1. Bệnh trĩ là gì?
Trĩ là tình trạng các đám rối tĩnh mạch lòi ra ở lớp dưới niêm mạc ống hậu môn xung quanh hậu môn hoặc trực tràng - (Ảnh: Internet). |
Theo một nghĩa nào đó, tất cả mọi người đều mắc bệnh trĩ (dân gian còn gọi là bệnh lòi dom), tình trạng các đám rối tĩnh mạch lòi ra ở lớp dưới niêm mạc ống hậu môn xung quanh hậu môn hoặc trực tràng. Tình trạng mà hầu hết chúng ta gọi là trĩ phát triển là do tăng áp lực trong các tĩnh mạch hậu môn hoặc trực tràng, các tĩnh mạch do chịu chèn ép từ bên trong có khả năng xung huyết, chảy máu, có khi bị sa ra ngoài.
Căn bệnh này cũng chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng chảy máu trực tràng và nếu không được phát hiện và tiến hành điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm khác làm ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khỏe của người mắc phải.
Bệnh trĩ thường xuất hiện ở các đối tượng có độ tuổi từ 45 – 60. Tuy nhiên, căn bệnh này đang có dấu hiệu trẻ hoá bởi vì những người trẻ đang trong độ tuổi từ 25 – 30 có nguy cơ mắc bệnh khá cao mà nguyên nhân chính là do chế độ ăn uống thiếu khoa học và chế độ sinh hoạt chưa hợp lý.
Mặc dù bệnh trĩ hiếm khi nguy hiểm nhưng chúng có thể tái phát và gây đau đớn. May mắn thay, có rất nhiều phương pháp để điều trị bệnh trĩ.
2. Phân loại bệnh trĩ
Dấu hiệu điển hình của bệnh trĩ là đi ngoài ra máu - (Ảnh: Internet). |
Dựa vào vị trí xuất hiện, bệnh trĩ được chia thành 3 loại chính sau:
Trĩ nội
Trĩ nội nằm khuất bên trong trực tràng mà bạn thường không thể nhìn thấy hoặc sờ thấy chúng. Chúng thường không đau vì bạn có ít dây thần kinh cảm giác đau ở đó. Các triệu chứng của bệnh trĩ nội bao gồm:
- Xuất hiện máu trên phân, trên giấy vệ sinh sau khi bạn lau hoặc trong bồn cầu
- Theo thời gian, các búi trĩ sa ra ngoài lỗ hậu môn như những vết sưng ẩm có màu hồng hơn vùng xung quanh. Điều này có thể gây đau, thường là khi bạn đi tiêu.
Bệnh trĩ ngoại
Trĩ ngoại nằm dưới da xung quanh hậu môn, nơi có nhiều dây thần kinh cảm giác đau hơn. Các triệu chứng của bệnh trĩ ngoại bao gồm:
- Đau và rát hậu môn, đặc biệt là khi đi đại tiện
- Chảy máu khi đi vệ sinh hoặc trên giấy vệ sinh khi đi cầu do vỡ búi trĩ.
- Ngứa ngáy hậu môn do dịch nhầy từ việc bài tiết còn đọng ở ống hậu môn;
- Vùng hậu môn bị sưng đỏ kèm theo tấy
Bệnh trĩ huyết khối
Cục máu đông có thể khiến bên ngoài trĩ chuyển sang màu tím hoặc xanh lam. Đây được gọi là huyết khối hoặc trĩ huyết khối. Bạn có thể nhận thấy các triệu chứng như:
- Đau dữ dội
- Ngứa xung quanh hậu môn
- Đi ngoài ra máu
3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh trĩ
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trĩ - (Ảnh: Internet). |
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ, có những nguyên nhân có thể bạn sẽ không thể ngờ đến.
- Thai kỳ: Phụ nữ mang thai thường mắc bệnh trĩ là do tăng áp lực và trọng lượng lên khung xương chậu có thể khiến các tĩnh mạch xung quanh hậu môn giãn ra và có khả năng gây ra các triệu chứng.
- Sinh con: Khi sinh con qua đường âm đạo (đẻ thường), các búi trĩ có thể bị căng lên đáng kể và thậm chí đông lại, hoặc huyết khối sau khi sinh.
- Béo phì: Thừa cân có thể tạo thêm áp lực cho phần dưới cơ thể và có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh trĩ có triệu chứng.
- Di truyền học: Bạn có nhiều khả năng mắc bệnh trĩ khi trong gia đình có tiền sử bệnh trĩ.
- Táo bón mãn tính: Khi bạn thường xuyên bị táo bón, bạn có thể bị căng thẳng khi đi đại tiện, và đó là một nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh trĩ. Vì căng thẳng kéo dài và/hoặc đi tiêu khó có thể làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch của trực tràng và ống hậu môn. Điều này khiến chúng căng tức và đôi khi chảy máu.
- Chế độ ăn: Không ăn đủ chất xơ cũng có thể liên quan đến sự phát triển của bệnh trĩ. Chế độ ăn ít chất xơ có thể dẫn đến táo bón mãn tính và căng thẳng và áp lực có thể dẫn đến triệu chứng bệnh trĩ.
- Thói quen ít vận động: Những người làm việc văn phòng, lái xe… có tỷ lệ mắc bệnh trĩ cao hơn mức bình thường.
- Giao hợp qua đường hậu môn.
- Ngồi lâu trên bồn cầu và sử dụng các thiết bị di động hay đọc sách báo giải trí.
- Độ tuổi: Đối với những người lớn tuổi thì cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn trở nên lỏng lẻo và nhão dần.
4. Bệnh trĩ có nguy hiểm không?
Bên cạnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc, bệnh trĩ còn ảnh hưởng cả tâm lý, khiến người bệnh luôn mất tự tin khi tiếp xúc với người khác. Ngoài ra, căn bệnh này nếu không được tiến hành điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Đó có thể là:
- Sa búi trĩ: Đây là một trong những biến chứng điển hình khi nhắc đến bệnh trĩ. Khi búi trĩ phát triển quá lớn gây chèn ép lên các cơ vòng, gây tắc nghẽn và cản trở quá trình lưu thông máu. Khi đó, việc đi đại tiện cũng gặp không ít khó khăn. Người bệnh luôn cảm thấy đau khi va chạm phải búi trĩ.
- Rối loạn chức năng hậu môn: Việc búi trĩ ngày càng lớn dần ảnh hưởng không hề nhỏ đến việc đào thải các chất thải ra khỏi cơ thể. Búi trĩ khiến cho các cơ bị chèn ép không hề nhỏ, việc co thắt hậu môn cũng gặp không ít khó khăn.
- Thiếu máu: Khi bệnh trĩ phát triển ở giai đoạn nặng thì tình trạng máu có thể bắn thành tia khi đi đại tiện. Nếu tình trạng này kéo dài trong thời gian lâu có thể khiến người bệnh rơi vào tình trạng thiếu máu trầm trọng.
- Viêm nhiễm hoặc hoại tử búi trĩ: Các búi trĩ liên tục tiết dịch ra bên ngoài, cộng với đó là sự vận hành của ống hậu môn (đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể) đã gây ra tình trạng viêm nhiễm. Tình trạng này nếu không được cải thiện kịp thời có thể khiến cho búi trĩ bị lở loét, thậm chí gây nên hoại tử và làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Hình thành một số bệnh phụ khoa ở nữ giới: Hậu môn và âm đạo khá gần nhau, do đó, các loại vi khuẩn gây hại ở hậu môn có khả năng rất cao lây lan sang âm đạo của nữ giới. Từ đó gây ra hàng loạt các bệnh phụ khoa như: viêm âm đạo, viêm cửa mình, viêm cổ tử cung….
5. Chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh trĩ
Bị bệnh trĩ nên ăn gì?
- Uống nhiều nước: Nước có tác dụng làm mềm phân, tốt cho người bị bệnh trĩ. Người mắc nên uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Nước trái cây cũng giúp ích cho người bị bệnh trĩ. Nên uống ít nhất một ly nước trái cây mỗi ngày. Bên cạnh đó bệnh nhân bị trĩ nên ăn các loại thức ăn lỏng dễ tiêu hóa.
- Thức ăn có nhiều chất xơ: Bệnh nhân mắc bệnh trĩ nên tăng cường chất xơ trong chế độ ăn vì chất xơ tham gia trữ nước đáng kể trong ruột, làm phân dễ bở ra nên dễ dàng khi bị đẩy ra khỏi hậu môn. Một số loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như đậu phụ, ngũ cốc xay, rau củ quả tươi,…
- Bổ sung vitamin C và vitamin E: Vitamin C rất cần thiết cho việc hình thành và duy trì các mạch máu khỏe mạnh, chống lại những nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn. Vitamin C có nhiều trong các loại rau, củ, quả như: ổi, dâu tây, kiwi, cam, đu đủ, bông cải xanh… Vitamin E là một vitamin tan trong chất béo, rất quan trọng cho màng tế bào, ngăn ngừa viêm nhiễm, chữa lành các mô bị viêm, giúp thu nhỏ các búi trĩ. Các thực phẩm giàu vitamin E như hạt dẻ, rau cải xanh, rau chân vịt, quả bơ, đu đủ…
- Thực phẩm nhuận tràng: Thực phẩm nhuận tràng là nhóm thực phẩm rất tốt cho đường tiêu hóa, đặc biệt khi bị táo bón và trĩ. Nhóm thức ăn này sẽ giúp hệ tiêu hóa được hoạt động tốt hơn, các loại thực phẩm được hấp thu và đào thải dễ dàng hơn. Qua đó, các triệu chứng của bệnh trĩ sẽ thuyên giảm, bệnh nhân sẽ bớt đau đớn khi đi đại tiện. Một số loại thực phẩm nhuận tràng tốt cho người bị bệnh trĩ có thể kể đến như rau xanh, rau quả tươi, khoai lang, cà rốt…
- Thực phẩm giàu sắt: Người bệnh trĩ dễ bị thiếu máu do đại tiện ra máu, vì vậy nên chế độ ăn cho bệnh nhân trĩ cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất sắt như: gan gà, cá ngừ, nho khô, hạt hướng dương, hạt điều, hạnh nhân, mè, rau bó xôi, bông cải xanh, rau cần, ...
Bị bệnh trĩ không nên ăn gì?
- Đồ ăn mặn, nhiều muối: Muối có tính hút nước, làm giảm trữ nước trong ruột, phân bị cứng vón cục, khó tiêu hóa, làm cho các mạch máu căng lên, tình trạng bệnh trĩ nặng hơn. Chính vì vậy, người bệnh cần chú ý giảm lượng muối trong các bữa ăn, hạn chế ăn mặn.
- Đồ ăn cay nóng: Thực phẩm cay như ớt, tiêu, gừng, mù tạt… có tính nóng, khi hấp thụ vào cơ thể dễ tăng huyết áp, đổ mồ hôi, nếu bạn ăn quá nhiều làm cơ thể bị nóng trong người, gây táo bón, đau rát khi đi ngoài, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh trĩ
- Đồ uống có cồn, các chất kích thích: Các đồ uống có cồn và chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, nước uống có ga,.... làm tăng áp lực cho thành ruột, ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa. Do đó người mắc bệnh trĩ cần đặc biệt tránh xa.
- Ăn quá nhiều đường và tinh bột: Ăn quá nhiều đường và tinh bột tạo áp lực lên thành ruột dễ khiến bạn bị táo bón, ngứa hậu môn, làm bệnh trĩ trở nên nặng hơn.
- Đồ ăn quá nhiều dầu mỡ, chất béo: Các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo ảnh hưởng không tốt cho người bị trĩ. Vì dầu mỡ, chất béo rất hóa tiêu hóa, cơ thể dễ bị nóng trong, táo bón, tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
6. Điều trị bệnh trĩ tại nhà
Các triệu chứng bệnh trĩ có thể giảm đáng kể với các phương pháp điều trị bệnh trĩ tại nhà, đơn giản. Để tránh những cơn bùng phát thường xuyên, hãy thử những cách sau.
- Bổ sung nhiều chất xơ: Như đã đề cập ở trên, chất xơ tốt có thể giảm các triệu chứng khó chịu khi đi ngoài.
- Tập thể dục: Tập thể dục nhịp điệu vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh 20–30 phút mỗi ngày, có thể giúp kích thích chức năng ruột, giảm triệu chứng của bệnh trĩ.
- Thiết lập thói quen đi tiêu: Khi bạn cảm thấy muốn đi đại tiện, hãy đi vệ sinh ngay lập tức; đừng đợi đến thời điểm thuận tiện hơn. Phân có thể trào ngược lên, dẫn đến tăng áp lực và căng thẳng. Ngoài ra, hãy sắp xếp thời gian cụ thể mỗi ngày, chẳng hạn như sau bữa ăn, ngồi vào toilet trong vài phút. Điều này có thể giúp bạn thiết lập thói quen đi tiêu đều đặn.
Tắm Sitz là phương pháp hiệu quả cho người bị bệnh trĩ - (Ảnh: Internet). |
- Tắm Sitz: Nghe thì có vẻ lạ nhưng thực chất tắm sitz là một kiểu tắm ngồi. Từ “sitz” có xuất phát từ tiếng Đức “sitzen”, có nghĩa là “ngồi”. Như vậy đơn giản là bạn ngồi trong nước ấm để giúp giảm đau ở vùng hậu môn hoặc xung quanh bộ phận kín. Các chuyên gia khuyên bệnh nhân nên thực hiện tắm sitz tại nhà vì chúng thật sự hiệu quả lại ít tác dụng phụ. Người bệnh nên tắm trong 20 phút sau mỗi lần đi tiêu và thêm vào đó hai hoặc ba lần một ngày. Chú ý vỗ nhẹ để vùng hậu môn khô sau đó; không chà xát hoặc lau mạnh. Bạn cũng có thể sử dụng máy sấy tóc để làm khô khu vực này.
- Tìm kiếm thuốc bôi chữa bệnh trĩ. Các loại kem bôi trĩ không kê đơn có chứa chất gây tê cục bộ có thể tạm thời làm dịu cơn đau. Bên cạnh đó, có thể áp dụng các phương pháp đơn giản như đặt một túi đá nhỏ lên vùng hậu môn trong vài phút cũng có thể giúp giảm đau và sưng. Cuối cùng, ngồi trên đệm chứ không phải trên bề mặt cứng giúp giảm sưng các búi trĩ hiện có và ngăn ngừa sự hình thành của các búi trĩ mới.
- Sử dụng nha đam: Nha đam là một loại cây giống cây xương rồng, trong lịch sử đã được sử dụng để điều trị các bệnh về da. Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp, Hoa Kỳ, báo cáo rằng nhựa của nha đam có chất nhớt và có thể được sử dụng trên vết bỏng và vết thương để giảm đau và nhanh chóng chữa lành. Bôi lô hội lên vùng trĩ bị kích ứng có thể giúp làm dịu viêm và đau.
- Không căng thẳng khi đi tiêu hoặc ngồi trên bồn cầu trong thời gian dài: Điều này gây áp lực nhiều hơn lên tĩnh mạch của bạn.
- Xử lý búi trĩ: Khi trĩ bên ngoài hình thành cục máu đông, cơn đau có thể rất dữ dội. Nếu cơn đau có thể chịu đựng được, hãy áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà cho các triệu chứng và chờ nó tự biến mất. Nếu nó không tự biến mất, búi trĩ có thể được phẫu thuật cắt bỏ hoặc rút cục máu đông ra khỏi tĩnh mạch bằng các thủ thuật y học.
Trên đây là những thông tin về bệnh trĩ, căn bệnh gây rất nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc biết thêm những thông tin cần thiết về căn bệnh này, từ đó có những phương pháp điều trị thích hợp.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: