Tác phẩm “Sân vườn” của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam năm 1987 |
Bà Nguyễn Thị Trinh - Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng - cho biết, năm 2020, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh (thời điểm đó) đã cùng nhà sưu tập Toyokichi Itoh (80 tuổi) ký kết thỏa thuận mượn, hiến tặng bộ sưu tập Houei với số lượng 287 bức tranh. Theo bà Trinh, trước đó bộ sưu tập Houei được trưng bày, cất giữ tại một bảo tàng ở Hàn Quốc. Sau khi hết thời hạn bảo quản, nhà sưu tập quyết định tặng cho Đà Nẵng và đoàn công tác của Đà Nẵng đã sang Hàn Quốc đóng gói để đưa về Việt Nam.
Ông Toyokichi Itoh sinh ra tại Tokyo (Nhật Bản). Trong Thế chiến 2, gia đình ông sơ tán về vùng nông thôn. Cuối năm 1986, khi đến Hà Nội, ông rất ấn tượng khi chiêm ngưỡng những bức tranh được trưng bày trong các bảo tàng tại Hà Nội. Từ đó, ông có ý định sưu tầm tranh của các họa sĩ Việt Nam. Sau nhiều lần đến Việt Nam, ông đã sở hữu bộ sưu tập đồ sộ và đặt tên là Houei với nguyện vọng “mở ra thời đại mới cùng phát triển phồn vinh”.
Tác phẩm “Thiếu nữ đánh đàn” của họa sĩ Tú Duyên năm 1973 |
Với tâm nguyện gìn giữ trọn vẹn và đưa những tác phẩm mỹ thuật này về lại Việt Nam, mong muốn sự giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng phong phú, ông Toyokichi Itoh quyết định tặng Đà Nẵng 238 tác phẩm và cho mượn dài hạn 49 tác phẩm khác thuộc bộ sưu tập Houei.
Bộ sưu tập gồm các tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng, trong đó có các danh họa thuộc thế hệ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tú Duyên, Tô Liên, Dương Bích Liên, Nguyễn Tiến Chung, Linh Chi, Trần Đình Thọ, Trần Đông Lương, Nguyễn Sĩ Ngọc, Dương Hướng Minh... và nhiều họa sĩ tên tuổi khác.
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã có kế hoạch lần lượt lựa chọn, giới thiệu đến công chúng các tác phẩm trong bộ sưu tập tranh Houei. Trước mắt, ngày 29/3/2021, bảo tàng khai trương không gian trưng bày 22 tác phẩm tiêu biểu trong bộ sưu tập, gồm nhiều thể loại như tranh phong cảnh, chân dung, tĩnh vật... được sáng tác trên các chất liệu sơn dầu, bột màu, lụa, màu nước, phấn màu, tempera. Một số tác phẩm độc đáo được sáng tác bằng bút sắt trên giấy can (bức phác họa của Nguyễn Gia Trí) hay in khắc gỗ trên lụa (tác phẩm của Tú Duyên), in khắc gỗ trên giấy (Cao Trọng Thiềm). Ngoài 2 tác phẩm chưa rõ năm sáng tác, những bức tranh còn lại ra đời trong khoảng thời gian từ năm 1944 đến năm 1993.
Chủ đề liên quan:
bộ sưu tập tranh quý