Dinh dưỡng hôm nay

Bí đao - món ăn lành và quý

Dễ ăn, dễ chế biến, không chỉ vì thế mà bí đao gần gũi với mỗi gia đình. Bí đao sẽ quý hơn nhiều nếu bạn thấy những ưu điểm sau đây.

Bí đao còn gọi là bí xanh, không chứa chất béo và có nhiều chất dinh dưỡng có ích cho cơ thể như: corotin, malonate, các loại vitamin B1, B2, PP, C, các protein, hợp chất đường, chất xơ, phốt pho, sắt và canxi…

Bí đao thanh nhiệt và giải độc cho cơ thể

Theo Đông y, bí đao có vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn giúp giải độc, thanh nhiệt, làm tan u nhọt do nhiệt sinh ra. Dân gian thường dùng bí đao để nấu các món canh thanh nhiệt hoặc rửa sạch để ép lấy nước uống.

Thậm chí, vỏ bí đao cũng có tác dụng giải nhiệt. Nhiều nơi dân gian vẫn dùng vỏ bí đao cùng với vỏ dưa hấu sắc lấy nước uống thay cho trà.

Bí đao trị rôm sảy ở trẻ nhỏ

Bí đao bỏ vỏ, rửa sạch, thái mỏng, giã nát thành dạng hồ để thoa lên vết thương. Sau hai tiếng rửa sạch. Mỗi ngày thoa hai lần. Hoặc cho trẻ tắm với nước gừng giã nhỏ đun sôi để nguội, sau đó cắt miếng bí đao chà xát lên da từ đâu đến chân, nên làm vào các buổi sáng rôm sảy sẽ hết nhanh chóng.

Bí đao giúp người đau bao tử

Chất xơ của bí đao có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hóa dễ dàng, vì thế bí đao được khuyên dùng với những người bị loét và đau bao tử.

Bó đao chữa viêm thận cấp tính

Một số bài thuốc từ bí đao giúp chữa bệnh theo dân gian như bệnh phù thũng, đi tiểu ít do viêm thận cấp tính. Khi cả thân hình và mắt đều sưng vì phù thũng, nấu chung bí đao cùng cá chép và củ hành ăn thường xuyên rất tốt.

Nếu đi tiểu rắt buốt, có thể luộc bí ăn cả phần nước hoặc ăn sống. Cũng có thể giã nát bí, lọc lấy phần nước để uống chung với chút muối. Sắc vỏ bí đao thành dung dịch đặc để uống thay nước giúp thông bàng quang hoặc nước tiểu đục có chất nhầy.

Bí đao giúp giảm suy nhược cơ thể

Trong thực đơn hàng ngày, khi kết hợp bí đao với tôm non (hoặc tép) sẽ giúp giảm chứng mệt mỏi, thân thể nặng nề, đau đầu. Bạn có thể luộc hay xào nấu bí đao với sườn heo hoặc với chân giò hun khói, thịt nạc bằm viên, hoặc kết hợp với các loại thịt khác như thịt gà, thịt vịt… đều dễ ăn và tốt. Nước ép bí đao còn là nguồn nước chất lượng tốt bổ sung cho cơ thể.

Bí đao giúp dưỡng nhan

Vỏ và hạt của bí đao đều có tác dụng làm đẹp cho da, trong đó tác dụng làm đẹp của hạt tốt hơn so với vỏ và phần nạc của bí đao. Nước ép bí đao hòa chung với mật ong giúp giảm bớt sạm da hoặc các vết nám trên da.

Kết hợp bí đao cùng một số thảo dược khác để nấu thành dung dịch cô đặc và thoa lên mặt cũng giúp chữa rám má, sạm da. Nhờ vào hàm lượng dầu thực vật cao, không bão hòa với chất béo nên bí đao rất có lợi giúp mái tóc khỏe và óng mượt. Còn thành phần malonate của bí đao giúp ngăn ngừa việc tích mỡ trong cơ thể, có lợi cho việc giảm thể trọng.

Thùy Như

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/bi-dao--mon-an-lanh-va-quy-22763/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY