Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Ăn mít vào mùa hè phải ghi nhớ những điều này để an toàn sức khỏe

Mít là thực phẩm có nhiều tác dụng hữu ích đối với cơ thể, các protein và dưỡng chất giúp kháng khuẩn, giải quyết các vấn đề về đường tiêu hóa.

Mít là loại trái cây quen thuộc của miền nhiệt đới. Với hương vị thơm và ngọt, mít rất giàu các chất quan trọng như vitamin C, can xi, kali, sắt… và nhiều dưỡng chất thiết yếu khác. Mít có nhiều tác dụng cho sức khỏe như chứa các chất có thuộc tính chống loét và rối loạn tiêu hóa, duy trì sức khỏe cho đôi mắt; giảm nguy cơ bị đột quỵ, đau tim... Mít cũng chứa rất nhiều chất xơ, giúp ngăn ngừa táo bón, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ở đại tràng. Các chất chống oxy hoá trong mít sẽ giúp làm sạch các độc tố ra khỏi cơ thể, làm giảm và ngăn ngừa nguy cơ ung thư ruột.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia), mít chứa nguồn vitamin C dồi dào nên giúp tăng cường miễn dịch rất hiệu quả, giúp bảo vệ bạn khỏi mọi sự nhiễm trùng. Hơn nữa, ăn mít còn giúp bạn giảm thiểu nguy cơ về máu trắng. Bên cạnh vitamin C, mít cũng là nguồn cung vitamin A tuyệt vời, với tác dụng ngăn ngừa các bệnh liên quan đến mắt như thoái hóa điểm vàng, ngăn ngừa các tia UV và bệnh đục thuỷ tinh thể, hay bệnh quáng gà, đồng thời giúp làm đẹp da.

Ngoài ra, mít còn rất giàu các chất dinh dưỡng thực vật như ignans, isoflavones và saponins có đặc tính chống ung thư và lão hóa. Loại trái cây này còn chứa nhiều chất sắt giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu và kiểm soát lưu thông máu; giàu magie, chất dinh dưỡng quan trọng trong việc hấp thụ canxi và kết hợp với canxi để giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa các bệnh như loãng xương hay viêm khớp và các chứng rối loạn liên quan đến bộ phận này. Mít cũng chứa nhiều các loại đường như fructose và sucrose, có thể giúp cơ thể bổ sung năng lượng gần như ngay lập tức.

Đặc biệt, kali trong loại quả này được chứng minh là có tác dụng hạ huyết áp, tốt cho tim mạch. Vì vậy, ăn mít thường xuyên là cách để làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, trong nước chiết suất từ quả mít có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Mít cũng có thể giúp bạn ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, đặc biệt là ở phụ nữ. Ăn mít giúp bạn lưu thông máu khắp cơ thể của mình.

Không chỉ vậy, mít còn giúp duy trì sức khoẻ của tuyến giáp. Lưu ý trước khi bạn sử dụng thuốc, bạn nên ăn một ít mít, điều đó sẽ rất có lợi trong việc điều trị các triệu chứng bệnh liên quan đến tuyến giáp.

Đáng chú ý, đối với những người ăn kiêng, mít còn là loại trái cây tuyệt vời để ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt mà không sợ bị béo phì. Sự kết hợp của hạt mít và mật ong rất giàu hàm lượng protein sẽ giúp làm giảm nồng độ chất béo cơ thể, từ đó tăng cường sức khỏe cho cơ bắp và giảm cân.

Nước trong quả mít cũng là “thần dược” giúp bạn duy trì độ ẩm của da vì vậy những người thường xuyên ăn mít da sẽ ít xuất hiện nếp nhăn sớm. Hạt mít cũng rất có lợi, nếu bạn xay nhuyễn và trộn hạt mít với mật ong và sữa, sau đó đắp lên mặt, loại mặt nạ tự chế này sẽ giúp bạn chống lão hoá và giảm thiểu nếp nhăn.

Với phụ nữ đang trong thời kì mang thai và cho con bú, mít là nguồn thực phẩm vô cùng có lợi. Vitamin B có trong mít giúp kiểm soát nội tiết tố và tăng cường khả năng miễn dịch. Còn với nam giới, hỗn hợp hạt mít và mật ong sẽ làm tăng sự lưu thông máu trong tinh hoàn, từ đó giữ chúng khỏe mạnh và tăng tỷ lệ sinh sản ở đàn ông.

Những tác dụng phụ của mít cần lưu ý

Theo Tiến sỹ.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, bên cạnh những mặt lợi ích thì quả mít cũng có một số điều mà người dùng cần lưu ý như làm tăng đông máu ở những người mắc các rối loạn đông máu và gây ảnh hưởng đến mức độ đường huyết ở người bệnh tiểu đường. Ngoài ra, việc ăn quá nhiều mít cũng có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa vì hàm lượng chất xơ cao.

TS.BS Trương Hồng Sơn cũng lưu ý những người đang muốn mang thai nên tránh ăn mít bởi chúng có thể gây ức chế ham muốn tình dục, giảm cảm giác khi được kích thích tình dục và giảm khả năng, sức lực ở nam giới.

Việc ăn mít thường xuyên với một số lượng hợp lý giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp chống lại ung thư nhưng với người mắc bệnh mạn tính chỉ nên ăn tối đa 3-4 múi/ngày.

Còn Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tuy mít giàu dinh dưỡng nhưng do hàm lượng đường cao trong mít làm tăng đường huyết đột biến, gây choáng váng, hoa mắt cho một số người sử dụng.

Đặc biệt, khi ăn loại quả lúc đói sẽ khiến hàm lượng đường trong máu của cơ thể đột ngột bị tăng cao, đầy bụng, khó tiêu. Do đó, chỉ nên ăn mít sau khi ăn cơm một hoặc 2 giờ, nhất là vào mùa nóng để tránh không tốt cho sức khoẻ.

Chuyên gia này cũng cho biết, tốt nhất, bạn nên ăn mít kèm với những hoa quả chín khác để cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Khi ăn cần nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối. Nếu người nóng trong, hay nổi mụn nhọt, khi ăn mít cần bổ sung đủ nước và rau xanh.

Cũng theo các nghiên cứu khoa học mới nhất, tuy mít rất tốt nhưng người mang những bệnh sau đây cần thận trọng khi ăn bởi loại trái cây này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của những người bị mắc các bệnh sau:

Bệnh tiểu đường: Người bệnh tiểu đường cần phải ăn uống theo một chế độ ăn kiêng chất đường. Trong khi đó, mít có chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza, khi ăn vào, cơ thể hấp thu ngay, dẫn đến hàm lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng.

Người bị suy nhược, sức khỏe yếu: Người có sức khỏe yếu khi ăn nhiều mít dễ bị đầy bụng, khó chịu, tim làm việc nhiều, có nguy cơ cao tăng huyết áp.


Người mắc bệnh suy thận mạn tính: Bệnh nhân nên tránh các loại thức ăn giàu kali như mít. Do khi bị suy thận, kali bị ứ đọng lại dẫn đến tăng kali máu, nếu quá nhiều sẽ dẫn đến tử vong do ngừng tim đột ngột.

Bệnh gan nhiễm mỡ: Do mít chứa nhiều đường không tốt cho gan và còn dễ gây nóng trong người. Những trường hợp gan nhiễm mỡ có kèm viêm gan vừa hoặc nặng nên cẩn thận khi ăn trái cây có chứa nhiều năng lượng và khó tiêu như mít.

Ngoài ra, trẻ em bị mụn nhọt, rôm sẩy cũng hạn chế không nên ăn do lượng đường trong máu cao thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh ngoài da phát triển như liên cầu, tụ cầu ...

Những điều cần ghi nhớ khi ăn mít vào mùa hè

Với đặc tính nóng, nên nếu ăn nhiều mít vào mùa hè không chỉ nóng mà có thể phát sinh nhiều bệnh tật. Mít có thể gây họa cho một số người có cơ địa nóng trong, gây mụn nhọt, rôm sảy.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia), mặc dù mít có thể khiến bạn gặp một số vấn đề về sức khỏe nhưng điều ấy không có nghĩa là bạn nên kiêng bỏ chúng hoàn toàn. Bạn vẫn có thể ăn những loại trái cây này miễn là trong giới hạn cho phép, tuân thủ đúng quy tắc ăn, ăn đúng cách để tránh gây họa cho bản thân.

Do trong quả Mít chứa hàm lượng đường rất cao. Do đó, khi vào mùa hè thời tiết nắng nóng, cần lưu ý để tránh mắc phải những sai lầm khi tiêu thụ loại quả này:

- Để tránh gây hại, đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, bạn chỉ nên ăn mít sau khi ăn cơm 1-2 tiếng, lưu ý không ăn khi bụng đói bởi ăn lúc đói sẽ khiến cơ thể bị đầy bụng, khó tiêu. Đồng thời khiến hàm lượng đường trong máu của cơ thể đột ngột bị tăng cao, không tốt cho sức khoẻ.

- Chỉ nên ăn mít vừa phải, không được ăn quá nhiều, vì có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa vì hàm lượng chất xơ cao. Chỉ nên ăn một vài múi để thưởng thức vì lượng đường trong mít hấp thu nhanh khiến đường huyết tăng cao, nóng gan sẽ gây hại thêm cho gan, thận… Đặc biệt, với những người mắc bệnh mãn tính, chỉ nên ăn tối đa 80g (khoảng 3-4 múi mít/ngày).

- Bạn cũng nên ăn mít kèm với những hoa quả chín khác để cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

- Khi ăn cần nhai kỹ mít, nhất là mít dai thường cứng, khó tiêu hóa, gây hại dạ dày và lưu ý không ăn vào buổi chiều tối.

- Đối với những người bị nóng trong, có cơ địa hay nổi mụn nhọt, thì khi ăn mít cần chú ý bổ sung đủ nước (2-2,5l/ngày) và rau xanh (200-300g/ngày).

- Người bị tiểu đường và gan nhiễm mỡ cần tuyệt đối kiêng mít.

Hà Thanh

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/an-mit-vao-mua-he-phai-ghi-nho-nhung-dieu-nay-de-an-toan-suc-khoe-27322/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY