Dinh dưỡng hôm nay

Ăn cà tím không biết cách dễ bị ngộ độc

Cà tím là loại thực phẩm quen thuộc đối với bữa cơm của nhiều gia đình, bên cạnh những lợi ích mà chúng mang đến thì cà tím cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại. Vậy đâu là cách chế biến cà tím cho đúng, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết sau đây:

Cà tím tuy là loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng nếu không biết cách chế biến sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, để loại bỏ hoàn toàn độc tố ra khỏi cà tím và biến tấu chúng trở thành những món ăn ngon hấp dẫn, đảm bảo sức khỏe, các chị em cần lưu ý những điều sau:

Những điều cần biết về trái cà tím

Trong thành phần của cà tím có đến 92% nước, 5,5% glucid, 1,3% protid và lượng lipid là 0,2% và các khoáng chất khác có lợi cho cơ thể.

Cà tím hay còn gọi là cà dái dê, có tên khoa học là Solanum melongena là loại cây thuộc loại họ nhà cà có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Sở dĩ quả cà là loại thực phẩm được ưa chuộng dùng để chế nhiều món ăn ngon hấp dẫn vì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong thành phần của cà tím có đến 92% nước, 5,5% glucid, 1,3% protid và lượng lipid là 0,2%.

Bên cạnh đó, cà tím cũng chứa nhiều khoáng chất như: kali, phốt pho, magiê, calcium, lưu huỳnh, clor, sắt, mangan, kẽm, đồng, iod, và các loại vitamin B1, B12, PP cùng với lượng lớn chất nhầy.

Về đặc tính thì y học cổ truyền đánh giá cà tím là loại thực phẩm có vị ngọt tính hàn, hơi độc, nên có tác dụng mát gan, lợi mật, đồng thời giúp nhuận tràng, trị táo bón hiệu quả.

Cà tím là một trong những loại thực phẩm được xếp vào nhóm dinh dưỡng cao và chúng có nhiều công dụng trong việc điều trị một số chứng bệnh như sau:

Giúp xương chắc khỏe

Cà tím nướng sẽ là món ăn ngon lành, bổ dưỡng đồng thời cung cấp lượng vitamin và canxi dồi dào cho xương chắc khỏe.

Trong thành phần của cà tím có chứa nhiều chất sắt và canxi rất tốt cho sức khỏe. Chính vì thế, cà tím thường được nhiều gia đình tại Việt Nam ưa chuộng và chế biến bằng cách nướng lên với lửa than. Cà tím nướng sẽ là món ăn ngon lành, bổ dưỡng đồng thời cung cấp lượng vitamin và canxi dồi dào cho xương chắc khỏe.

Tốt cho não bộ và cải thiện tuần hoàn

Chất phytonutrients chứa nhiều trong cà tím có khả năng cải thiện lưu lượng máu lưu thông đến não, giúp não bộ hoạt động tốt hơn. Đặc biệt, chất này thường chứa nhiều trong vỏ của trái cà, vì thế khi muốn mua cà tím bạn nên lựa chọn những loại quả có ngoài bóng mịn.

Ngăn ngừa ung thư ruột già

Có thể thấy cà tím là loại thực phẩm có lượng chất xơ vô cùng dồi dào, chúng có công dụng hỗ trợ tăng cường hệ tiêu hóa và đường ruột.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo việc thường xuyên sử dụng cà tím sẽ giữ cho hệ tiêu hóa của bạn hoạt động bình thường, bảo vệ bạn khỏi táo bón. Góp phần bảo vệ cơ thể khỏi căn bệnh đại tràng nguy hiểm.

Hỗ trợ giảm cân

Chứa ít calo, giàu chất xơ và đồng thời không chứa chất béo là những ưu điểm mà cà tím có được. Chính vì thế, đối với những đối tượng muốn giảm cân, nên thường xuyên sử dụng cà tím sẽ tạo cảm giác no, giúp hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể, từ đó duy trì chỉ số cân nặng ở mức ổn định.

Chứa ít calo, giàu chất xơ và đồng thời không chứa chất béo là những ưu điểm mà cà tím có được. Chính vì thế, cà tím phù hợp với những đối tượng muốn giảm cân.

Thực phẩm cho người tiểu đường

Cà tím chứa hàm lượng chất xơ vô cùng dồi dào, tuy nhiên lại chứa rất thấp lượng cholesterol hòa tan. Vì thế cà tím là thực phẩm được dùng để kiểm soát các triệu chứng bệnh tiểu đường.

Giảm hàm lượng cholesterol

Cà tím đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ thống mạch máu được hoạt động tốt hơn. Các bằng chứng từ nghiên cứu khoa học cho thấy thường xuyên sử dụng cà tím sẽ làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể, nhưng tác dụng này chỉ đạt được nếu bạn nấu cà tím ở nhiệt độ không quá 200 độ.

Duy trì huyết áp

Bên cạnh các công dụng đã kể trên, thì vỏ và thịt của cà tím có chứa nhiều flovanoid, chất này có thể giúp ổn định huyết áp và giảm căng thẳng hiệu quả.

Tăng cường mạch máu

Ăn cà tím thường xuyên giúp ngăn ngừa tắc nghẽn mạch máu, nhờ vào hàm lượng vitamin K, chất xơ, kali,… rất tốt cho cơ thể. Đồng thời, anthocyanine có trong cà tím có thể giúp giảm huyết áp, nếu chẳng may bị căng thẳng lo âu, hãy nhớ đưa cà tím vào khẩu phần ăn của bạn để cải thiện tình trạng trên.

Duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống lại mọi bệnh tật

Cà tím cũng là loại thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa với công dụng giúp cơ thể chống chọi lại với nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Cà tím không lành như ta nghĩ

Bên cạnh những lợi ích to lớn đối với sức khỏe thì cà tím cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe mà bạn cần phải hết sức lưu ý khi sử dụng để tránh rước họa vào thân.

Không nên ăn quá nhiều vì có thể bị ngộ độc

Chất solanine có trong cà tím có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào gây ung thư. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều sẽ gây tác dụng kích thích mạnh mẽ lên các trung tâm hô hấp, tạo thành cảm giác gây mê và có thể dẫn đến ngộ độc cho cơ thể.

Đặc biệt, solanine là chất không hòa tan trong nước, cho nên việc chế biến chiên xào với nhiều hình thức khác nhau cũng không thể nào phá hủy được liên kết của chất này. Cách tốt nhất để phòng ngừa ngộ độc solanine là nên kiểm soát lượng cà tím nạp vào cơ thể. Một người chỉ nên sử dụng khoảng 250g cà tím trong bữa ăn thì sẽ không gây hại gì đến sức khỏe.

Nếu ăn quá nhiều cà tím sẽ gây tác dụng kích thích mạnh mẽ lên các trung tâm hô hấp, tạo thành cảm giác gây mê và có thể dẫn đến ngộ độc.

Không nên nấu cà tím với nhiệt độ quá cao

Như đã phân tích cà tím là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, PP và các loại khoáng chất khác. Cho nên khi bạn chế biến cà tím ở nhiệt độ quá cao sẽ làm cho các khoáng chất có trong cà tím biến mất đi và biến đổi thành các chất gây hại cho cơ thể. Riêng đối với các loại vitamin sẽ bị hao hụt và giảm đi một nửa so với ban đầu.

Đồng thời các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, protein có trong cà tím sau khi được nấu với nhiệt độ cao sẽ chuyển hóa và có tác dụng như một histamine gây ra triệu chứng ngứa da, ngứa miệng cho người sử dụng. Để khắc phục tình trạng trên bạn nên nấu thật chín với lửa nhỏ trong thời gian dài trước khi sử dụng, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Cách chế biến cà tím cho đúng

Cà tím sau khi thái miếng cần ngâm cà qua nước pha muối, sau đó rửa lại để để loại bỏ nhựa, vị đắng cũng như các độc tố giúp món ăn ngon và an toàn hơn.

Để loại bỏ hoặc hạn chế được các chất solanine có trong cà tím, khi chế biến các bạn cần nhớ thêm vào một chút giấm để loại bỏ độc tố gây hại cho cơ thể.

Cà tím có thể dùng chế biến thành nhiều món ăn như chiên, xào, nướng, canh…khi ăn nên không nên bỏ phần vỏ bởi vỏ cà tím rất giàu vitamin B và C.

Cà tím có tính hàn cao nên khi chế biến có thể cho thêm một vài lát gừng để an toàn cho người có hệ tiêu hóa kém.

Cà tím có thể dùng chế biến thành nhiều món ăn như chiên, xào, nướng, canh…khi ăn nên không nên bỏ phần vỏ bởi vỏ cà tím rất giàu vitamin B và C.

Tuyệt đối không nên sử dụng kết hợp cà tím với thịt cua vì cả hai nguyên liệu này đều có tính hàn nên khi ăn cùng nhau sẽ khiến hệ tiêu hóa khó chịu, có thể dẫn đến tiêu chảy nặng.

Không uống nước ép cà tím vì rất dễ xảy ra ngộ độc, vì lúc này cà tím chưa được nấu chín vì tỷ lệ nicotine có trong cà vẫn còn tồn tại và chúng thường có hàm lượng cao hơn bất kì loại rau củ khác. Đặc biệt chú ý không nên ăn hoặc uống sống cà tím sẽ dễ bị ngộ độc.

Những ai không nên ăn cà tím?

Theo y học cổ truyền cà tím là thực phẩm có tính hàn, vì thế nếu ăn nhiều có thể làm cho dạ dày khó chịu, dẫn đến chứng tiêu chảy liên tục. Những đối tượng gặp vấn đề về hệ tiêu hóa như dạ dày tuyệt đối không nên ăn thực phẩm này.

Đồng thời những người có thể trạng ốm yếu, hay mệt mỏi cũng không nên ăn cà tím nếu như không muốn bệnh ngày càng nặng thêm.

Đối với những người mang trong mình bệnh thận cũng tuyệt đối nói không với cà tím vì cà tím chứa hàm lượng lớn lượng oxalate cao, vì đây là loại axit có nhiều trong thực vật, nếu cơ thể dung nạp quá nhiều sẽ gây sỏi thận.

Bên cạnh đó là thông tin được các nhà khoa học Ấn Độ thông tin cà tím là thực phẩm tiềm ẩn chất gây dị ứng và bộc phát ở một số người quá mẫn cảm.

Đối với tình trạng ngứa ngoài da và miệng sau khi ăn cà tím., nguyên nhân là trong cà tím có chứa một loại protein và một số chất chuyển hóa có tác dụng như một loại histamin hàm lượng cao. Để khắc phục tình trạng này bạn có thể nấu chín cà tím trước khi ăn, vì nhiệt độ sẽ làm giảm tác hại có trong cà tím.

Gợi ý các món chế biến từ cà tím

1. Cà tím kho nấm mỡ

Nguyên liệu:

- Cà tím 2 trái

- Nấm mỡ 500 gr

- Hành lá

- Nước tương

- Giấm

- Dầu ăn

Cách thực hiện:

- Bước 1: Lấy cà tím cắt nhỏ thành miếng vừa ăn, rửa sạch với nước muối. Sau đó cho cà tím lên chảo nướng sơ qua để khi kho cà không bị nát. Nấm các bạn cũng rửa sạch và để riêng.

- Bước 2: Để chảo lên bếp cho 1 muỗng dầu ăn phi thơm với đầu hành, cho nấm vào. Cuối cùng cho cà tím vào xào chung.

- Bước 3: Nêm gia vị như 4 muỗng nước tương, 1/2 muỗng canh giấm, một ít nước lọc, tất cả trộn đều thành hỗn hợp và cho vào chảo. Nấu với lửa nhỏ đến khi nấm và cà mềm thì nêm lại gia vị lần nữa là được. Khi món ăn đã chín các bạn tắt bếp dọn ra và ăn cùng với cơm nóng sẽ rất ngon.

2. Cà tím nhúng bột chiên giòn

Nguyên liệu:

- Cà tím 1 trái

- Bột chiên giòn 1 gói

- Dầu ăn 200ml

Cách thực hiện:

- Bước 1: Cà tím rửa sạch, cắt từng khoanh tròn. Nhớ chú ý cắt cho đều tay vì nếu cắt miếng lớn nhỏ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của món ăn khi chế biến.

- Bước 2: Cho bột vào tô, thêm từ từ nước và khuấy đều cho tới khi hỗn hợp bột trở nên quánh đặc là được. Không nên pha loãng quá.

- Bước 3: Cho từng miếng cà vào bột đến khi phủ đầy hỗn hợp bột lên trên cà. Sau đó, khi chuẩn bị cho cà vào chảo chiên cần để nghỉ một chút để bột chảy xuống tương đối.

- Bước 4: Cho dầu ăn lên bếp để khi thật nóng thì thả từng miếng cà vừa nhúng bột vào chảo chiên. Lưu ý chiên cho chín đều miếng cà rồi vớt ra cho vào giấy thấm dầu.

- Bày trí ra đĩa, món cà tím chiên giòn này chấm với tương ớt cực kì ngon miệng.

3. Cà tím cuộn sốt cà chua

Cà tím sốt cà chua là món ăn đơn giản dễ thực hiện nhưng lại vô cùng bổ dưỡng

Nguyên liệu:

- Cà tím 2 trái

- Đậu hũ non 2 miếng

- Nấm hương 15 cái

- Ngò rí 5gr

- Cà chua 2 trái

- Nước mắm chay 1 muỗng canh

- Hạt nêm chay 1/2 muỗng cà phê

- Đường trắng 1 muỗng cà phê

- Dầu ăn 1 muỗng canh

Cách thực hiện:

- Bước 1: Đối với các nguyên liệu như cà tím và nấm hương bạn cần rửa sạch, thái lát mỏng sau đó ngâm nước muối pha loãng. Rau và cà chua cũng rửa sạch, cắt nhỏ vừa ăn.

- Bước 2: Lấy đậu hũ đem đi nghiền nát, trộn cùng nấm hương, rau ngò, một muỗng canh nước mắm, hạt niêm và một ít đường. Trộn đều tất cả lại với nhau cho thấm đều.

- Bước 3: Dùng miếng cà tím đã cắt mỏng và lấy muỗng xúc đậu hũ đã nghiền vào và cuộn lại làm như vậy đến khi hết.

- Bước 4: Cho cà chua vào chảo với 1 muỗng canh dầu ăn và 1 muỗng canh nước và nêm gia vị vừa ăn để tạo thành hỗn hợp sốt.

- Bước 5: Tiếp theo, xếp cà tím cuộn vào chảo và nấu, sau đó cho nước sốt đều lên trên miếng cà nấu trong 12-15 phút là có món cà tím cuộn đậu hũ nấm sốt.

- Bước 6: Cho ra đĩa và rắc chút ngò lên. Món này ăn với cơm nóng rất lạ miệng và hấp dẫn.

4. Cà tím sốt nước tương

Nguyên liệu:

- 4 quả cà tím

- 1 cây tỏi tây

- 1 củ gừng nhỏ

- 1/2 thìa cà phê đường

- 3 thìa súp xì đầu

- 1/2 thìa cà phê tiêu

- Tương ớt

- Dầu ăn

Cách thực hiên:

- Bước 1: Các bạn lấy cà tím cắt lát sau đó ngâm qua nước muối cho khỏi bị thâm. Tỏi, gừng rửa sạch thái nhỏ.

- Bước 2: Cho chảo lên bếp đun nóng với một ít dầu ăn, cho cà tím vào rán vàng hai mặt. Sau đó lấy ra để cà vào tô, rưới hai thìa súp xì dầu và hấp cách thủy khoảng 10 phút. Bước tiếp theo làm nóng chảo với một thìa cà phê dầu, cho gừng và tỏi tây vào xào nhanh, thêm 1 thìa xì dầu, đường và tiêu vào, đảo đều.

- Bước 3: Sau khi hoàn thành món ăn các bạn, bước tiếp theo là xếp cà ra dĩa, cho gừng tỏi đã thái nhỏ lên trên. Cuối cùng thêm tương ớt và ăn nóng. Món cà tím sốt nước tương rất phù hợp để ăn chay, sẽ ngon hơn nếu được dùng nóng.

5. Mỳ Spaghetti cuộn cà tím

Nguyên liệu:

- 300g cà tím

- 1 gói mỳ spaghetti

- 1 củ hành tây

- 2 quả cà chua

- 4 lát thịt xông khói

- 3 thìa xốt cà chua

- Lá oregano

- Dầu ăn

- Hạt nêm

Cách thực hiện:

- Bước 1: Mỳ luộc trong nước sôi có pha chút muối trong 20 phút. Lưu ý nên đảo liên tục cho mỳ khỏi dính. Sau đó vớt mỳ ra bôi chút bơ vào để các sợi mỳ không dính vào nhau.

- Bước 2: Chế biến nước sốt. Với những nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn các bạn tiến hành sơ chế bằng cách lấy hành tây, cà chua rửa sạch, sau đó thái hạt lựu cùng với thịt xông khói. Cho chảo lên bếp xào hành tây, cà chua cùng với dầu cho nóng. Khi các nguyên liệu đã chín tới bạn cho tiếp sốt cà chua vào, nêm gia vị cho vừa ăn, đun nhỏ lửa đến khi mọi thứ chín là được. Trong quá trình nấu nếu thấy hơi khô có thể cho thêm chút nước vào. Cuối cùng là cho thịt xông khói vào. Rắc chút lá oregano lên và cho mì spaghetti vào chảo sốt cà, nấu thêm 3 đến 4 phút nữa là có thể được.

- Bước 3: Đối với nguyên liệu chính là cà tím bạn nên cắt thành những miếng mỏng theo chiều dọc. Sau đó áp chảo những lát cà tím vừa thái. Sau đó lấy những lát cà tím đã được áp chảo cuốn những sợi mì spaghetti lại tạo thành những cuộn vừa ăn.

- Bước 4: Cho những cuộn cà tím với mì lên dĩa, cho sốt lên trên, thêm một chút tương ớt nữa để tăng thêm phần hấp dẫn.

Cà tím tốt, nhưng với điều kiện chúng ta biết cách sử dụng và chỉ nên sử dụng với số lượng thích hợp, nếu không muốn bị phản tác dụng, gây hại đến sức khỏe. Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp cho bạn biết cách chế biến cà tím cho đúng để vừa có những món ăn ngon bổ dưỡng, vừa đảm bảo an toàn cho cả gia đình mình.

Chúc bạn luôn khỏe mạnh!

Thiện Thanh

Theo Tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/an-ca-tim-khong-biet-cach-de-bi-ngo-doc-25836/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY