyên tắm nắng, tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, nạp đủ vitamin D cho quá trình tăng trưởng chiều cao.

Vitamin A: Vitamin A tuy không phải là vi chất giúp cấu tạo xương, thế nhưng đây lại là dưỡng chất quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng của xương, giúp tăng cường miễn dịch. Vitamin A được bổ sung đầy đủ sẽ giúp trẻ khoẻ mạnh hơn, ít bị ốm vặt, sức đề kháng tốt. Đây là tiền đề để giúp sự phát triển toàn diện của cơ thể, trong đó có chiều cao.

Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm như gan bò, dầu gan cá, khoai lang, cà rốt… Ngoài ra với những trẻ dưới 6 tuổi thì nên được uống viên vitamin A tổng hợp 2 lần 1 năm để đảm bảo cơ thể không thiếu dưỡng chất này.

Kẽm: Là dưỡng chất tham gia vào rất nhiều thành phần các enzyme. Nhờ có kẽm, cơ thể sẽ tăng tổng hợp protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng. Những trẻ em thiếu kẽm thường biếng ăn, còi cọc và chậm lớn.

Vì vậy, đây cũng là một thành phần không thể thiếu nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng, tăng chiều cao.

Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt đỏ, hải sản có vỏ, các loại cây họ đậu, ngũ cốc nguyên hạt, trứng…

I Ốt: I ốt là thành phần của nội tiết tố tuyến giáp. Trẻ thiếu iốt trẻ sẽ có nguy cơ bị thiểu năng tuyến giáp, có thể bị lùn do suy giáp trạng. I ốt có thể được bổ sung qua các loại thực phẩm giàu i ốt như rong biển, hải sản có vỏ, tảo, rau cần…

Ngoài ra trong muối ăn hằng ngày cũng nên có thành phần i ốt để đảm bảo cơ thể không bị thiếu hụt dưỡng chất này.

Các vi chất dinh dưỡng khác: Để phát triển chiều cao, cơ thể không chỉ cần canxi hay vitamin D. Đổi lại, cơ thể cần hàng trăm loại dưỡng chất mỗi ngày để đảm bảo phát triển toàn diện, từ đó thúc đẩy tăng trưởng chiều cao.

Vì vậy bên cạnh những loại vitamin, khoáng chất kể trên, bạn cần ăn đa dạng các loại thực phẩm; bổ sung nhiều rau xanh, trái cây cũng như tránh xa các thực phẩm không tốt.

3.2. Tập thể dục thể thao mỗi ngày

Vận động quyết định tới 20% khả năng phát triển chiều cao ở mỗi người. Vì vậy, việc vận động thường xuyên là hoạt động không thể thiếu nếu bạn muốn tăng trưởng chiều cao.

Xét về lợi ích, việc luyện tập thể dục thể thao sẽ kích thích các hệ cơ, xương phát triển đồng bộ, điều hòa mọi hoạt động của hệ nội tiết. Lúc này, tuyến yên sẽ liên tục tiết ra hormone tăng trưởng, hỗ trợ các tế bào xương, sụn phát triển, giúp mật độ xương gia tăng về độ dài lẫn bề dày.

Ngoài ra, việc tập luyện còn giúp tăng mật độ canxi của xương, giúp xương chắc khoẻ và tăng trưởng tốt hơn. Theo nghiên cứu, một cơ thể vận động thường xuyên sẽ có thể tiết ra các hormone tăng trưởng nhiều gấp 3 lần những người không vận động, luyện tập.

Hiện nay, có rất nhiều môn thể dụng thể thao, hoạt động thể lực giúp kích thích sự phát triển chiều cao. Ở tuổi 15, các bạn có thể lựa chọn các bộ môn phù hợp như bóng rổ, bơi lội, bóng chuyền, nhảy dây, yoga, đu xà…

3.3. Ngủ đủ giấc để thúc đẩy hormone tăng trưởng

Trong giấc ngủ sâu, hóc môn tăng trưởng được tuyến yên sản xuất có thể đạt mức cực đại. Đây là điều vô cùng cần thiết cho sự phát triển chiều cao. Ở tuổi 15, bạn cần ngủ đủ từ 8 - 10 tiếng mỗi ngày.

Cũng trong khi ngủ, nội tiết tố tăng trưởng trong máu sẽ được sản sinh mạnh mẽ, giúp hồi phục cơ-xương-khớp sau một ngày dài vận động; hệ cơ bắp, dây chằng, xương, sụn được nghỉ ngơi, sửa chữa và tái tạo. Thiếu ngủ có thể khiến cơ thể thiếu sức sống, không có đủ năng lượng và tâm trạng để vận động, học tập hiệu quả.

Cùng với ngủ đủ giấc, việc đi ngủ đúng giờ cũng quan trọng không kém. Thực tế, hormone tăng trưởng sẽ tiết ra nhiều nhất từ khoảng 23h đêm - 3 giờ sáng. Nếu bạn không chìm sâu vào giấc ngủ ở lúc này thì kết quả của việc tăng chiều cao cũng sẽ bị giảm.

Để có một giấc ngủ tốt, bạn hãy duy trì thói quen đều đặn mỗi ngày; không sử dụng các loại thuốc, chất kích thích gây mất ngủ; không sử dụng các thiết bị điện tử vào buổi tối trước khi đi ngủ…

3.4. Sử dụng sản phẩm kích thích xương phát triển

Sử dụng các sản phẩm thực phẩm hỗ trợ tăng chiều cao cũng là một gợi ý phù hợp ở tuổi 15. Những sản phẩm này sẽ giúp bổ sung nguồn dưỡng chất cần thiết, nhất là những thành phần hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng.

Hiện nay, các thực phẩm tăng trưởng chiều cao có rất đa dạng các loại, thành phần. Vì vậy tuỳ theo nhu cầu, bạn có thể lựa chọn sản phẩm trong nước hoặc nhập khẩu phù hợp để sử dụng.

Đạt được chiều cao lý tưởng ở tuổi 15 sẽ mang tới vô vàn những lợi ích như tự tin trước đám đông, cơ thể khoẻ mạnh cường tráng. Nếu bạn đang khao khát một mức chiều cao lý tưởng, hãy áp dụng theo 4 cách trên đây để mau chóng có được kết quả tốt nhất nhé.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/cho-con/4-cach-tang-chieu-cao-o-tuoi-15-cho-hieu-qua-cao-nhat-33287/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY