Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Bệnh thủy đậu: Hiểu để phòng ngừa và điều trị đúng cách

Bệnh thủy đậu (hay trong dân gian còn gọi là trái rạ) là một căn bệnh có khả năng truyền nhiễm cao, do virus varicella zoster gây ra. Virus này có khả năng gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và zona thần kinh (hay giời leo) ở người lớn nên còn gọi là virus thủy đậu – zona (VZV).

Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh thủy đậu là gì? Các dấu hiệu, triệu chứng cũng như nguyên nhân và cách điều trị của căn bệnh này là gì? Mời bạn cùng đọc tiếp bài viết sau.

1. Bệnh thủy đậu (trái rạ) là gì?

Bệnh thủy đậu (tiếng anh là chickenpox) hay còn được gọi là trái rạ, phỏng dạ. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus thuộc họ Herpesviridae có tên khoa học là Varicella Zoster (VZV). Bệnh xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, trong đó trẻ em là đối tượng dễ nhiễm nhất. Với người lớn, tỷ lệ mắc thủy đậu tuy thấp nhưng vẫn có nhiều ca biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong do không phòng ngừa và điều trị bệnh đúng cách.

Theo thống kê hàng năm của ngành y tế, bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng vào những tháng đầu xuân, đầu hè. Ngoài ra, theo Cục Y tế dự phòng, thời tiết giao mùa cũng là một trong những yếu tố khiến bệnh thủy đậu bùng phát mạnh hơn. Theo thống kê từ Hội Y học Dự phòng Việt Nam, chỉ tính riêng 2018 có hơn 31.000 ca thủy đậu được ghi nhận trên cả nước. Trong đó, 90% người bị nhiễm bệnh thủy đậu là trẻ em trong độ tuổi từ 2 – 7 tuổi.

90% người bị nhiễm bệnh thủy đậu là trẻ em trong độ tuổi từ 2 – 7 tuổi - (Ảnh minh họa: internet)

2. Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu

Như vừa chia sẻ, virus Varicella Zoster (VZV) là nguyên nhân gây nên bệnh thủy đậu. VZV thuộc họ Herpesviruses, có thể tồn tại được vài ngày trong vảy thủy đậu, nhưng cũng rất dễ chết bởi các thuốc sát khuẩn thường dùng.

VZV xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp trên, rồi nhân lên tại chỗ gây nhiễm virus huyết tiên phát. Sau đó, VZV tiếp tục nhân lên trong tế bào hệ thống liên võng nội mô gây nhiễm virus huyết thứ phát, lan tràn đến da và niêm mạc. Đặc biệt, VZV là loại virus có khả năng “ngủ lại” trong cơ thể sau lần nhiễm bệnh đầu tiên và sẵn sàng hoạt động trở lại ngay khi có điều kiện thuận lợi.

3. Bệnh thủy đậu có lây không?

Virus Varicella Zoster chủ yếu lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh thông qua không khí. Ví dụ như hít phải những giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hay tiếp xúc chất dịch từ mụn nước.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 90% người chưa có miễn dịch thủy đậu sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với người bệnh thủy đậu. Bệnh thủy đậu có thể lây nhiễm trong khoảng thời gian từ 1-2 ngày trước khi xuất hiện mụn nước, cho đến lúc các mụn nước khô lại và bong tróc vảy. Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn có thể lây truyền từ mẹ sang con.

4. Đâu là các dấu hiệu và triệu chứng nhận biết của thủy đậu?

Sau thời gian ủ bệnh, bệnh sẽ bắt đầu tiến vào giai đoạn khởi phát với những biểu hiện thường gặp như: Sốt, đau đầu, đau cơ, phát ban… Trong một số trường hợp, nhất là ở trẻ em không có dấu hiệu bị thủy đậu rõ ràng.

Khi đến giai đoạn toàn phát, triệu chứng của bệnh thủy đậu thường là sốt cao, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ. Lúc này sẽ bắt đầu nổi những mụn nước 1-3 mm toàn thân, thậm chí nổi ở cả trong niêm mạc miệng, gây ngứa rát, khó chịu cho người bệnh. Trong một số trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn, có thể bị nhiễm trùng, chứa mủ.

Trong trường hợp không xuất hiện biến chứng, bệnh sẽ hồi phục sau 7 – 10 ngày phát bệnh. Khi dần hồi phục, các vết mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước. Giai đoạn này người bệnh không được chủ quan, cần lưu ý việc vệ sinh cơ thể để tránh nhiễm trùng, dẫn đến sẹo. Người bệnh có thể sử dụng kết hợp các thuốc trị sẹo và trị thâm theo chỉ định của bác sĩ.

Nhìn chung, thủy đậu không quá nghiêm trọng ở bệnh nhi khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng sau đây, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám:

- Các nốt thủy đậu lan đến mắt

- Vùng da phát ban đỏ, ấm hoặc đau khi ấn vào

- Phát ban kèm theo chóng mặt, mất phương hướng, nhịp tim nhanh, khó thở, run, mất phối hợp cơ, ho nặng, nôn mửa, cứng cổ hoặc sốt cao (khoảng 39 �C).


5. Biến chứng có thể gặp khi bị thủy đậu

Nhiều người vẫn nghĩ thủy đậu chỉ là bệnh ngoài da, nhưng thực tế nếu bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ có thể gây nhiều biến chứng thủy đậu nguy hiểm như:

- Nhiễm trùng da: Đây được xem là biến chứng nhẹ, nhưng sẽ khiến các bọng nước to, có mủ, lâu khỏi và có thể để lại sẹo.

- Nhiễm trùng máu hay viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não.

- Zona: Ngay khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, virus thủy đậu có thể vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng ngủ. Trong 10-30 năm sau đó, khi sức đề kháng cơ thể yếu hoặc mắc một số bệnh nhất định, virus Varicella Zoster sẽ hoạt động trở lại và là một yếu tố gây bệnh zona (hay còn gọi là bệnh giời leo). Người bệnh sẽ thấy xuất hiện một cụm mụn nước gây đau đớn, khó chịu dọc theo đường dây thần kinh.

Bệnh thủy đậu đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai (đặc biệt là khi thai kỳ trong khoảng 8-20 tuần). Nếu mẹ bầu mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ…). Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%.

Bên cạnh đó, một vài nhóm đối tượng có khả năng cao gặp biến chứng khi bị thủy đậu như: Người có thói quen hút thuốc lá, người có hệ miễn dịch suy yếu do thuốc (hóa trị) hay do một bệnh lý khác (ung thư, HIV…), đang dùng thuốc steroid để điều trị bệnh hoặc vấn đề sức khỏe khác.

6. Chẩn đoán và điều trị bệnh thủy đậu

Về chẩn đoán bệnh thủy đậu:

Bác sĩ thường chẩn đoán thủy đậu thông qua các triệu chứng bệnh và dấu hiệu như phát ban và mụn nước trên da. Nếu có nghi ngờ, họ sẽ yêu cầu thực hiện thêm xét nghiệm như xét nghiệm máu hoặc nuôi cấy mẫu da.

Về các cách điều trị bệnh thủy đậu

Với những bệnh nhân khỏe mạnh, người bệnh có thể điều trị thủy đậu tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp bệnh biến chứng, người bệnh thủy đậu nên điều trị nội trú tại bệnh viện.

Dưới đây là một số lưu ý người bệnh thủy đậu cần nắm rõ!

- Người bệnh nên chủ động cách ly để tránh lây truyền bệnh sang người thân. Lựa chọn những bộ trang phục rộng rãi, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi để tránh cọ sát làm vỡ những vết mụn nước, hạn chế lây lan ra những vùng da xung quanh.

- Tuyệt đối không nên gãi các nốt mụn nước vì có thể gây sẹo vĩnh viễn.

- Giữ vệ sinh cơ thể bằng nước ấm, sử dụng thêm dung dịch sát khuẩn cho các nốt mụn nước thủy đậu.

- Để hạn chế sẹo khi thủy đậu, trong thời gian nhiễm bệnh, người bệnh nên rửa tay và cắt ngắn móng tay để tránh trường hợp ngứa ngáy, gãi vỡ các nốt dịch. Khi nốt thủy đậu vỡ ra, người bệnh nên bôi thuốc xanh methylen để làm se nốt mụn thủy đậu, không được bôi tetracyclin, penicillin hay thuốc đỏ.

Khi nốt thủy đậu vỡ ra, người bệnh nên bôi thuốc xanh methylen để làm se nốt mụn thủy đậu, không được bôi tetracyclin, penicillin hay thuốc đỏ - (Ảnh minh họa: internet)

- Khi thấy cơ thể xuất hiện các biến chứng như: khó thở, tím tái, co giật, hôn mê… người thân cần ngay lập tức đưa họ đến bệnh viện để các bác sĩ tiến hành chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Trường hợp cần điều trị bệnh thủy đậu bằng thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ. Để điều trị triệu chứng ngứa, các bác sĩ còn có thể cho người bệnh uống kháng Histamin tổng hợp, kháng sinh chống bội nhiễm vi khuẩn Erythromycin, Cephalexin… Điều trị hạ nhiệt bằng paracetamol; tránh dùng aspirin vì nó có thể gây ra hội chứng Reye.

- Sau một thời gian bị thủy đậu, các nốt thủy đậu sẽ vỡ ra, khô lại, rồi sau đó đóng vảy. Trong quá trình da hồi phục và tái tạo để hình thành da non sẽ gây ra cảm giác ngứa cho người bệnh. Chu kỳ này sẽ lặp đi lặp lại ở người bệnh trong khoảng thời gian 5 – 7 ngày thì ngừng hẳn, không xuất hiện thêm các nốt thủy đậu mới.

7. Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả

Tiêm vaccine là cách tốt nhất để phòng ngừa thủy đậu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hiệu quả của vaccine là gần 98% khi nhận đủ hai liều tiêm chủng theo khuyến cáo. Trong trường hợp không may nhiễm bệnh, vaccine sẽ giúp người bệnh gặp triệu chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người không tiêm phòng.

Hiện việc tiêm vaccine thủy đậu được khuyến cáo cho: Trẻ nhỏ từ 12 tháng tuổi trở lên (mũi 1 vào 12–15 tháng tuổi và mũi 2 tầm 4–6 tuổi); Trẻ từ 7–12 tuổi chưa được tiêm vaccine cũng cần tiêm hai mũi, cách nhau ít nhất 3 tháng; Trẻ từ 13 tuổi trở lên chưa được tiêm phòng cũng nên hai liều, cách nhau ít nhất 4 tuần; Người lớn cũng cần hai liều, tiêm cách nhau từ 4–8 tuần.

Đặc biệt, vaccine thủy đậu không được dùng cho:

- Phụ nữ đang mang thai

- Những người có hệ miễn dịch suy yếu, như người nhiễm HIV hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch

- Người bị dị ứng với gelatin hoặc kháng sinh neomycin.

Tiêm vaccine là cách tốt nhất để phòng ngừa thủy đậu - (Ảnh minh họa: internet)

8. Người bệnh thủy đậu nên ăn gì và kiêng gì?

Bổ sung một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh tăng cường hệ miễn dịch, mau hồi phục. Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm người bệnh thủy đậu nên ăn và nên kiêng:

Các loại thực phẩm nên ăn

- Rau xanh và các loại trái cây giàu vitamin, đặc biệt nên bổ sung cà rốt, dưa chuột, bông cải có chứa nhiều vitamin A, C bioflavonoid.

- Thực phẩm giàu kẽm như ngũ cốc, đậu, măng tây, súp nấm… giúp tăng cường hệ miễn dịch cũng như cải thiện sự ngon miệng cho bệnh nhân

- Thực phẩm giàu canxi và magie như đậu, bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc nguyên hạt

- Bổ sung các loại nước ép trái cây và uống đủ nước mỗi ngày.

Các loại thực phẩm nên kiêng

- Các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng như ớt, gừng, tiêu, mù tạt, tỏi, nhục quế… vì chúng có thể gây nhiệt miệng hoặc đau họng.

- Món ăn mặn, chứa nhiều muối còn có thể gây kích ứng phát ban, tạo nốt phồng rộp, khiến tình trạng bệnh thủy đậu tồi tệ hơn.

- Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như thịt, sản phẩm từ sữa có thể gây sưng viêm và khiến mụn đỏ xuất hiện lâu hơn.

- Hải sản vì có chứa nhiều Histamin gây dị ứng, ngứa.

- Thực phẩm giàu axit như trà, cà phê, socola có thể làm tổn thương những vùng da nổi mụn nước.

- Đồ nếp như xôi, bánh chưng… có thể làm sưng tấy và mưng mủ nốt thủy đậu. m

Tóm lại, bệnh thủy đậu thường nhẹ, nhưng có thể gây biến chứng nặng ở các nhóm đối tượng có nguy cơ. Khi một người đã bị thủy đậu, rất khó có khả năng sẽ lại mắc bệnh này. Tuy nhiên, virus vẫn tồn tại trong cơ thể và nhiều năm sau có thể hoạt động trở lại, gây ra bệnh zona. Hiện bệnh thủy đậu chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng tránh bệnh hiệu quả bằng cách tiêm ngừa vaccine cho cả người lớn và trẻ em.

Theo Người đưa tin


Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/benh-thuy-dau-hieu-de-phong-ngua-va-dieu-tri-dung-cach-32329/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY