Dinh dưỡng hôm nay

6 cách ăn uống giúp bạn dễ tiêu hóa, tránh đầy hơi chướng bụng cực hiệu quả

Đầy hơi, chướng bụng được xem là một trong những dấu hiệu của tiêu hóa kém, chẳng những gây nhiều bất tiện cho người mắc phải mà về lâu dài còn ảnh hưởng sức khỏe. Vì vậy, nhằm hạn chế các triệu chứng khó chịu này, hãy “ghi sổ” ngay 6 cách ăn uống lành mạnh sau đây nhé!

1. Cung cấp đủ nước cho cơ thể

Đối với cơ thể chúng ta, nước luôn là yếu tố quan trọng không thể thiếu, đặc biệt là với hệ tiêu hóa. Cụ thể, trong quá trình tiêu hóa, nước sẽ giúp hòa tan các vitamin, khoáng chất cần thiết và các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Đồng thời, nước cũng giúp phòng chống táo bón do làm tăng quá trình nhu động ruột và làm mềm khối phân. Cung cấp đủ nước là điều cần thiết cho sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng.

Nhu cầu tiêu thụ nước của mỗi người phụ thuộc vào lứa tuổi, cân nặng, mức độ hoạt động thể lực, tình trạng sinh lý, tình trạng bệnh, điều kiện thời tiết, tuy nhiên, theo như khuyến cáo của các chuyên gia y tế, thể tích nước bạn nên nạp vào mỗi ngày xấp xỉ từ 2 - 2.5L nước, là đủ với nhu cầu của cơ thể.

Cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp hệ tiêu hóa hòa tan các vitamin, khoáng chất cần thiết và các chất dinh dưỡng từ thức ăn một cách trơn tru hơn (Ảnh: Internet)

2. Dung nạp nhiều chất xơ 

Chất xơ khi hòa cùng với nước sẽ giúp điều hòa nhu động ruột, hạn chế tình trạng táo bón, hoặc tiêu chảy. Bên cạnh đó, chất xơ còn giúp duy trì sức khỏe của đường ruột, hạn chế nguy cơ các bệnh, như: trĩ, ung thư đại trực tràng, các bệnh về ruột kết…, đồng thời giúp kiểm soát cơn đói - ăn ít hơn, do chất xơ tạo cảm giác no lâu, đây được xem như giải pháp hiệu quả để duy trì cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân. 

Nên tăng cường nhiều chất xơ trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày (đặc biệt là của những người trung niên hoặc cao tuổi) ít nhất là 400gr cho mỗi bữa ăn, vì nó có tác dụng giúp phòng chống các bệnh mãn tính, bao gồm: đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu. Ngoài ra, chất xơ có thể hỗ trợ giảm huyết áp và cải thiện các bệnh lý tim mạch.

3. Chỉ nên ăn chất béo một cách vừa phải

Tuy rằng chất béo đóng một vai trò rất quan trọng đối với sức khoẻ chúng ta trong việc cung cấp các vitamin và khoáng chất thiết yếu, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng vẫn khuyết cáo mọi người chỉ nên ăn chất béo một cách vừa phải, không nên ăn quá nhiều nhưng cũng đừng cắt bỏ còn quá ít. Điều bạn cần làm là cân đo làm sao mà lượng chất béo bão hòa và không bão hòa được cân đối, và không vượt quá mức quy định của các chuyên gia dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, tất cả các thực phẩm chứa nhiều chất béo đều sẽ có xu hướng làm chậm quá trình tiêu hóa, có thể dẫn đến táo bón. Chế độ ăn giàu chất béo, protein và ít chất xơ có thể dẫn đến thay đổi sự đa dạng của hệ vi sinh vật và có khả năng gây ra loạn khuẩn đường ruột. Chính vì vậy, khi ăn những món giàu chất béo cần kết hợp với thực phẩm giàu chất xơ để giúp chúng dễ tiêu hóa hơn

Bạn nên tập trung vào các loại chất béo tốt - chất béo không bão hòa nhiều hơn để cung cấp các loại dinh dưỡng tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet)

4. Cung cấp đủ chất đạm

Chất đạm khi vào cơ thể sẽ có chức năng cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột và khả năng miễn dịch niêm mạc thông qua việc tác động cấu trúc và hoạt động của hệ vi sinh vật đường ruột.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy, tiêu thụ nhiều hơn nhu cầu khuyến nghị sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa. Do đó, bạn nên bảo đảm lượng thịt đỏ và thịt đã qua chế biến chỉ trong 70g (thực phẩm chín) hoặc thấp hơn mỗi ngày, và 500g mỗi tuần; tăng cường ăn cá và các loại thủy hải sản ít nhất 2 - 3 bữa mỗi tuần để tốt cho sức khỏe. 

5. Ăn đủ các nhóm tinh bột và ngũ cốc nguyên hạt

Chức năng chính của carbohydrate trong cơ thể là cung cấp năng lượng, chính vì vậy, ai đang đi theo chế độ ăn low-carb và no-carb, hoặc chế độ ăn chứa nhiều đường đơn, đường đôi, và tiêu thụ các loại carbohydrate tinh chế đều cần phải cẩn thận, vì những chế độ ăn này cũng có thể phá vỡ sự cân bằng của các vi sinh vật trong đường tiêu hóa.

Nhằm giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh cần ăn đủ các thực phẩm nhóm tinh bột và khuyến khích sử dụng ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, gạo lật nảy mầm, gạo xay xát dối, ...), trái cây, rau, củ, các loại đậu, sữa ít béo,... Hạn chế các loại thực phẩm như bánh kẹo, mật ong, mứt sấy khô, hoa quả sấy khô

Nên cung cấp đủ số lượng carbohydrate theo khuyến nghị, với người trưởng thành tối thiểu cần 130g carbohydrate mỗi ngày.

Khi thực hiện chế độ ăn low carb hoặc no carb bạn phải cần chú ý, vì những chế độ ăn này cũng có thể phá vỡ sự cân bằng của các vi sinh vật trong đường tiêu hóa (Ảnh: Internet)

6. Ăn đúng bữa, cung cấp các khoáng chất thiết yếu

Bạn nên ăn đúng bữa theo hình thức 3 chính - 2 phụ mỗi ngày để giúp bạn tiêu hóa thức ăn một cách hợp lý hơn. Khi bạn không ăn đúng bữa, điều đó sẽ khiến dạ dày của bạn phải làm việc quá sức, dẫn đến đầy hơi và khó tiêu. Khoảng cách hợp lý ở các bữa ăn là cách nhau từ 3 - 4 tiếng, từ đó giúp cơ thể tiêu hóa, hấp thu tốt nhất các chất dinh dưỡng.

Hãy cung cấp đủ các vitamin và chất khoáng theo đúng nhu cầu cho từng lứa tuổi, từng giai đoạn phát triển. Nên cân nhắc tăng cường nhóm vitamin B như B12 và vitamin C, D giúp tăng cường sức khỏe đường ruột và hỗ trợ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh của bạn phát triển. Bên cạnh đó, vitamin D kích thích, hỗ trợ tiêu hóa, thúc đẩy miễn dịch và giúp hấp thụ canxi. 

Trên đây là bài viết cung cấp đến bạn 6 cách ăn uống giúp hạn chế tình trạng chướng bụng, đầy hơi, đồng thời giúp giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Mong rằng bài viết này sẽ mang lại những kiến thức bổ ích, giúp bạn xây dựng được chế độ dinh dưỡng hiệu quả.

Xem thêm: Chỉ cần áp dụng 4 cách "lười biếng" sau, chị em sẽ ngày càng trẻ đẹp - khoẻ mạnh

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/gia-dinh-khoe/6-cach-an-uong-giup-ban-de-tieu-hoa-tranh-day-hoi-chuong-bung-cuc-hieu-qua-35244/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY