Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Bệnh Parkinson: Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và những vấn đế người bệnh cần nắm rõ

Bệnh Parkinson là một trong những bệnh về thần kinh, thường không nguy hiểm nhưng người bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và dễ rơi vào trầm cảm. Vậy bệnh Parkinson là gì và làm thế nào để kiểm soát bệnh hiệu quả

Bệnh Parkinson là gì?

Run tay là triệu chứng phổ biến của bệnh Parkinson - (Ảnh: Internet).

Bệnh Parkinson là một bệnh rối loạn hệ thần kinh tiến triển ảnh hưởng đến vận động. Các triệu chứng không khởi phát ngay lập tức mà bắt đầu dần dần, đôi khi bắt đầu bằng một cơn run rẩy khó nhận thấy chỉ ở một tay. Run là phổ biến, nhưng rối loạn này cũng thường gây ra cứng khớp và khó khăn trong việc đi lại, giữ thăng bằng và phối hợp.

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh Parkinson

Nguy cơ cao mắc bệnh Parkinson chủ yếu ở những người cao tuổi, tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên, tuy nhiên cũng có khoảng 5 đến 10 phần trăm những người bị Parkinson có bệnh "khởi phát sớm", bắt đầu trước tuổi 50.

Xét về giới tính, căn bệnh này ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới khoảng 50%.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson có bốn triệu chứng chính:

- Run (run rẩy) ở bàn tay, cánh tay, chân, hàm hoặc đầu

- Cứng tay chân và thân mình

- Chậm vận động

- Suy giảm khả năng giữ thăng bằng và phối hợp, đôi khi dẫn đến ngã

Các triệu chứng khác có thể bao gồm trầm cảm và các thay đổi cảm xúc khác; khó nuốt, nhai và nói; vấn đề tiết niệu hoặc táo bón; các vấn đề về da; và gián đoạn giấc ngủ.

Các triệu chứng của Parkinson và tốc độ tiến triển khác nhau giữa ở mỗi người. Đôi khi mọi người thường coi các triệu chứng ban đầu của Parkinson như là ảnh hưởng của quá trình lão hóa bình thường. Trong hầu hết các trường hợp, không có xét nghiệm y tế nào để phát hiện bệnh một cách dứt điểm nên rất khó để chẩn đoán chính xác.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh Parkinson rất tinh vi và xảy ra dần dần. Ví dụ, những người bị ảnh hưởng có thể cảm thấy run nhẹ hoặc khó đứng dậy khỏi ghế. Bệnh nhân có thể nhận thấy rằng họ nói quá nhỏ, nói nhanh hoặc chữ viết của họ cũng thay đổi, họ viết rất chậm và chữ co rúm lại. Bạn bè hoặc thành viên trong gia đình có thể là những người đầu tiên nhận thấy những thay đổi ở người bị Parkinson sớm bằng các dấu hiệu thiếu biểu cảm khuôn mặt và hoặc không cử động cánh tay hoặc chân một cách bình thường.

Những người bị Parkinson thường phát triển dáng đi parkinson bao gồm hơi nghiêng về phía trước, bước nhanh nhỏ như thể đang lao nhanh về phía trước và giảm vung tay. Họ cũng có thể gặp khó khăn khi bắt đầu hoặc tiếp tục chuyển động.

Các triệu chứng thường bắt đầu ở một bên của cơ thể hoặc thậm chí ở một chi của một bên cơ thể. Khi bệnh tiến triển, cuối cùng nó ảnh hưởng đến cả hai bên. Tuy nhiên, các triệu chứng vẫn có thể nghiêm trọng hơn ở một bên so với bên còn lại.

Nhiều người bị Parkinson gặp vấn đề về giấc ngủ, táo bón, giảm khả năng ngửi và hội chứng chân không yên trước khi bị cứng khớp và run.

Nguyên nhân gây bệnh Parkinson

Trong bệnh Parkinson, một số tế bào thần kinh trong não dần dần bị phá vỡ hoặc chết. Nhiều triệu chứng là do mất các tế bào thần kinh sản xuất một chất truyền tin hóa học trong não của bạn được gọi là dopamine. Khi nồng độ dopamine giảm, nó gây ra hoạt động bất thường của não, dẫn đến suy giảm chuyển động và các triệu chứng khác của bệnh Parkinson.

Nguyên nhân của bệnh Parkinson vẫn chưa được nghiên cứu rõ, nhưng một số yếu tố dường như đóng một vai trò, bao gồm:

- Các gen: Các nhà nghiên cứu đã xác định được các đột biến di truyền cụ thể có thể gây ra bệnh Parkinson. Nhưng những điều này là không phổ biến, ngoại trừ một số trường hợp hiếm hoi có nhiều thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh Parkinson.

Tuy nhiên, một số biến thể gen nhất định làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson nhưng với mỗi dấu hiệu di truyền này lại có nguy cơ mắc bệnh Parkinson tương đối nhỏ.

- Các yếu tố kích hoạt môi trường: Tiếp xúc với một số chất độc hoặc các yếu tố môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson về sau này, nhưng nguy cơ này tương đối nhỏ.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh?

Người cao tuổi có nguy cơ cao bị mắc bệnh Parkinson - (Ảnh: Internet).

Các yếu tố nguy cơ của bệnh Parkinson bao gồm:

- Tuổi tác: Người trẻ tuổi hiếm khi mắc bệnh Parkinson. Nó thường bắt đầu ở tuổi trung niên hoặc cuối đời, và nguy cơ tăng lên theo tuổi tác. Mọi người thường phát triển bệnh vào khoảng 60 tuổi trở lên, tuy nhiên cũng có khoảng 5 đến 10 phần trăm những người bị Parkinson có bệnh "khởi phát sớm", bắt đầu trước tuổi 50.

- Di truyền: Có người thân mắc bệnh Parkinson làm tăng khả năng bạn mắc bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh của bạn vẫn là nhỏ trừ khi bạn có nhiều người thân trong gia đình mắc bệnh Parkinson.

- Giới tính: Đàn ông có nhiều khả năng mắc bệnh Parkinson hơn phụ nữ 50%.

- Phơi nhiễm độc tố. Tiếp tục với thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

Các biến chứng của bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson thường gây ra các biến chứng sau:

- Khó khăn về tư duy: Bạn có thể gặp các vấn đề về nhận thức (sa sút trí tuệ) và khó khăn trong suy nghĩ. Những điều này thường xảy ra trong giai đoạn sau của bệnh Parkinson. Những vấn đề về nhận thức như vậy không phản ứng với thuốc.

- Trầm cảm và thay đổi cảm xúc: Bạn có thể bị trầm cảm, đôi khi trong giai đoạn đầu. Tiếp nhận điều trị trầm cảm có thể giúp bạn dễ dàng xử lý các thách thức khác của bệnh Parkinson.

Bạn cũng có thể trải qua những thay đổi cảm xúc khác, chẳng hạn như sợ hãi, lo lắng hoặc mất động lực. Các bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc để điều trị các triệu chứng này.

- Vấn đề nuốt: Bạn có thể gặp khó khăn với việc nuốt khi tình trạng bệnh tiến triển. Nước bọt có thể tích tụ trong miệng do quá trình nuốt chậm, dẫn đến chảy nước dãi.

- Vấn đề nhai và ăn uống: Bệnh Parkinson giai đoạn cuối ảnh hưởng đến các cơ trong miệng của bạn, khiến việc nhai nuốt trở nên khó khăn. Điều này có thể dẫn đến nghẹt thở và kém dinh dưỡng.

- Các vấn đề về giấc ngủ và rối loạn giấc ngủ. Những người bị bệnh Parkinson thường gặp các vấn đề về giấc ngủ, bao gồm thức giấc thường xuyên suốt đêm, thức dậy sớm hoặc ngủ gật vào ban ngày.

Người bệnh cũng có thể bị rối loạn hành vi chu kỳ giấc ngủ liên quan đến hành động hoặc hành vi bất thường trong giai đoạn ngủ mắt cử động nhanh (REM). Thuốc có thể giúp cải thiện các vấn đề về giấc ngủ của người bệnh.

Những người bị bệnh Parkinson thường gặp các vấn đề về giấc ngủ - (Ảnh: Internet).

- Các vấn đề về bàng quang. Bệnh Parkinson có thể gây ra các vấn đề về bàng quang, bao gồm không thể kiểm soát nước tiểu hoặc khó đi tiểu.

- Táo bón. Nhiều người bị bệnh Parkinson bị táo bón, chủ yếu là do đường tiêu hóa hoạt động chậm hơn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể mắc các triệu chứng:

- Huyết áp thay đổi: Bạn có thể cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng khi đứng do huyết áp giảm đột ngột (hạ huyết áp tư thế đứng).

- Rối loạn chức năng khứu giác: Bạn có thể gặp vấn đề với khứu giác. Bạn có thể gặp khó khăn trong việc xác định các mùi nhất định hoặc sự khác biệt giữa các mùi.

- Mệt mỏi: Nhiều người bị bệnh Parkinson mất năng lượng và cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, đặc biệt là vào cuối ngày.

- Đau đớn: Một số người bị bệnh Parkinson bị đau ở những vùng cụ thể trên cơ thể hoặc khắp cơ thể.

- Rối loạn chức năng tình dục: Một số người bị bệnh Parkinson nhận thấy giảm ham muốn hoặc hoạt động tình dục.

Điều trị bệnh Parkinson

Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh Parkinson, nhưng thuốc, điều trị phẫu thuật và các liệu pháp khác thường có thể làm giảm một số triệu chứng.

1. Thuốc điều trị bệnh Parkinson

Các loại thuốc được kê đơn cho bệnh Parkinson bao gồm:

- Thuốc làm tăng mức độ dopamine trong não

- Thuốc ảnh hưởng đến các chất hóa học não khác trong cơ thể

- Thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng không vận động.

- Chất chủ vận dopamine để bắt chước vai trò của dopamine trong não

- Thuốc ức chế MAO-B để làm chậm một loại enzyme phân hủy dopamine trong não

- Thuốc ức chế COMT để giúp phá vỡ dopamine

- Amantadine, một loại thuốc kháng vi-rút cũ, để giảm các cử động không tự chủ

- Thuốc kháng cholinergic để giảm run và cứng cơ

2. Kích thích não sâu

Đối với những người bị Parkinson không đáp ứng tốt với thuốc, kích thích não sâu hoặc DBS có thể phù hợp. DBS là một thủ thuật phẫu thuật cấy ghép các điện cực vào một phần của não và kết nối chúng với một thiết bị điện nhỏ được cấy vào ngực. Thiết bị và điện cực kích thích não một cách dễ dàng theo cách giúp ngăn chặn nhiều triệu chứng liên quan đến chuyển động của bệnh Parkinson, chẳng hạn như run, chậm vận động và cứng nhắc.

3. Các liệu pháp khác

Các liệu pháp khác có thể được sử dụng để giúp giảm các triệu chứng bệnh Parkinson. Chúng bao gồm các liệu pháp thể chất, và lời nói, giúp điều trị các chứng rối loạn về dáng đi và giọng nói, run, cứng khớp và suy giảm các chức năng tâm thần. Các liệu pháp hỗ trợ khác bao gồm một chế độ ăn uống lành mạnh và các bài tập để tăng cường cơ bắp và cải thiện sự cân bằng.

Phòng ngừa bệnh Parkinson

Bởi vì nguyên nhân của bệnh Parkinson vẫn chưa được biết rõ, nên những cách đã được chứng minh để ngăn ngừa căn bệnh này cũng vẫn còn là một bí ẩn.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục nhịp điệu thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ caffeine - có trong cà phê, trà - ít mắc bệnh Parkinson hơn những người không uống. Bên cạnh đó, tắm nắng thường xuyên để bổ sung đủ vitamin D cho cơ thể cũng có thể ngăn ngừa Parkinson phát triển. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh Parkinson đều có nồng độ Vitamin D thấp. Ngoài ra, hãy tránh xa môi trường độc hại, đặc biệt thuốc diệt trừ sâu…; bổ sung nguồn dinh dưỡng từ những loại hoa quả giàu flavonoid, có chế độ tập thể dục khoa học để Parkinson không ghé thăm bạn.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/benh-parkinson-doi-tuong-co-nguy-co-cao-mac-benh-va-nhung-van-de-nguoi-benh-can-nam-ro-31465/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY