Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

5 bài thuốc Nam trị sổ mũi, ngạt mũi mùa lạnh

Trời chuyển lạnh, không khí khô hanh cộng với môi trường ô nhiễm làm nhiều người sáng sớm ngủ dậy thấy ngứa mũi, chảy nước mũi, hắt hơi kèm theo ho và đau họng. Đặc biệt nước mũi chảy ra liên tục làm người bệnh rất khổ sở ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt. Sau đây là một số bài thuốc Nam chữa trị chứng bệnh này, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo áp dụng.

Trị sổ mũi

Người bệnh hắt hơi nhiều, sổ mũi, đau trong hốc mũi, tiếng nói thô, có khi tịt một bên mũi gây khó thở, toàn thân mệt mỏi, đau đầu. Dùng một trong các bài:

Bài 1: phòng phong 10g, kinh giới 16g, xương bồ 12g, bạch chỉ 10g, xuyên khung 10g, thương nhĩ 16g, hoàng kỳ 12g, tía tô 16g, thiên niên kiện 10g, cây ngũ sắc 16g, cỏ seo gà 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Công dụng: trừ phong chống viêm, ôn ấm phế trường, chống xuất tiết.

Bài 2: khương hoạt 10g, độc hoạt 12g, bán hạ chế 10g, hậu phác 10g, nam hoàng bá 16g, sa sâm 12g, rau tần dày lá 16g, thiên niên kiện 10g, vỏ quế 8g, sinh khương 4g, thương nhĩ 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Công dụng: trừ phong hàn, chống xuất tiết, chống dị ứng.

Trị ngạt mũi

Người bệnh ngạt mũi liên tục, niêm mạc mũi sưng nề, đau đầu, đau vùng trán, khó thở, có khi phải thở bằng miệng, luôn chảy nước mũi. Dùng một trong các bài:

Bài 1: xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g, xuyên sơn giáp 2g, huyền sâm 12g, xạ can 12g, xương bồ 12g, củ đinh lăng 16g, bán hạ chế 10g, sinh khương 4g, vỏ quế 6g, rau tần dày lá 16g, tế tân 10g, đương quy 12g, sa sâm 16g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Công dụng: tiêu viêm, chống sưng nề, giảm tiết, làm thông đường hô hấp trên.

Bài 2: cát cánh 12g, xuyên sơn giáp 2g, bối mẫu 10g, hoàng kỳ 10g, tang ký sinh 10g, bán hạ chế 10g, rễ xương sông 16g, tế tân 10g, thương nhĩ 16g, củ đinh lăng 16g, sa sâm 12g, cây ngũ sắc 16g, nam tục đoạn 12g, nam hoàng bá 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Công dụng: chống viêm, giảm tiết, giảm đau, thông phế đạo.

Bài 3: Bài thuốc xông: xuyên khung, bạch chỉ, kinh giới, tía tô, lá chanh, vỏ quế, hoa hồng bạch mỗi vị 8g. Cho tất cả vào một chiếc ca, đổ nước sôi vào, đậy nắp lại. Một lát sau mở nắp ghé mũi vào xông. Phương pháp này dễ làm, thuận tiện lại rất hữu hiệu. Người bệnh dễ chịu, dễ thở, giảm đau rõ rệt, giảm xuất tiết.

Những mẹo khác trị nghẹt mũi:

1.Làm sạch mũi và xông mũi bằng nước muối: Nếu mới bị ngạt mũi, hãy pha nước muối loãng và nhỏ vào mũi, chất kháng khuẩn của nước muối sẽ giảm cảm giác nghẹt. Hoặc nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, để một lát rồi xì sạch nhầy ra, đường thở sẽ thông thoáng, dễ chịu. Làm vài lần trong ngày.

2.Xông hơi: Dùng viên xông mũi bằng dược liệu, hoặc dấm táo (2 thìa dấm táo, hòa nước sôi. Dùng hai bàn tay che phần phía trước cánh mũi rồi cúi xuống phần nước dấm táo pha chế.

3. Hành tây, hành tím, tỏi xắt miếng nhỏ, cho vào cốc, hoặc bát nhỏ rồi bắt đầu xông mũi. Nếu giã nhuyễn càng phát huy tác dụng. Theo các nhà khoa học, hành tây có thể đẩy lùi chứng ngạt mũi nhanh chóng mà không có tác dụng phụ. Cắt nhỏ hoặc giã nát hành tây ra sau đó lấy một cái khăn mỏng buộc kín lại rồi để gần mũi ngửi cho đến khi hết ngạt mũi.

4.Nếu nghẹt mũi kèm mệt mỏi, hãy pha nước ấm với tinh dầu bạc hà, hoặc gừng giã nhỏ sẽ để xông hơi (có bồn tắm ngâm mình càng tốt), giúp cơ thể tiết ra các chất bẩn, lưu thông mạch máu, tinh thần sảng khoái, đẩy lùi bệnh tật.

5. Nhai lá từ 2-4 lá húng quế là cách đơn giản nhất trị ngạt mũi. Hoặc uống trà húng quế sẽ giúp loại bỏ ngạt mũi.

6.1 thìa mật ong và vài giọt chanh tươi bỏ vào một cốc nước ấm. Khuấy đều và uống 3 cốc/ngày sẽ giúp sớm loại bỏ tắc mũi, chống ho hiệu quả.

7.Dùng khăn thấm nước nóng trước khi đi ngủ đặt ở hai tai 10-15 phút sẽ dịu chứng ngạt mũi (do ở tai có nhiều dây thần kinh nhỏ xíu điều tiết máu ở mũi, gặp nóng huyết quản sẽ giãn ra và giúp thông lỗ mũi).

Quá trình ngâm mình hãy thở đúng cách (hít vào phình bụng ra, thoải mái để hơi nước ấm bay lên làm mũi dịu lại và thông dần.

Chăm sóc mũi, xử trí khi cơn nghẹt mũi kéo đến:

Lọ nước muối sinh lý có tác dụng lớn bảo vệ và chăm sóc mũi, nhất là trẻ nhỏ:

- Mỗi ngày nên nhỏ mũi 2 - 3 lần. Nước muối sinh lý giúp chống khuẩn rất tốt, nó làm loãng nước mũi đặc và thông mũi nhanh chóng. Còn nếu mũi đang khỏe mạnh, nhỏ một vài giọt nước muối sinh lý mỗi ngày cũng làm cho mũi được sạch và khiến “vi khuẩn không kịp sản sinh”.

- Cách xông mũi: Dùng bát nước nóng và bỏ thêm 2 thìa muối vào, kề mũi gần bát và hít hà hơi nước bốc lên, giúp thông mũi và đẩy sạch nước mũi nhầy ra ngoài.

- Mát-xa nhẹ nhàng cánh mũi: Lấy hai ngón tay thuận nhất vuốt dọc nhẹ nhàng từ từ lên xuống sống mũi. Làm 10 lần đờm trong mũi tan ra, hết cơn nghẹt mũi.

Lưu ý:

-Uống nhiều nước để làm giảm dịch nhầy ở mũi (8-10 ly/ngày), và dùng các thức uống lỏng (canh, nước rau luộc, nước ép trái cây, trà thảo dược) giúp trị chứng nghẹt mũi.

--Ăn thức ăn nóng và uống nước nóng giúp ngăn ngừa mất nước và giảm nghẹt mũi. Hạn chế ăn thực phẩm có nhiều đường, bột vì chúng sẽ làm chứng nghẹt mũi thêm trầm trọng.

Tránh xa những loại thực phẩm nhiều đường và cacbonhydrat vì nó sẽ làm chứng nghẹt mũi trầm trọng hơn. Hãy ăn nhiều rau, ngũ cốc nguyên chất và các loại cá.

-Tránh những kích thích như khói thuốc, mùi son, mùi nước hoa, rượu vì chúng làm bạn khó chịu hơn.

-Khi bị nghẹt mũi, hãy gối cao hơn bình thường, để cổ và đầu bạn tạo thành góc 15 độ chênh với giường vừa phải sẽ dễ chịu hơn.

-Phòng ốc bố trí tránh sách báo, gấu bông… - là những hung thủ tích bụi, vi khuẩn xung quanh lâu ngày gây ra những vấn đề về nghẹt mũi.

-Hãy năng giặt ga trải giường, chăn chiếu, màn, gối để giảm bụi và vi khuẩn - tác nhân gây ngạt mũi.

Thiên Sơn

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/5-bai-thuoc-nam-tri-so-mui-ngat-mui-mua-lanh-37/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY