Viêm dạ dày hôm nay

Viêm dạ dày được định nghĩa là viêm một phần hoặc toàn bộ lớp niêm mạc của dạ dày. Tình trạng này có thể xảy ra bất ngờ (cấp tính) hoặc diễn biến từ từ (mạn tính), do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng đều dẫn đến các triệu chứng tương tự nhau. Đa phần, viêm dạ dày không nghiêm trọng và thường nhanh chóng được cải thiện nhờ điều trị đúng phác đồ. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể dẫn đến viêm loét rồi chuyển sang những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Bệnh Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản Ở Trẻ Em Và Cách Điều Trị

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản không chỉ gặp ở người trưởng thành mà còn phổ biến ở trẻ em. Bài viết sẽ cũng cấp cho bạn những thông tin về căn bệnh này.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản không chỉ gặp ở người trưởng thành mà còn phổ biến ở trẻ em. Trường hợp trẻ chỉ xuất hiện các triệu chứng trào ngược như nôn trớ, ọc sữa nhưng vẫn bú, tăng cân bình thường thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu không có sự điều chỉnh, trào ngược lâu ngày dễ dẫn đến biến chứng nguy hại đến sức khỏe trẻ nhỏ.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là gì? Có nguy hiểm không?

Theo nguyên lý, thức ăn sẽ được đưa vào dạ dày thông qua con đường từ miệng xuống thực quản. Để đi vào “nơi chứa”, thức ăn sẽ đi qua một “cánh cửa” là cơ thắt thực quản dưới.

Tình trạng không đóng hoặc mở đúng lúc của cơ này sẽ khiến dịch dạ dày (thức ăn, axit, dịch mật,…) trào ngược lên thực quản, gây nên chứng trào ngược dạ dày thực quản.

Trào ngược dạ dày thực quản có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Phụ huynh cần lưu ý thêm:

  • Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý: Trẻ bị ọc sữa, nôn trớ nhưng không có tình trạng bỏ bú, cân nặng vẫn phát triển bình thường, không có những dấu hiệu khó chịu khi bị trào ngược.
  • Trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý: Nếu là bệnh lý, trào ngược sẽ khiến axit đi lên thực quản khiến vị trí này bị viêm loét, trẻ sẽ thấy khó chịu, không chịu bú, cân nặng không tăng, chậm lớn. Thậm chí gặp các vấn đề liên quan khác như hen suyễn, viêm phổi, suy hô hấp,…

    Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

    Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Trường hợp không được điều trị kịp thời, trào ngược dạ dày bệnh lý sẽ biến chứng, gây ra một số vấn đề như:

  • Biến chứng về tiêu hóa: Thực quản bị viêm sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ăn uống của trẻ, trẻ biếng ăn, rối loạn tiêu hóa. Nặng hơn là rơi vào tình trạng barrett thực quản, hẹp đường thực quản khiến thức ăn từ miệng xuống dạ dày bị cản trở.
  • Biến chứng về hô hấp: Trẻ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản lâu ngày sẽ thở khó khăn, hay khò khè và ho kéo dài, không thể cải thiện bằng các biện pháp điều trị thông thường. Bên cạnh đó, quá trình trào ngược axit dạ dày lên thực quản khiến dây thanh dày lên, khiến trẻ khàn giọng, nguy hiểm hơn là dẫn đến hen suyễn.
  • Ảnh hưởng đến tai, mũi, họng, răng, miệng: Bệnh trào ngược dạ dày có thể khiến trẻ bị viêm tai, viêm xoang, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, răng bị bào mòn do tiếp xúc axit dạ dày thường xuyên. Tình trạng kéo dài còn ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của trẻ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Để nhận biết bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em, các mẹ có thể dựa vào một số dấu hiệu dưới đây:

  • Trẻ sơ nhũ nhi (1 tháng – 1 năm tuổi): Trẻ không chịu bú, thường xuyên quấy khóc, cổ và lưng cong lại như bị đau, nôn trớ, đôi khi nôn vọt, nôn mạnh, hơi thở khò khè, ho, cân nặng không thay đổi.
  • Trẻ giai đoạn mẫu giáo: Trẻ thấy cổ họng có vị chua (do axit trong dạ dày) khi nôn, biếng ăn, cảm thấy đau khi ăn, tăng trưởng kém, trường hợp bị suyễn còn khiến trẻ thường xuyên ho, thở khò khè. 
  • Trẻ lớn: Ngoài buồn nôn, nôn, trẻ còn thấy được vị chua ở cổ họng, ợ nóng, ngực đau và rát bất thường, đặc biệt là khó thở, đau khi nuốt nước bọt, nuốt thức ăn, đau bụng buồn nôn vào ban đêm. Cơn đau thường kéo dài vài phút hoặc thậm chí là vài giờ khiến trẻ vô cùng khó chịu.

Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em sẽ được phân theo hai yếu tố là sinh lý và bệnh lý:

Nguyên nhân sinh lý

  • Chưa ổn định cơ quan tiêu hóa: Trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện các cơ quan bên trong cơ thể, trong đó có cơ quan tiêu hóa. Dạ dày của trẻ nằm gần lòng ngực hơn so với người lớn.
  • Chưa phát triển cơ thắt thực quản: “Cánh cửa” đóng – mở đón thức ăn trong người trẻ nhỏ vẫn chưa phát triển hoàn toàn. Chính vì thế, cơ thắt thực quản sẽ có những lúc làm việc không hiệu quả, khiến thức ăn bị trào ngược lên thực quản.
  • Do thức ăn: Trẻ em được cung cấp dinh dưỡng theo từng độ tuổi khác nhau. Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thường xuyên bú sữa và ăn cháo, thức ăn đều có dạng lỏng, mềm nên dễ dàng lọt qua cơ vòng thông qua một khe hở nhỏ, dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản.
  • Bú sữa ngoài: Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc sử dụng sữa bò sẽ khiến hệ tiêu hóa chậm hấp thụ, đọng lại trong dạ dày một thời gian dẫn đến tình trạng trào ngược, kèm theo axit dạ dày khiến trẻ khó chịu, buồn nôn.
  • Tư thế bú: Một số trẻ sơ sinh có thói quen nằm bú, đặc biệt là vào ban đêm. Tuy nhiên, tư thế này rất dễ khiến sữa trào ngược lên miệng do dạ dày nằm ngang với miệng, cơ thắt không hoạt động được hết công sức để giữ thức ăn ở bên trong dạ dày.

    Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

    Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em do yếu tố sinh lý và bệnh lý

Nguyên nhân bệnh lý

Trẻ sơ sinh có thể mắc một số bệnh lý bẩm sinh dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày. Có thể kể đến như bệnh thoát vị cơ hoành hoặc bệnh sa dạ dày ở mức độ nặng. 

Các bệnh này sẽ khiến cho thực quản, đặc biệt là phần cơ thắt suy yếu, thức ăn sẽ dễ dàng bị trào ngược trở lên thực quản. Tình trạng này thường gặp ở trẻ em dưới 1 tuổi. Bên cạnh đó, trẻ bị bại não, toàn thân bị nhiễm trùng, bệnh hở van tim,…cũng có nguy cơ cao mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em thông qua bệnh sử hoặc các thăm khám cơ bản. Không cần thiết phải tiến hành xét nghiệm trong nhiều trường hợp, chỉ thực hiện nếu tình trạng trào ngược xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ.

Chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Hầu hết trường hợp, thông qua bệnh sử và các triệu chứng bác sĩ có thể đưa ra những biện pháp khắc phục không cần xét nghiệm chuyên sâu

Trường hợp những bé lớn xuất hiện tình trạng trào ngược nhưng không kèm theo triệu chứng sẽ được bác sĩ chỉ định một số vấn đề liên quan thay đổi lối sống, sinh hoạt. Nếu cần thiết sẽ thực hiện kiểm tra xét nghiệm chuyên sâu và cho trẻ sử dụng thuốc.

Một số xét nghiệm sẽ được tiến hành như:

  • Nội soi: Thông qua hình ảnh thu được từ camera, bác sĩ sẽ quan sát thực quản và dạ dày của trẻ, xác định những bất thường nếu có.
  • Dò pH: Trẻ sẽ được bác sĩ cho nuốt một ống dài, mỏng, có đầu dò vào ống thực quản. Nó sẽ nằm trong đó 24 tiếng và xác định mức axit dạ dày có trong thực quản. Quan đó, bác sĩ sẽ biết được trẻ có mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay không.
  • Kiểm tra khả năng tiêu hóa của dạ dày: Một số trường hợp trẻ có hệ tiêu hóa kém, thức ăn sẽ tiêu hóa chậm hơn trong dạ dày dẫn đến trào ngược. Bằng xét nghiệm này, trẻ sẽ được ăn hoặc uống sữa kèm với một ít chất có tính phóng xạ, bác sĩ dùng camera đặc biệt tiến hành theo dõi những chuyển biến sau đó bên trong dạ dày.
  • Siêu âm thực quản: Xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ đánh giá được chiều dài thực quản của trẻ, số lần bị trào ngược để đưa ra hướng điều trị. Tuy biện pháp này an toàn hơn một số xét nghiệm khác nhưng độ chính xác chỉ nằm ở mức tương đối.

Ngoài ra, trẻ sẽ được thực hiện một số kiểm tra khác theo hướng dẫn của bác sĩ, nhằm xác định mức độ của bệnh trào ngược dạ dày thực quản và có phác đồ điều trị cho phù hợp.

Cách điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản trẻ em

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là dựa trên độ tuổi và triệu chứng mà trẻ đang gặp phải. Các cách điều trị khắc phục chứng bệnh này có thể kể đến như:

Điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ em dưới 1 tuổi

Thông thường nếu trào ngược do sinh lý, trẻ không cần điều trị mà chỉ cần điều chỉnh lại sinh hoạt, không cần dùng thuốc. Cách điều trị bảo tồn cho trẻ như sau:

  • Hạn chế cho bé bú quá no trong mỗi cữ bú, sau khi bú nên vỗ lưng giúp trẻ ợ hơi. 
  • Chú ý kiểm tra quá trình bú của trẻ, điều chỉnh lại nếu bé chỉ ngậm nút nhiều hơi mà không có sữa.
  • Sau khi cho trẻ bú xong, nên bế trẻ với tư thế đứng, tựa vào vai mẹ trong 20 – 30 phút, không nên để trẻ nằm ngay khi đã ăn no.
  • Sử dụng sữa dành riêng cho trẻ em bị trào ngược nếu trường hợp mẹ không đủ sữa cho con.
  • Loại bỏ đạm sữa bò trong thức ăn của mẹ để đảm bảo chất lượng sữa cho trẻ, nếu trường hợp nghi ngờ trẻ bị dị ứng. Hoặc sử dụng sữa công thức có đạm thủy phân nếu mẹ không đủ sữa.
  • Để bé tránh xa khói thuốc lá.

Nếu trong quá trình điều trị bằng các biện pháp bảo tồn mà tình trạng trào ngược ở trẻ vẫn chưa khắc phục, bác sĩ có thể cho trẻ sử dụng thêm thuốc. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn một số nguy cơ, do đó phụ huynh phải thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Điều trị trào ngược dạ dày cho trẻ lớn hơn 1 tuổi

Thay đổi thói quen cho trẻ:

  • Không nên cho trẻ sử dụng một số thực phẩm chứa caffeine, socola, bạc hà vì sẽ làm tăng lượng axit trong dạ dày trẻ, nguy cơ cao dẫn đến tình trạng trào ngược. Bên cạnh đó, một số nước ngọt, đồ uống có tính axit như nước cam, nước có gas,…thực phẩm có nhiều chất béo cũng cần hạn chế.
  • Chú ý tư thế nằm cho trẻ, không kê đầu quá cao khi ngủ là cách giúp trẻ giảm chứng ợ nóng. Một số trường hợp mẹ có thể cho trẻ nằm nghiêng bên trái, sẽ giúp trẻ giảm những triệu chứng do trào ngược dạ dày thực quản gây ra.
  • Không nên để trẻ nằm ngay sau khi ăn, chỉ nên ngủ sau bữa ăn từ 3 tiếng, không vận động, chạy nhảy, tập thể dục khi vừa ăn no.
  • Kiểm soát cân nặng cho trẻ, không để trẻ tăng cân quá mức so với độ tuổi.

Sử dụng thuốc:

Bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ một số loại thuốc điều trị bệnh trào ngược axit dạ dày, bên cạnh việc thay đổi thói quen sinh hoạt. Thông thường, thời gian sử dụng sẽ kéo dài từ 2 – 4 tuần, trẻ sẽ được tái khám và điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp tình trạng.

Phẫu thuật:

Phẫu thuật chỉ được thực hiện nếu bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em có xuất hiện biến chứng nghiêm trọng, không thể cải thiện bằng thuốc tân dược.

Phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản trẻ em nếu không có biến chứng, thông qua điều chỉnh chế độ sinh hoạt sẽ tự khỏi sau một thời gian. Thế nhưng, mẹ nên chủ động có biện pháp phòng ngừa căn bệnh này từ sớm cho con để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Cách phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ em

Một số lưu ý trong quá trình chăm sóc con cho phụ huynh để tránh tình trạng trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản như:

  • Chia nhỏ thức ăn, có thể cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp việc tiêu hóa của trẻ được tốt hơn.
  • Không nên cho trẻ mặc quần áo quá chật, chọn cho con những bộ đồ thoải mái, chất liệu mềm mại.
  • Chỉ nên cho trẻ đi ngủ sau khi ăn từ 3 tiếng.
  • Trẻ sau khi ăn không nên đặt nằm trên võng, nôi đu đưa khiến cho thức ăn, sữa bị trào ra ngoài.
  • Cung cấp dinh dưỡng cho trẻ qua thực phẩm sạch, hạn chế để trẻ ăn những loại thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay, nóng sẽ gây hại cho trẻ.
  • Điều chỉnh lại tư thế cho trẻ bú, không nên cho trẻ nằm ngang, nên kê đầu cao 30 độ, nếu trẻ bị ợ hơi, ợ nóng có thể cho trẻ nằm nghiêng bên trái để cải thiện.

Trên đây là những thông tin về bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em, hy vọng đã cung cấp cho bạn được những thông tin bổ ích. Để tránh gặp phải những biến chứng nguy hại đến sức khỏe trẻ nhỏ, phụ huynh cần quan sát những biểu hiện bất thường của trẻ hàng ngày, nhanh chóng đưa con đến khám tại các cơ sơ y tế để được kiểm tra và khắc phục sớm.

Có thể bạn quan tâm

  • Nóng rát dạ dày: Nguyên nhân, biểu hiện, cách xử lý
  • Nóng rát vùng thượng vị là bệnh gì? Làm sao khắc phục

Mạng Y Tế
Nguồn: Tạp chí ViMed (https://vimed.org/benh-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-o-tre-em-3052.html)
Từ khóa:

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY