Ngày ngủ 3 tiếng
BS Nguyễn Thị Ngọc Hương – về làm Trung tâm cấp cứu 115 được 2 năm nhưng thời gian qua đối với chị đúng là thời gian áp lực và không thể nào quên trong nghề bác sĩ.
Chị Hương với cân nặng chỉ có 45 kg, vào mùa dịch, việc vất vả hơn, chỉ còn 42 kg. Chị kể “dù em gầy nhưng vì em chơi thể thao nên cũng có sức khoẻ”. Đúng bác sĩ phải có sức khoẻ mới làm được công việc lúc này, có những bệnh nhân lên tới cả 100kg.
Tình hình dịch bệnh phức tạp, bác sĩ Hương và đồng nghiệp đều có những ca trực kéo dài 24 tiếng hoặc có ngày phải đi thì kéo dài tới 27 – 30 tiếng. Cường độ làm việc liên tục, có xe gọi là đi, ngày ngủ khoảng 3 tiếng.
Do thiếu người nên hầu như mỗi xe cấp cứu chỉ có lái xe và bác sĩ vì vậy bác sĩ kiêm hết việc từ phải khiêng vác người bệnh, tìm bệnh viện cho bệnh nhân. Chị Hương cảm nhận mình đang làm với mấy trăm % sức lực.
Nửa đêm hết ca đang trên xe để về chỗ nghỉ ngơi, bác sĩ Hương lại nhận được cuộc điện thoại có 1 sản phụ đã sinh con cần hỗ trợ gấp. Chị vội vàng ghé qua trung tâm lấy đồ cấp cứu cho sản phụ rồi lên đường.
Có những đêm nhận được cuộc gọi "bác sĩ ơi làm ơn cứu người". Chị và lái xe vội vàng lên đường. Nhà bệnh nhân ở vùng ven thành phố, đi 15 – 16 km mới tới nơi. Khi tới nơi, đường vào chỗ bệnh nhân gập ghềnh bác sĩ phải đi bộ 2, 3 km nữa, không đẩy được băng ca, bác sĩ băng qua các con mương nhỏ để tiếp cận người bệnh.
Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá, bệnh nhân chảy máu nhiều, huyết áp chỉ còn 80/40 mmhg, may oxy máu vẫn ổn định, bác sĩ cũng hoảng. Xung quanh chỗ ở của người bệnh không có ca Covid-19.
Bác sĩ 115 TP.HCM đã căng mình làm việc suốt 3 tháng qua. |
Sau khi sơ cứu xong, bác sĩ và lái xe lại khiêng người bệnh ngược trở lại ra xe. Có xe cấp cứu có băng ca, có cáng nhưng có xe thì không có cáng. Bệnh nhân không có người thân nên bác sĩ phải nhờ hàng xóm hỗ trợ khiêng ra. May ca bệnh không phải là dương tính. Hàng xóm hỗ trợ tìm cái võng rồi khiêng người bệnh đi bộ thêm 2, 3 km để tới chỗ xe cứu thương.
Khi sơ cứu có đường truyền đảm bảo huyết áp cho bệnh nhân rồi chuyển tới bệnh viện. Việc chuyển bệnh nhân tới bệnh viện cũng rất xa. May mắn, khi bệnh nhân tới nơi đã tỉnh. Bệnh nhân được test nhanh âm tính với Covid-19. Bác sĩ thở phào may mắn đã cứu được.
Tuy nhiên, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 thực sự ám ảnh bác sĩ. BS Hương kể có bệnh nhân thay đổi rất nhanh. Mới buổi sáng khó thở, trưa người nhà gọi cấp cứu khi bác sĩ đến thì họ đã ngừng thở rồi. Dù bác sĩ cố gắng hồi sức cũng vô vọng.
Có trường hợp ở quận 4, bệnh nhân mê man, nguy kịch nồng độ oxy máu chỉ còn dưới 50%, máy không đo được, mạch còn 40 – 50.
Bệnh nhân thể trạng béo phì. Xe cấp cứu có mang theo cáng, bác sĩ Hương cùng lái xe, người nhà chật vật lắm mới đưa người bệnh từ trên lầu xuống trên chiếc cầu thang xoắn ốc, chật hẹp để ra xe cấp cứu. Khi đưa bệnh nhân vào bệnh viện quận 4, bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Trước đó chưa có quy trình chuẩn, có lúc bác sĩ Hương phải chạy 3, 4 bệnh viện mới có thể tiếp nhận. Còn hiện tại, bác sĩ ở hiện trường gửi thông tin về trung tâm liên hệ bệnh viện, bác sĩ ở hiện trường cấp cứu và có thông tin bệnh viện nhận mới đưa đến.
Mỗi lần có cuộc gọi là bác sĩ Hương lại lên đường ngay. |
Trấn an người bệnh
Từ khi tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ Hương gọi điện báo người bệnh bao nhiêu phút xe đến. Bởi vì, ở vị trí bệnh nhân tâm trạng chờ xe cấp cứu họ rất hoảng loạn. Nên bác sĩ sẽ gọi điện trấn an người bệnh, cố gắng chờ xe sẽ tới, trong bao nhiêu phút để người bệnh yên tâm.
“Nếu mình đặt hoàn cảnh người bệnh họ sẽ rất lo lắng bất an không biết khi nào xe tới, có người họ gọi liên tục chỉ mong ngay lập tức có xe cấp cứu tới. Bác sĩ vừa đi đường vừa phải động viện người nhà cố gắng bình tĩnh chờ bệnh viện đưa đi họ sẽ yên tâm hơn” – BS Hương nói.
Khi tiếp cận được người bệnh thì bác sĩ sẽ đo sinh hiệu, nếu nồng độ oxy máu thấp sẽ được cho thở oxy, huyết áp tụt sẽ được truyền để đảm bảo ổn định huyết áp cho người bệnh rồi chờ xe bệnh viện tới chuyển bệnh nhân đi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bác sĩ đến thì người bệnh đã ngừng thở. Dù người nhà cầu cứu, bác sĩ có đau lòng cũng không thể làm được gì nữa.
Suốt 3 tháng qua, bác sĩ Hương chẳng có bữa ăn nào đúng giờ. Khi nào có thời gian rảnh là ăn. Có những trường hợp đi xuyên suốt từ 3 – 4 h chiều tới 10 khuya tới vẫn chưa ăn cơm. Nhiều lúc 11 – 12 h đêm mới ăn cơm tối. Có lúc chưa kịp ăn sáng có ca là đi luôn đến trưa.
Nhiều lúc, bác sĩ mất sức vì phải mặc quần áo bảo hộ, nước cũng uống rất ít. Nước cấp vào thì ít còn mồ hôi chảy ra nhiều. Nếu không có ca nào, bác sĩ về trung tâm sẽ thay quần áo chờ nhưng có lúc chị và ekip phải đi vài ca liên tục.
Nhiều lúc chị cũng thấy thấm mệt, cũng có lúc xao lòng khi công việc quá vất vả, nhiều rủi ro. Nhưng chỉ cần có cuộc gọi báo có người cần cấp cứu là mọi chán nản mệt mỏi ở lại phía sau hết. Phía trước chỉ là suy nghĩ làm sao nhanh nhất có thể cứu được người bệnh.
Chị tin rằng mỗi người góp 1 chút sức thì dịch bệnh sẽ sớm qua đi, chỉ mong người dân đồng lòng cùng nhân viên y tế để sớm tới ngày mọi người được về nhà.