Dinh dưỡng hôm nay

Biến tấu thức ăn dư thừa sau Tết thành những món ngon lạ miệng cho cả gia đình

Với các thực phẩm dư thừa sau Tết, chị em hãy sử dụng lại để chế biến thành những món ăn ngon mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Dịp Tết, hầu hết gia đình nào cũng trữ nhiều thức ăn, rượu bia, bánh mứt trong nhà để phòng khi có khách đến nhà. Tuy nhiên, chính vì cỗ bàn linh đình, thức ăn lúc nào cũng trong tình trạng dư thừa khiến nhiều chị em luôn đau đầu vì bỏ đi thì tiếc mà giữ lại thì không biết xử lý làm sao.

Thế nhưng, hầu hết các gia đình đều có tủ lạnh, hầu hết các món ăn đều có thể bảo quản tốt trong tủ lạnh, với tủ đông có thể bảo quản tới hàng tháng. Vi khuẩn gây hư hỏng thức ăn không thể hoạt động khi gặp nhiệt độ thấp.

Bên cạnh đó, các thực phẩm dư thừa sau Tết, chị em hãy sử dụng lại để chế biến thành những món ăn ngon mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bánh chưng

Hầu hết các loại thức ăn còn thừa đem chế biến lại bằng cách chiên lên sẽ để được lâu hơn là để luộc. Bánh chưng để lâu một là sẽ bị lại gạo, cứng hoặc không sẽ bị mốc ở phần vỏ lá. Cách tốt nhất đối với bánh chưng chưa ăn hết nên để vào ngăn mát tủ lạnh. Bạn có thể mang đồ lại để bánh mềm, hoặc có thể cắt miếng mỏng đem chiên vàng giòn.

Bạn cho miếng bánh chưng vào chảo, rán lửa vừa, lấy muỗng dằm nhẹ để bánh vàng giòn ngoài mặt còn bên trong mềm và nóng, còn thơm mùi của lá dong.

Theo kinh nghiệm, nếu rán bằng chảo không dính thì bạn có thể không thêm dầu mỡ mà để mỡ trong nhân bánh tươm ra là vừa, tuy nhiên nhiều người vẫn thích có chút dầu để bánh vàng giòn.

Bánh chưng rán dọn ăn với dưa món, củ kiệu, ít dưa góp su hào… chấm xì dầu và chút tương ớt thì còn gì sánh bằng.

Gà luộc

Nhiều nhà có truyền thống trên mâm cúng tất niên, cúng đón ông bà về ăn Tết… đều phải có gà luộc, khiến sau Tết trong tủ lạnh ít cũng phải có đến 2 con gà được cài chân rất đẹp mà không biết phải dùng làm gì.

Bạn hãy dành chút thời gian gỡ riêng phần thịt và xương. Xương, đầu cổ, cánh, chân… đem ninh lấy nước dùng nấu miến, cháo, súp…

Dùng gà làm gỏi / nộm (gỏi gà bắp cải rau răm, hoa chuối…) ăn nhẹ bụng, ngon miệng, vừa giúp giải quyết gà vừa giúp ăn hết rau.

Ngoài ra, phần thịt có thể làm chà bông. Bạn xé thịt gà thành sợi, ướp với bột nêm và chút nước mắm cho thơm, sau đó cho cả vào chảo, đảo đều với lửa nhỏ, vừa đảo vừa nêm nếm thêm cho vừa miệng.

Phần xương và thịt trắng có thể dùng để nấu súp hoặc cháo đều rất ngon mà còn đổi vị cho cả nhà nữa.

Chuối xanh

Hầu như gia đình nào cũng "dư" chuối xanh sau Tết bởi trái cây trên mâm ngũ quả không thể thiếu nải chuối.

Bạn có thể đem phần chuối xanh nấu chuối ốc đậu để đổi vị cho bữa cơm gia đình nhé! Vị chua ngon dân dã chắc chắn sẽ xua đi phần ngán ngẩm của mâm cỗ Tết nhiều đạm.

Các nguyên liệu bạn cần bổ sung thêm cho món ăn này thêm tròn vị bao gồm: tía tô, mẻ nghệ và lá lốt.

Thịt bò

Bạn có thể kết hợp thịt bò thừa với những củ cà rốt, và ít rượu vang để tạo nên món bò sốt vang lạ miệng, thơm ngon để cùng thưởng thức với mọi người trong nhà.

Cách khác, bạn có thể bóp thấu với rau muống để làm thành món khai vị cho bữa tối.

Giò chả và thịt nguội

Với các món chả lụa, chả bò, thịt nguội, lạp xưởng… bạn có thể mua thêm bánh mì hoặc bánh ướt về và làm bữa sáng cho cả nhà. Hoặc bạn có thể làm món gỏi củ kiệu với chả lụa, hay xào với các loại củ như su hào, mộc nhĩ, cà rốt, … Cách khác, bạn có thể dùng chúng để rim với tương đen và ớt làm thành món chính ngon miệng trong bữa cơm trưa.

Bia

Bạn hãy tận dụng bia còn thừa trong dịp Tết để chế biến các món hấp hay hầm để món ăn có vị thơm hơn, nhất là hải sản. Một số gợi ý cho bạn như món tôm hấp bia, bò hầm bia. Đây là những món có thể đổi vị cho cả nhà để những ngày sau Tết không còn cảm thấy ngán ngẩm với những món nhiều dầu mỡ.

Trái cây

Từ những trái cây trên mâm ngũ quả, hay các giỏ quà ngày Tết, bạn có thể làm thạch trái cây, sữa chua dầm trái cây, nước detox hoặc xay nhuyễn làm sinh tố ăn dần. Với cách này, bạn không chỉ "thanh lý" được trái cây trong tủ lạnh, mà còn giúp lấy lại khẩu vị, cải thiện làn da sau những ngày Tết.

Dưa hấu thường là loại trái cây dư ra nhiều nhất, bạn có thể dùng chúng làm siro dưa hấu hay đá bào - kem dưa hấu.

Ngoài ra, trái cây không thể dùng hết bạn còn có thể dùng chúng đắp mặt nạ làm đẹp.

Hạt khô

Các loại hạt dưa, hạt hướng dương, hạt dẻ... rất được các nhà ưa chuộng để đãi khách dịp Tết. Tuy nhiên không thể tránh khỏi tình trạng lấy ra mà ăn không hết.

Các loại hạt lấy ra khoảng nửa ngày sẽ bị “ỉu”, mềm vì chúng hút ẩm. Vì vậy, để bảo quản các hạt vẫn giữ nguyên độ ngon thì gom các hạt lại, rang nóng một chút, để nguội và sau đó cất vào lọ thủy tinh, bảo quản ở nhiệt độ thường.

Mứt

Các loại mứt thường có rất nhiều đường, dễ bị chảy nước và nấm mốc. Nếu dư mứt, chị em nên cho vào lọ kín hoặc túi nilong, phủ thêm một lớp đường trắng lên trên mứt để chúng hút ẩm mứt bị chảy.

Chú ý, chị em không nên cho mứt vào tủ lạnh vì khi lấy ra ngoài, mứt hút ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi này nở, làm hư mứt.

Quỳnh Hoa

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/bien-tau-thuc-an-du-thua-sau-tet-thanh-nhung-mon-ngon-la-mieng-cho-ca-gia-dinh-26913/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY