Ngày 4.8, Ngân hàng Nhà nước cho biết vừa chấp thuận thay đổi vốn điều lệ cho 3 ngân hàng gồm BacA Bank, ACB và OCB. Theo đó, Thống đốc Lê Minh Hưng đã chấp thuận cho BacA Bank tăng vốn điều lệ từ 6.500 tỉ đồng lên 7.085 tỉ đồng. ACB cũng đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hơn 16.627 tỉ đồng lên hơn 21.615 tỉ đồng. Trong khi đó, OCB được chấp thuận việc sửa đổi vốn điều lệ tại giấy phép hoạt động thành hơn 8.767 tỉ đồng.
Đáng chú ý, không riêng gì 3 ngân hàng trên, trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, nhiều nhà băng đang đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ. Đơn cử như Vietcombank đã trình đại hội kế hoạch tăng vốn giai đoạn 2020-2021. Thứ nhất là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn từ 37.089 tỉ đồng lên 43.765 tỉ đồng. Thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ tại thời điểm phát hành để tăng vốn từ 37.089 tỉ đồng lên 39.500 tỉ đồng.
BIDV cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành thêm cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 40.220 tỉ đồng lên 46.450 tỉ đồng.
Không chỉ các ngân hàng quốc doanh mà nhiều ngân hàng cổ phần cũng đặt mục tiêu tăng vốn trong năm nay. Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú cho biết năm nay nhà băng này chắc chắn sẽ tăng vốn điều lệ, dự kiến từ 8.566 tỉ đồng lên 10.199 tỉ đồng bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 20%.
Còn VietBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 4.190 tỉ đồng lên gần 4.819 tỉ đồng bằng cách giữ lại lợi nhuận của năm 2017-2019, với số tiền gần 629 tỉ đồng. VietBank cũng sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông để tăng vốn điều lệ, với tỷ lệ dự kiến 15%.
Tương tự, LienVietPostBank sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 10.746 tỉ đồng. VIB cũng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 9.245 tỉ đồng lên 11.094 tỉ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu bằng việc chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. MB có kế hoạch tăng vốn thêm 3.617 tỉ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu…
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc các nhà băng đua nhau tăng vốn nhằm để đảm bảo các quy định theo chuẩn Basel II. Theo lộ trình đã được Chính phủ đề ra, năm 2020, cơ bản các ngân hàng thương mại sẽ phải có mức vốn tự có đáp ứng chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.
Không những vậy, tăng vốn cũng giúp ngân hàng đáp ứng điều kiện tiên quyết để mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn cấp tín dụng, giới hạn đầu tư, từ đó tăng cường khả năng cung ứng vốn tín dụng cho thị trường.
Chẳng hạn như tại Agribank, theo tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này, trường hợp không được cấp đủ 3.500 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ trong năm 2020 thì tăng trưởng tín dụng năm 2020 của Agribank chỉ có thể ở mức 4,5% đến 5%. Trong khi đó, chỉ riêng hỗ trợ hộ sản xuất và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Agribank đã cần tăng trưởng tín dụng ở mức 9% (tương đương 100.000 tỉ đồng).
Ngoài ra, việc bổ sung vốn cho Agribank giúp tăng quy mô vốn điều lệ, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định; đồng thời tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Với việc được bổ sung vốn điều lệ 3.500 tỉ đồng, năm 2021 và các năm tiếp theo, Agribank sẽ có điều kiện tăng quy mô trái phiếu phát hành để tăng vốn cấp 2, nhờ đó tạo điều kiện tăng dư nợ cho vay, doanh thu tăng thêm từ 4.500 tỉ đồng đến 5.000 tỉ đồng. Vì vậy, nếu không tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm 2020 thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.