Với lịch sử ra đời hơn 100 năm, Aspirin (acid acetylsalycilic) là loại thuốc hạ nhiệt giảm đau và chống viêm do nhà hóa học người Đức Felix Hoffman phát minh. Ngày nay, các nhà bác học còn phát hiện thêm một dược tính rất quý của Aspirin là chống kết tập tiểu cầu làm máu lưu thông dễ dàng hơn, ngăn ngừa tạo thành huyết khối trong động mạch và tĩnh mạch.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho rằng, Aspirin được chỉ định sử dụng trong dự phòng thứ phát cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người có tiền sử về các bệnh này hoặc đã từng trải qua những cơn đau thắt ngực và giảm được đến 50% nguy cơ tử vong.
Đau gì cũng uống Aspirin
Cũng vì đặc tính “đa chức năng” này mà nhiều người lầm tưởng thuốc có khả năng chữa bách bệnh nên đau gì cũng uống và hoàn toàn vô hại. Chị Mai (Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội) tá hỏa khi nghe bác sĩ kết luận bé Bi, con chị bị dị ứng. Chẳng là, mấy hôm nay bé bị đau răng, cứ chiều đến là hâm hấp sốt.
Theo thói quen, mỗi khi bé lên cơn sốt là chị Mai lại cho con uống Aspirin. Lúc đầu, thấy bé hạ sốt, bớt đau, vui vẻ hoạt bát như bình thường chị mừng lắm. Nhưng chỉ mấy ngày sau, bé bị nổi mề đay khắp người. Nghĩ là bé chỉ bị dị ứng do thay đổi thời tiết, chị Mai lại cho bé uống aspirin, nhưng tình hình không thuyên giảm mà có phần nặng lên. Chỉ đến lúc đó, chị và gia đình mới hoảng hốt đưa con vào bệnh viện. May mà bé mới chỉ bắt đầu có những phản ứng kháng thuốc, nếu để lâu rất có thể sẽ bị chuyển sang các biến chứng khó lường khác.
Không chỉ mình chị Mai, nhiều người cũng lầm tưởng Aspirin có khả năng chữa bách bệnh nên đau gì cũng uống và hoàn toàn vô hại. Vì thế, họ sử dụng Aspirin như một “cứu cánh” cho mỗi lần bị đau bất kì bộ phận nào trên cơ thể như nhức đầu, đau răng, viêm khớp, đau nhức mình mẩy…
Thực tế, có nhiều nguyên nhân gây nên những biến chứng từ Aspirin như: Cơ thể không tiếp nhận loại thuốc này và phản ứng lại thuốc, có người đang mang trong mình những bệnh không cho phép sử dụng Aspirin, hay những trường hợp chống chỉ định khác.
Đối tượng nào không nên dùng thuốc Aspirin?
Trao đổi với chúng tôi, BS. Ngô Xuân Sinh (Bệnh viện Tràng An, Hà Nội) khuyến cáo những đối tượng sau không nên hoặc hết sức thận trọng khi sử dụng Aspirin:
Phụ nữ “đến tháng”: Do đặc tính chống kết tập tiểu cầu, Aspirin làm tăng sự chảy máu, chống đông máu. Đặc biệt, những chị em đang bị rong kinh, rong huyết hay những người bị mắc chứng hay chảy máu đều không được dùng aspirin để hạ sốt, giảm đau...
Phụ nữ có thai và đang cho con bú: Thuốc có thể làm kéo dài thời gian thai nghén và gây độc cho thai nhi, gây chảy máu ở trẻ sơ sinh, sản phụ dễ bị băng huyết khi đẻ. Với người đang cho con bú, thuốc ngấm qua sữa mẹ, có khả năng gây độc cho trẻ.
Người bị bệnh viêm loét dạ dày - hành tá tràng: Aspirin tạo điều kiện cho axit dịch vị và men pepsin gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày sau khi hàng rào bảo vệ bị suy yếu. Nó làm tăng những ổ viêm loét vốn có trong dạ dày, thậm chí có thể làm chảy máu, hoặc nặng hơn là thủng dạ dày.
Người bị bệnh hen xuyễn: Thuốc có thể gây ra phản ứng lên cơn hen không theo cơ chế miễn dịch. Cơ chế gây hen của Aspirin chưa được hiểu biết tường tận, chỉ biết nó liên quan tới nhiều yếu tố, nhất là sự mất cân bằng chuyển hóa acid arachidonic, tăng giải phóng các chất trung gian từ dưỡng bào (mastocyte) phế quản, các chất trung gian tiền viêm, prostaglandin và leucotrien...
Ngoài ra, những người có tiền sử dị ứng (viêm mũi dị ứng, người từng có những cơn hen đã điều trị ổn định...) thường xuất hiện đợt cấp tính khi sử dụng Aspirin. Các triệu chứng thường xuất hiện 2-3 giờ sau dùng thuốc, với biểu hiện nặng, kéo dài, nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong. Người bị suy gan, thận, các chứng thiếu máu, người đang dùng các thuốc chống đông máu cũng không được dùng Aspirin vì thuốc làm giảm tuổi thọ hồng cầu.
Sử dụng Aspirin hiệu quả
Đối với Aspirin loại viên nén thông thường, bạn nên uống sau bữa ăn để tránh tình trạng viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Còn với loại viên bao film, nên uống vào lúc bụng trống vì thuốc dạng bao film không tan rã ở dạ dày mà xuống tá tràng nó mới tan rã và phóng thích Aspirin.
Do vậy, việc uống Aspirin khi đói sẽ khiến thuốc được đưa xuống tá tràng nhanh hơn và cho tác dụng nhanh hơn. Ngoài ra, cần nuốt nguyên cả viên, không được bẻ nhỏ hay nghiền viên thuốc vì điều đó sẽ làm hỏng hoàn toàn bao film.
Aspirin cũng có thể gây tác dụng có hại khi kết hợp với các loại thuốc khác, các vitamin và thảo mộc hoặc các viên bổ sung dinh dưỡng. Hơn nữa, nếu dùng thuốc lâu ngày có thể gây hội chứng buồn nôn, ù tai, điếc, lú lẫn… Chính vì thế, thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ hoặc người có chuyên môn mới được dùng.
Quang Minh
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: