Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

7 bước vệ sinh tủ lạnh sạch bong đúng cách để bảo sức khỏe gia đình

Tủ lạnh là một vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình ngày nay. Việc vệ sinh tủ lạnh thường xuyên sẽ đảm bảo chất lượng vận hành máy, ngăn tủ có mùi khó chịu, kéo dài tuổi thọ. Bên cạnh đó, thức ăn dự trữ sẽ được đảm bảo chất lượng, tươi ngon và hợp vệ sinh hơn.

Vệ sinh hàng ngày

Mỗi khi nấu nướng và dùng đến tủ lạnh, bạn dùng vài giây để kiểm tra xem thức ăn thừa mấy hôm nay có bị đổ ra ngoài không. Hoặc kiểm tra thịt cá rã đông có bị chảy nước ra không. Nếu có hãy dùng khăn sạch lau ngay. Vết bẩn mới bao giờ cũng dễ làm sạch hơn là vết bẩn lâu ngày.

Tay nắm cửa tủ lạnh luôn phải được chú ý tới và lau thường xuyên. Đây là nơi có nhiều vi khuẩn gây bệnh và dễ lây lan cho các thành viên trong gia đình nhất. Bạn có thể dùng khăn hoặc vải quấn xung quanh để hạn chế vi khuẩn, thay định kỳ 2-3 ngày/lần.

Vệ sinh hàng tuần

Trước mỗi lần đi chợ hoặc trước khi chuẩn bị tiếp tế lương thực cho gia đình suốt tuần sau vào tủ lạnh thì bạn cần rà soát lại những thực phẩm còn lại trong tủ lạnh. Với những thực phẩm còn hạn sử dụng ngắn, ưu tiên để ở vị trí dễ thấy nhất trong tủ lạnh.

Lưu trữ và sử dụng thực phẩm theo nguyên tắc First In – First Out: Cất trước – Lấy trước để tránh việc bỏ đi những sản phẩm đã hết hạn vì quên.

Vệ sinh hàng tháng

- Bước 1

Tháo phích cắm tủ lạnh. Sử dụng chổi quét nhà hoặc cây phất trần luồn xuống phía đáy và mặt sau của tủ lạnh để quét sạch bụi. Có thể dùng cây lau nhà lau sạch lần nữa nếu muốn.

- Bước 2

Lấy hết mọi thứ ra khỏi tủ lạnh và để trên chiếc bàn gần đó. Tiếp theo, bạn hãy phân loại những sản phẩm còn hạn sử dụng và hết hạn sử dụng sang hai bên. Mọi thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc có xu hướng bị thay đổi mùi vị đều nên bị bỏ vào túi đựng rác. Bạn có thể đổ hết thực phẩm trong các lọ thuỷ tinh hoặc hộp nhựa đã hết hạn đi, sau đó giữ lại các lọ thuỷ tinh, hộp nhựa để đựng các đồ ăn khác sau này.

- Bước 3

Lấy hết các ngăn tủ lạnh, tháo gỡ bất cứ phần nào có thể tháo rời được và cho chúng vào bồn rửa chén của nhà bạn. Cho một ít xà phòng vào miếng mút mềm rồi tạo bọt, sau đó bắt đầu lau rửa nhẹ nhàng các kệ đựng thức ăn của tủ lạnh. Các bạn có thể dùng nước ấm để việc dọn vệ sinh được thuận tiện hơn, nhưng lưu ý không nên để nước quá nóng để tránh làm nứt các ngăn tủ. Sau đó đặt các ngăn tủ vào nơi khô, để cho ráo nước.

- Bước 4

Bạn nên dùng một miếng vải khô để thấm hút các vết bẩn trong tủ lạnh. Vì tủ lạnh luôn trong tình trạng “ẩm ướt” nên sử dụng khăn ướt để lau vào những chỗ bẩn có thể sẽ làm lan ra nhiều hơn.

Bạn nên lưu ý lau thật kỹ các khe, kệ và trên cả phía bên cánh cửa tủ lạnh. Một chiếc bàn chải đánh răng cũ và bình xịt phun sương sẽ hỗ trợ cho bạn việc tẩy sạch tất cả các khe hở và kẽ bám và đừng quên dùng khăn giấy để lau khô lại.

Đặt biệt, chú ý không nên lau bóng đèn, vì nó có thể khiến bóng đèn tủ lạnh bị vỡ hoặc cháy.

Ở bước này, bạn có thể vệ sinh tủ lạnh với giấm nguyên chất. Sử dụng một bình có vòi xịt để vệ sinh từ trên xuống dưới, từ phải qua trái và cả cánh cửa tủ. Nồng độ axit ở trong giấm giết chết vi khuẩn và nấm mốc, đồng thời còn giúp khử mùi tủ lạnh hiệu quả.

Ngoài ra, giải pháp thứ hai bạn có thể sử dụng là hòa lẫn bột baking soda với nước ấm. Dùng miếng bọt biển hoặc giẻ sạch bôi hỗn hợp lên khắp bề mặt bên trong tủ và cả các viền cao su quanh cánh cửa. Với những khe nhỏ hoặc đường viền, bạn nên dùng một chiếc bàn chải nhỏ để chà sạch vết bẩn được nhanh chóng. Sau khi hoàn tất, dùng khăn ẩm lau sạch mọi thứ với nước.

- Bước 5

Vệ sinh bên ngoài tủ lạnh. Với loại tủ mặt kính, dùng khăn giấy và nước lau lính để làm sạch bề mặt cửa và phần tay cầm. Với tủ lạnh thép không gỉ hoặc sơn tĩnh điện, dùng miếng vải nhúng vào giấm và lau lên bề mặt tủ. Chú ý làm sạch phần nóc tủ lạnh.

- Bước 6

Khay thoát nước ở phía sau tủ lạnh thường sẽ tự bay hơi, do khi hơi nóng phát ra từ động cơ của tủ. Nếu phía sau tủ có mùi hôi, hoặc máng nước quá nhiều nước thì nên tháo ra và lau chùi lại.

- Bước 7

Gắn hết tất cả các phần đã tháo rời cùng những ngăn tủ vào tủ lạnh, sắp xếp thức ăn và cắm phích tủ lạnh. Các bạn nên lau hết lại những chai, lọ để mọi thứ được sạch sẽ hơn. Một lưu ý nhỏ nữa là nên đặt một hộp baking soda vào tủ lạnh để khử mùi thức ăn trong tủ.

Khi sắp xếp thức ăn, các bạn cần gom hết những loại sản phẩm gần giống nhau để ở các vị trí kề nhau để dễ dàng lấy thức ăn ra sau này.

Tủ lạnh sẽ hoạt động lại khi cắm điện. Một số loại tủ lạnh, máy nén (động cơ) của tủ sẽ khởi động sau khi cắm điện từ 10 tới 20 phút.

Quỳnh Hoa

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/7-buoc-ve-sinh-tu-lanh-sach-bong-dung-cach-de-bao-suc-khoe-gia-dinh-27960/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY