Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bệnh truyền nhiễm gia tăng: Có thể trả giá vì không tiêm phòng

(HNM) - Từ đầu năm 2023 đến nay, có 6/12 bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội gia tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đây là những bệnh thường gặp trong mùa hè và có thể phòng được bằng vắc xin nhưng hiện tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ lại đạt thấp.

(HNM) - Từ đầu năm 2023 đến nay, có 6/12 bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội gia tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đây là những bệnh thường gặp trong mùa hè và có thể phòng được bằng vắc xin nhưng hiện tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ lại đạt thấp.

Ảnh: Phong Lan

Tử vong do lây bệnh từ con trai

Trong 6 bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng so với cùng kỳ năm ngoái, gồm: Thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng, rubella, uốn ván, liên cầu khuẩn lợn, thì thủy đậu gia tăng mạnh nhất. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 19-5, thành phố Hà Nội có gần 1.500 ca mắc thủy đậu (tăng khoảng 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng lo ngại, người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu, trong khi đã xuất hiện nhiều ca bệnh ở người lớn với những diễn biến khó lường.

Mới đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận bệnh nhân nam 32 tuổi bị lây thủy đậu từ con trai. Sau khi đến phòng khám tư, bệnh nhân được kê thuốc điều trị nhưng không rõ mắc bệnh gì. Hai ngày sau, bệnh nhân mệt, khó thở và điều trị tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả chẩn đoán tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân mắc thủy đậu, có biến chứng viêm phổi nặng, suy gan cấp, rối loạn đông máu… Chưa đầy 12 giờ nhập viện, các triệu chứng tiến triển rất nhanh, bệnh nhân sốt cao liên tục, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, viêm cơ tim, rối loạn ý thức và đã tử vong.

Ngoài trường hợp này, Trung tâm Bệnh nhiệt đới còn tiếp nhận 2 nữ bệnh nhân khá nặng, hiện vẫn đang điều trị, trong đó một phụ nữ mang thai, người còn lại có tiền sử dùng thuốc corticoid (thuốc chống viêm). Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, với người khỏe mạnh mắc thủy đậu, sau 1-2 tuần điều trị sẽ khỏi. Tuy nhiên, với những cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc người có bệnh nền dùng các thuốc ức chế miễn dịch, khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng gây viêm phổi, viêm não, suy đa phủ tạng...

Ảnh: Thanh Xuân

Không chỉ thủy đậu, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng. Từ đầu năm đến nay, thành phố có 268 ca sốt xuất huyết (tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái), đồng thời ghi nhận 15 ổ dịch tại 9 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai, Hoài Đức, Tây Hồ. Theo nhận định của CDC Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, do điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển.

Bên cạnh đó, theo CDC Hà Nội, thành phố cũng đã ghi nhận 3 ca mắc rubella đầu tiên trong năm nay tại 3 quận, huyện, thị xã: Hoàng Mai, Mê Linh và Sơn Tây; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc rubella. Đặc biệt, bệnh này là hiểm họa đối với phụ nữ mang thai, nhất là ở 3 tháng đầu thai kỳ, có thể gây sảy thai, sinh non… Thậm chí, trẻ nhiễm vi rút rubella bẩm sinh dễ bị chậm phát triển cả về thể lực và trí tuệ, bị dị tật ở tim, mắt...

Khẩn trương khôi phục tỷ lệ tiêm chủng

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, vào mùa hè, thời tiết nắng nóng oi bức kèm theo những cơn mưa rào tạo điều kiện thuận lợi cho các vi rút, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm phát triển. Biện pháp phòng bệnh an toàn, chủ động và hiệu quả nhất hiện nay chính là tiêm vắc xin. Nếu trẻ không được tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ sẽ dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh và có thể để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển.

Báo cáo về tình hình trẻ em thế giới 2023 với chủ đề “Vắc xin cho mọi trẻ em” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố vào tháng 4-2023 cho thấy, từ năm 2019-2021, gần 250.000 trẻ em ở Việt Nam không được tiêm vắc xin đầy đủ. Việt Nam cũng nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vắc xin” nhiều nhất thế giới, với 187.315 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm loại vắc xin nào trong năm 2021.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới số trẻ không được tiêm vắc xin ở Việt Nam còn ở mức cao, bà Lesley Miller, Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn ở hầu hết các quốc gia, kể cả Việt Nam. Khi đó, hệ thống y tế và nguồn lực tiêm chủng thường xuyên được chuyển sang phục vụ việc tiêm vắc xin phòng Covid-19. Một nguyên nhân nữa là sự chậm trễ mua sắm, cung ứng vắc xin. “Chúng tôi rất quan ngại về khả năng bùng phát các dịch bệnh đáng ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng”, bà Lesley Miller bày tỏ.

Trước thực tế này, Ủy ban Xác nhận thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã khuyến cáo, Việt Nam cần khẩn trương khôi phục tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc xin phòng bại liệt, sởi, rubella, đồng thời triển khai tiêm bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng ở vùng có nguy cơ cao.

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1065590/benh-truyen-nhiem-gia-tang-co-the-tra-gia-vi-khong-tiem-phong)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY