Ăn chay là chế độ ăn uống có lợi, hạn chế nhiều bệnh tật. Ngày càng có nhiều người tìm đến món ăn chay để giữ gìn sức khỏe. Tuy nhiên, các bác sĩ dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn chay định kỳ, vừa hưởng các tác dụng của chay tịnh vừa tránh thiếu dinh dưỡng do chế độ chay trường gây nên.
Ở Thừa Thiên Huế có đến 3/4 người dân ăn chay, không trường chay thì cũng hai lần trong tháng vào ngày mùng Một, hôm Rằm. Món ăn chay xuất phát từ nhà chùa. Vị mát “âm tính” của thực vật làm dịu tính nóng trong thức ăn động vật. Triết lý Phật giáo cho rằng ăn chay là tránh “sát sinh”.
Ngoài ra các món ăn có nguồn gốc thực vật còn có tác dụng kìm nén “dục vọng”, hạn chế ham muốn. Ăn chay còn mang lại niềm tin về tinh thần không chỉ cho các đạo hữu mà còn là phương pháp rèn luyện tính kiên trì, xoa dịu tâm tính của nhiều người.
Ăn chay đạt đến mức nghệ thuật không dừng lại ở việc loại bỏ động vật khỏi thực đơn. Chế biến món ăn chay cầu kỳ, phức tạp hơn bởi phải qua khâu trung gian. Đó là nghệ thuật chế mướp đắng thành cá, giã đậu phụ thành giò, khoai lang thay sườn…
Tỉ mỉ, cầu kỳ, khéo léo. Không chỉ để thưởng thức, công đoạn nấu món chay này cũng đã là bài rèn tâm luyện tính, thử thách tâm linh hướng thiện. Giữa bộn bề đời thường, bữa ăn không chỉ cung cấp năng lượng mà còn tạo nên chút thư giãn tâm linh.
Ngày nay, khi miếng ăn đã tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật, thì ăn chay đã trở thành phong trào giữ gìn sức khỏe. Một nhóm chuyên gia Viện Khoa học Sức khỏe Pháp đã nghiên cứu và kết luận 30% số bệnh ung thư liên quan tới chế độ ăn uống.
Các chuyên gia đã khuyến cáo mọi người ăn ít các thực phẩm có nhiều mỡ động vật. Chế độ ăn chay ít cholesterol, ít axit béo bão hoà… giúp phòng ngừa béo phì, cao huyết áp, sỏi mật, đái tháo đường, tim mạch, ung thư, táo bón…
Chế độ ăn chay phù hợp
Albert Einstein đã để đời câu nói nổi tiếng: “Không có thứ gì mang lại lợi ích cho sức khỏe con người và làm tăng cơ hội sống còn trên thế gian này bằng phương pháp phát triển môt chế độ ăn chay”.
Nhưng thế nào là chế độ ăn chay hợp lý? Có kiểu ăn chay tuyệt đối là không dùng thịt, cá sữa, trứng, có chế độ ăn chay kèm sữa, trứng… Vấn đề dinh dưỡng thường xảy ra trong khẩu phần chay trường thường thiếu axit amin thiết yếu, năng lượng, kẽm, sắt.
Để phát huy hiệu quả của chế độ ăn chay thì cần lưu ý:
- Thiếu năng lượng: Ăn chay mau làm no bụng vì nhiều chất xơ và ít chất béo. Do vậy thực đơn ăn chay cần có nhiều hạt chứa béo như đậu nành, đậu phộng, quả bơ…
- Thiếu sắt: Cam chanh, dưa đỏ, ớt, cà chua, bông cải xanh trong khẩu phần ăn sẽ tăng cường vitamin C hỗ trợ hấp thu sắt.
- Chất kẽm: Kẽm trong thực vật bị giảm hấp thu bởi acid phytic, oxalates, chất xơ. Tuy nhiên ở người cao tuổi, dù không ăn chay cũng luôn có nguy cơ thiếu kẽm. Để bổ sung kẽm nên uống bổ sung viên kẽm.
- Vitamin B12: Thức ăn thực vật không có vitamin B12. Nếu ăn chay có trứng, sữa thì ít bị thiếu chất này.
An Nhiên
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: