Sức khỏe và sắc đẹp có thể coi là mục tiêu chung của tất cả mọi người. Để trì hoãn sự lão hóa, nhiều người sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thậm chí là nhiều "bí quyết" vô cùng kỳ lạ. Trên thực tế, cách chống lão hóa và duy trì sức khỏe lại được quyết định bởi chính chế độ ăn uống hàng ngày của chúng ta.
Một số hành vi ăn uống sai lầm và những quan điểm dinh dưỡng đi ngược với khoa học có thể khiến bạn già đi nhanh hơn. Nếu đang xây dựng chế độ ăn lành mạnh để cải thiện sức khỏe và làm chậm quá trình lão hóa, phụ nữ nên tránh ăn 7 kiểu ăn uống sau đây.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) chỉ ra rằng người Mỹ trung bình tiêu thụ hơn 3400mg natri mỗi ngày, vượt xa mức 2300mg được khuyến nghị bởi các hướng dẫn về chế độ ăn uống. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ muối trung bình cũng cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Tiêu thụ quá nhiều natri có thể gây ra tình trạng huyết áp cao và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Điều này càng nguy hiểm hơn với những người lớn tuổi, vì khi chúng ta già đi, các động mạch của chúng ta có xu hướng cứng lại và dễ bị tổn thương bởi natri hơn. Ngoài ra trong nhiều trường hợp, dư thừa muối cũng có thể làm cho các tế bào co lại và dẫn đến mất nước. Không đủ nước khiến cho da xuất hiện nếp nhăn và cuối cùng khiến chúng ta già đi nhanh hơn.
Giải pháp: Hầu hết natri đến từ thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh. Do đó, hãy cố gắng hạn chế gọi đồ ăn ở bên ngoài về. Hãy chọn thực phẩm ít natri và học cách đọc thông tin thành phần trên nhãn thực phẩm. Các nhà dinh dưỡng khuyên rằng khi ăn thực phẩm có hàm lượng natri cao, hãy ăn kèm một số loại thực phẩm có hàm lượng kali cao (như chuối, khoai lang hoặc rau bina) để trung hòa tác hại của natri.
Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2017 cũng đã chỉ ra, người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ ăn rất ít rau: họ chỉ ăn khoảng 170 - 200gr/ngày - bằng 1/2 mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Thói quen ít ăn rau, ít ăn các loạt hạt, các củ quả nhiều chất xơ và ăn nhiều thịt được các nhà khoa học chỉ ra là một trong những nguyên nhân khiến cho người Việt dễ mắc bệnh. Dinh dưỡng không cân bằng, lười vận động đang khiến cho ngày càng gia tăng số người mắc béo phì, tăng huyết áp, tim mạch, đồng thời thúc đẩy lão hóa.
Giải pháp: Người dân nên ý thức hơn trong chế độ ăn hàng ngày, bao gồm bổ sung đủ lượng rau hàng ngày để tận dụng nguồn chất xơ quý báu. Một người ăn hơn 400g rau xanh và quả chín mỗi ngày có thể giảm 2 lần nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mỡ máu.
Ăn quá nhiều đồ ngọt có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch của con người. Các chuyên gia từ Trường Y Harvard cho rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến huyết áp cao, viêm mãn tính, tăng cân, tiểu đường và gan nhiễm mỡ, tất cả đều liên quan đến nguy cơ đau tim và đột quỵ cao hơn.
Ngoài ra, ăn quá nhiều đường sẽ hình thành sự liên kết giữa glucose với protein và lipid (2 protein chịu trách nhiệm duy trì sự săn chắc, đàn hồi của da), từ đó phá hủy collagen và tăng cường sự phát triển nếp nhăn.
Giải pháp: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng nam giới nên tiêu thụ không quá 9 muỗng cà phê (36 gam hoặc 150 calo) đường bổ sung mỗi ngày, trong khi phụ nữ nên tiêu thụ không quá 6 muỗng cà phê (25 gam hoặc 100 calo) đường thêm mỗi ngày.
Mặc dù việc hạn chế chất béo bão hòa là một chiến lược khôn ngoan để tăng cường sức khỏe tổng thể, nhưng nếu không muốn già đi quá nhanh, bạn không nên từ bỏ tất cả chất béo trong chế độ ăn uống của mình.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, chất béo không chỉ giữ ấm cho cơ thể mà còn rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể, hỗ trợ sự phát triển của tế bào, bảo vệ các cơ quan và giúp cơ thể hấp thụ một số chất dinh dưỡng.
Phòng khám Cleveland chỉ ra rằng chất béo không bão hòa đa (ví dụ như omega-3) có tác dụng làm giảm mức chất béo trung tính, tăng mức lipoprotein mật độ cao và giúp giảm sự tích tụ mảng bám trong động mạch, do đó làm giảm các cơn đau tim và đột quỵ.
Giải pháp: Bổ sung nhiều thực phẩm giàu omega-3 vào chế độ ăn hàng ngày của bạn như cá hồi, quả óc chó, hạt lanh, cá mòi và dầu hạt cải.
Đồ uống có đường không chỉ gây hại cho sức khỏe tim mạch của bạn mà còn có thể gây hại cho xương của bạn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrition vào tháng 2 năm 2020 cho thấy uống quá nhiều nước ngọt mỗi ngày có liên quan trực tiếp đến nguy cơ gãy xương.
Hơn nữa, đồ uống có đường có thể gây tăng cân, tạo nếp nhăn, làm cho làn da của bạn chảy xệ nhanh hơn.
Giải pháp: Hạn chế uống nước ngọt, hãy chọn loại đồ uống lành mạnh hơn, chẳng hạn như nước trái cây và sữa tăng cường canxi và vitamin D, để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của xương.
Dữ liệu cho thấy rằng khi chúng ta trên 30 tuổi, cơ thể chúng ta mất 5% cơ bắp sau mỗi 10 năm. Sarcopenia có thể gây yếu và giảm khả năng vận động, làm tăng nguy cơ té ngã và gãy xương.
Khi chúng ta già đi, chế độ ăn uống, đặc biệt là lượng protein, đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại chứng suy nhược cơ và duy trì khối lượng cơ. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vào tháng 7 năm 2017, khoảng 1/3 người cao tuổi ở Hoa Kỳ không đáp ứng được lượng protein được khuyến nghị.
Giải pháp: Bổ sung nhiều protein hơn vào mỗi bữa ăn nhẹ và bữa ăn chính. Tăng cường sử dụng các sản phẩm từ sữa và trứng. Nếu cần thiết, có thể sử dụng bột protein thay thế.
Nếu ăn quá nhiều đồ ăn cay, bạn có thể mắc bệnh hồng ban trên da, khiến da trông đỏ, thiếu sức sống và kém trẻ trung. Ăn đồ cay hạn chế thì không có gì xấu, nhưng nếu ăn cay quá thường xuyên bạn có thể mắc hội chứng tĩnh mạch mạng nhện, bọng mắt hoặc da bị đỏ vĩnh viễn.