Ăn chay là một độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như trái cây, rau, củ, quả... có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt như thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản, hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ.
Ngày nay, ăn chay ngày càng phổ biến, bởi có rất nhiều lí do để ăn Chay: ăn vì sức khỏe, vì đạo đức, hay vì những mục đích khác của cuộc sống như môi trường, bảo vệ động vật,...
Có nhiều ý kiến cho rằng, đồ ăn chay rất ít dinh dưỡng, nếu ăn chay thường xuyên hoặc ăn chay trường sẽ khiến cơ thể bị suy nhược, nguy hại cho sức khỏe. Để tìm hiểu những vấn đề xoay quanh việc ăn chay, các bạn hãy cùng tham khảo những nội dung sau đây:
Ăn chay có đảm bảo chất dinh dưỡng cho cơ thể không?
Theo PGS, TS, BS. Lâm Vĩnh Niên (Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), suy nghĩ cho rằng đồ ăn chay rất ít dinh dưỡng, điều này chỉ đúng với những người áp dụng thực đơn tinh giản. Ví dụ, nếu bữa ăn chay quá đơn điệu, như chỉ ăn cơm với rau cải luộc chấm tương, chao hoặc cơm với muối tiêu, nước tương thì nguy cơ thiếu chất rất cao.
Ngược lại, nếu chế độ ăn chay được thiết kế phù hợp sẽ đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ.
Bác sĩ Niên cũng thừa nhận rằng protein động vật là hoàn chỉnh, nghĩa là chứa đầy đủ các acid amin cần thiết cho cơ thể. Trong khi thực phẩm thực vật dù chứa nhiều protein nhưng thành phần acid amin không hoàn chỉnh. Do đó, để có thành phần đạm hoàn chỉnh, người ăn chay cần ăn phối hợp các thực phẩm thực vật.
Theo các nghiên cứu, ăn chay không đơn thuần chỉ sử dụng rau củ mà đòi hỏi phải tỉ mẩn trong lựa chọn và chế biến món ăn. Vì lý do này, bữa cơm chay thường được chuẩn bị kỳ công, kết hợp nhiều thực phẩm khác nhau để đảm bảo dinh dưỡng.
Cụ thể, người ăn chay phải cân đối các thành phần dưỡng chất bằng việc lựa chọn, kết hợp và chế biến đa dạng thực phẩm trong bữa ăn chay gồm đầy đủ các nhóm thực phẩm như: Đạm (các loại đậu đậu nành, đậu xanh… và các chế phẩm từ đậu nành; các sản phẩm từ sữa; quả, hạt khô…); Tinh bột (gạo, bột mì…); Chất béo (dầu ăn thực vật , trái cây, hạt như: bơ, dừa, hạt bí, hạt dẻ, hạt hướng dương…); Canxi (bông cải xanh, cải xoăn; tảo và rong biển các loại; các sản phẩm từ sữa như: sữa tươi, sữa chua, bơ, phô mai…); Sắt và kẽm (cải xoăn, cải bắp, cải bó xôi, các loại hạt khô, các loại đậu; trái cây và trái cây khô, ngũ cốc…); Vitamin (cà rốt, bí ngô, đậu xanh, đậu đỏ, rau dền, xoài, đu đủ, chanh, cam, quít, đậu phộng...).
Ăn chay đúng cách sẽ có những lợi ích gì?
1. Phòng tránh một số bệnh ung thư:
Người ăn chay ít mắc và tử vong vì một số bệnh ung thư như: ung thư miệng, họng, tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng hơn người ăn mặn. Họ cũng chỉ ra, thức ăn chay chứa nhiều chất xơ và ít acid béo hòa tan, làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Thức ăn chay còn chứa nhiều chất có thể ngừa ung thư như các chất chống ôxy hóa và một số hóa chất thực vật.
2. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch:
Do thức ăn chay chứa nhiều chất xơ, ít chất béo, ít cholesterol. Hơn nữa, tỷ lệ giữa chất béo không no và chất béo no cao. Lượng cholesterol càng cao, càng dễ mắc bệnh động mạch vành.
3. Ít mắc các bệnh do béo phì gây ra:
Người ăn chay thường ít mắc các bệnh do béo phì gây ra như: tiểu đường, sỏi mật, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành…Tuy nhiên, muốn đạt các lợi ích nói trên thì phải biết ăn chay đúng cách, tránh bị sụt cân, gầy còm.
4. Giảm các bệnh về xương khớp:
Ăn chay trường làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout do không ăn đạm động vật. Ngoài ra, chế độ ăn chay có ích đặc biệt cho một số bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, làm giảm hẳn triệu chứng bệnh về khớp. Hơn nữa, ăn chay trường còn có tác trong việc phòng ngừa các bệnh về loãng xương.
Làm thế nào để ăn chay đúng cách?
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia) chế độ ăn hàng ngày cần phải đảm bảo 4 nhóm dinh dưỡng. Thứ nhất là bột đường có trong gạo, khoai, bắp, lúa mì và các loại ngũ cốc. Thứ hai là chất đạm, có nhiều trong các loại đậu. Thứ ba là chất béo có từ các loại hạt có dầu như đậu nành, mè, đậu phộng, hạt hướng dương, hạt gấc... Nhóm còn lại là vitamin và khoáng chất có trong các loại rau, củ quả và trái cây.
Các loại thực phẩm như tương, chao, cải muối, dưa cải, cà muối… có hàm lượng muối cao nên cần hạn chế sử dụng. Đặc biệt, những người cao tuổi có tiền căn bệnh như: huyết áp, tim mạch, bệnh thận hay tiểu đường thì không nên sử dụng.
Ngoài 3 bữa chính, bạn nên ăn thêm 2-3 bữa phụ như: khoai, chè, bánh, sữa… Chú ý thay đổi món thường xuyên để không bị ngán ngẩm.
Bạn không nên ăn vội hay quá nhiều một loại thực phẩm; cũng không ăn quá no hoặc để quá đói.
Ăn các loại thực phẩm càng ít chế biến hoặc chưa chế biến càng có lợi về dinh dưỡng và uống khoảng 2 lít/ ngày sẽ giúp cho thận đào thải các độc tố…
Chú ý cách chế biến thức ăn: không nên chiên xào quá nhiều; khi nấu hay luộc phải đậy nắp để vitamin trong rau củ không bị bay mất và nên đổ ít nước để chất bổ không bị loãng, tận dụng nước luộc làm canh; tránh nấu quá chín các loại rau xanh; đối với những thực phẩm khác, chỉ cần nấu đến khi chúng vừa chín tới…
Ngoài việc ăn uống đảm bảo, bạn cũng nên có 1 chế độ luyện tập thể thao hợp lý để cơ thể được cân bằng.
Quỳnh Hoa
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: