Trong văn hóa ẩm thực của nhiều nước trên thế giới, nội tạng động vật được xem là đặc sản. Trong khi đó, nhiều nước khác lại không có thói quen ăn món này, thậm chí đổ bỏ trước khi tiêu thụ ra thị trường.
Sở dĩ có sự trái ngược giữa việc rất thích ăn và không hề sử dụng, là do tính hai mặt của các món nội tạng đối với sức khỏe cơ thể. Nếu ăn đúng sẽ cung cấp những chất dinh dưỡng tuyệt vời, nhưng ăn sai cách, sẽ gây ra nhiều tác hại không lường hết.
Phân tích về giá trị dinh dưỡng trong các loại nội tạng động vật, Thạc sĩ - bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết nội tạng động vật thường được xem là những phế phẩm bỏ đi và chứa những chất độc hại. Thực tế, nếu được lựa chọn, chế biến khéo léo và sử dụng đúng cách, chúng sẽ mang đến những lợi ích dinh dưỡng rất lớn cho cả người lớn và trẻ em.
Trong các bộ phận nội tạng động vật chứa một số lượng lớn các protein chất lượng cao và sắt, việc ăn nội tạng sẽ có lợi cho sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể, nhưng ăn uống quá mức có thể dẫn đến cholesterol cao, bệnh tim mạch và các chứng bệnh liên quan khác.
Nếu muốn tận dụng dinh dưỡng từ nội tạng, vừa có thể chiều chuộng khẩu vị của bản thân nhưng không muốn gây hại cho sức khỏe, chúng ta nên chú ý đến những điều quan trọng sau đây trước khi ăn.
Kiểm soát số lần ăn nội tạng
Người khỏe mạnh nếu ăn nội tạng động vật với một lượng phù hợp sẽ rất có lợi ích cho cơ thể, nhưng phải kiểm soát số lượng. Bạn có thể ăn 1 hoặc 2 lần/tuần.
Gan động vật có thể làm giảm thiếu máu do thiếu sắt, đồng thời ngăn ngừa chứng quáng gà (mù vào ban đêm) và hội chứng khô mắt. Gan gà hoặc gan vịt có thể được làm thành các món cháo, luộc hoặc xào.
Gan lợn cũng có thể xào, nấu cháo, làm pate hoặc các món khác. Gan cũng có thể là món ăn thích hợp cho trẻ nhỏ với số lượng ít.
Tuyệt đối không dùng nội tạng để qua đêm
Thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn trở lại dù đã được làm sạch và cẩn thận đến mức nào. Hơn nữa, nội tạng để qua đêm dễ bị ôi thiu, hay có mùi hôi khó chịu. Cách tốt nhất là không nên để lại, và đổ đi nếu ăn thừa.
Không ăn nội tạng không rõ nguồn gốc
Theo các cơ quan chức năng, hiện nay trên thị trường đã tồn tại tình trạng thương lái nhập lậu nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, thậm chí bị ôi, thiu rồi giao cho cá cửa hàng chế biến hay các điểm bán lẻ nội tạng.
Loại nội tạng này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe, vì vậy, khi ăn nội tạng bạn cần phải biết rõ nguồn gốc của loại thực phẩm mình ăn, tránh mua hoặc ăn nhầm loại thực phẩm đáng sợ nêu trên.
Phải chế biến chín kỹ, không ăn tái sống (chưa chín hẳn)
Nội tạng động vật rất tốt nhưng lại có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và các chất độc dư thừa tích tụ lâu ngày. Hãy chắc chắn rằng bạn phải chế biến món ăn kỹ lưỡng trước khi ăn. Tuyệt đối không được ăn nội tạng chưa nấu chín.
Chức năng chính của gan là để loại bỏ độc tố, nhưng chính vì chức năng này mà gan cũng là bộ phận phải chứa được một số lượng lớn các chất độc tích tụ, nếu không nấu chín hoàn toàn, bạn có thể sẽ ăn phải rất nhiều độc tố, làm tăng nguy cơ phát triển các căn bệnh nguy hiểm sau khi ăn.
Nên chế biến kết hợp với các thực phẩm khác
Một trong những cách ăn quan trọng nhất đối với nội tạng động vật chính là nấu trộn với các thực phẩm khác.
Việc sử dụng các thành phần khác khi ăn nội tạng động vật để đảm bảo lượng chất dinh dưỡng cân bằng hơn sau khi ăn. Ví dụ như bạn có thể chế biến nội tạng với tỏi tây, bắp cải hoặc cần tây, có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol vào cơ thể, đồng thời có thể khiến các thực phẩm tiếp tục bổ sung cho nhau về dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe.
Những người không nên ăn nội tạng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nội tạng không phù hợp với rất nhiều người. Đối với một số người khỏe mạnh thỉnh thoảng ăn nội tạng thì không sao, nhưng với những người mắc bệnh mãn tính như gout, tim mạch, máu nhiễm mỡ… nếu lạm dụng món ăn sẽ tạo đà cho bệnh bùng phát.
Theo đó, lượng sử dụng nội tạng động vật phù hợp với mỗi người. Người trưởng thành chỉ nên ăn 2-3 lần trong tuần (khoảng 50-70 g một lần), trẻ em ăn 2 lần một tuần (khoảng 30-50 g mỗi lần). Người già, người thừa cân, béo phì, người bị rối loạn mỡ máu hoặc mắc bệnh lý tim mạch tốt nhất không nên dùng các món ăn chế biến từ phủ tạng động vật.
Kể cả khi đảm bảo việc chế biến và nguồn gốc dồi lợn, nhưng với bản chất chứa nhiều cholesterol, món ăn này gây khó tiêu, đặc biệt là đối với những người đang mệt mỏi, khi ăn vào sẽ gặp triệu chứng đầy bụng, làm tình trạng mệt mỏi diễn biến nặng hơn.
Ngoài ra, những người có đường tiêu hóa kém, khi ăn phải cháo lòng, nội tạng nấu không chín kỹ hoặc bị ô nhiễm chéo sang các thức ăn nước uống khác trong quá trình chế biến, có thể phải đối mặt với các bệnh nhiễm khuẩn khác như lao, than, lợn đóng dấu, các bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người.
Phong Vũ
Theo tạp chí Sống khỏe
Chủ đề liên quan: