Dinh dưỡng hôm nay

5 lý do không nên xài bia cỏ

(SKGĐ) Theo Hiệp hội các nhà sản xuất rượu-bia-nước giải khát Việt Nam, “bia cỏ” chiếm 30% thị phần kinh doanh bia cả nước. Hiểu nôm na thì cứ 10 người uống bia có tới 3 người chuyên xài “bia cỏ”.

“Bia cỏ” là tên gọi chung cho những loại bia kém chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, hay ở những cơ sở tư nhân nhỏ lẻ kém uy tín…

1. Rút ngắn thời gian lên men

Quy trình công nghệ sản xuất bia phải đảm bảo đủ thời gian lên men qua hai giai đoạn là lên men chính (lên men thành phần nguyên liệu) và lên men phụ (thời gian lên men để khử độc và ổn định chất lượng bia).

Tuy nhiên, trong sản xuất gia công, thời gian lên men thường bị rút ngắn đi rất nhiều, đặc biệt là thời gian lên men phụ không đủ để khử hết các độc tố sinh ra trong quá trình sản xuất bia. Đây chính là nguyên nhân khiến mùi bia không thơm như bia đủ ngày của nhà máy, có thể có cặn đục và đặc biệt là khiến Thượng đế đau đầu, mệt mỏi ngay sau khi uống.

2. Thêm nhiều tạp chất

Nguyên liệu chính để làm bia là từ lúa mạch thường phải nhập ngoại nên chi phí rất cao. Trong sản xuất bia gia công, để giảm giá thành nhiều cơ sở chỉ sản xuất khoảng 40-60% là lúa mạch, còn lại là gạo, thậm chí có thể bằng ngô, khoai... Chính các thành phần này làm cho bia cỏ không thể có chất lượng, mùi vị và màu đẹp như bia nhà máy.

3. Trang thiết bị, công nghệ không đảm bảo quy chuẩn

Việc đảm bảo nhiệt độ chuẩn (khoảng từ 2-8độC) và ổn định trong suốt quá trình lên men cũng quyết định chất lượng bia.

Tuy nhiên, quy trình sản xuất thủ công không đảm bảo được tiêu chí này, khiến nhiệt độ lên xuống thất thường làm phát sinh các độc tố như diaxetyl và aldehyde cao khi ra bia thành phẩm.

Hơn nữa, việc lẫn tạp khuẩn trong quá trình sản xuất bia gia công là không thể tránh khỏi. Men không thuần khiết sẽ gây ra vấn đề về chất lượng chẳng hạn như sự có mặt của metylic (chất lỏng trong suốt, không mùi nhưng rất độc).

4. Bia tái chế

Các xưởng tư nhân có cơ chế bán hàng khá thông thoáng: Đại lý nhận bia về, bán không hết mang trả lại mà không phải chịu chi phí. Bia cũ được lọc lại, bơm thêm khí C02 rồi trộn với bia mới và tiếp tục cho vào bom bán ra thị trường.

5. Công nghệ pha chế

Tình trạng nhập nhèm, pha bia công ty với bia “cỏ” diễn ra khá phổ biến. Thường chủ quán bia rót bia công ty cho khách uống vài cốc đầu, sau đó khi khách đã “chếnh choáng” thì họ pha thêm bia “cỏ”, bia gia công vào để kiếm lời.

Một số mẹo nhận biết bia cỏ

- Uống vào thấy vị đắng, cảm giác như ga sộc lên mũi, dễ nhức đầu, dễ say.

- Mùi vị không thơm ngon như bia nhà máy.

- Khi uống cạn cốc bia hoặc đổ bia sang cốc khác không có những vệt bọt chảy theo thành cốc (hoặc có nhưng không có sự kết tính) như bia nhà máy.

- Một số quán pha lẫn cồn và nước lã vào bia, nếu tinh ý bạn có thể nhận thấy qua mùi vị và màu sắc (không sánh vàng).

- Không có bọt nhiều, bọt nhanh tan, các tâm bia ít nổi lên từ đáy cốc.

Hồng Nhung

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/5-ly-do-khong-nen-xai-bia-co-18316/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY