Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Các chuyên gia đưa ra hai kịch bản tích cực và tồi tệ nhất cho biến thể mới Omicron

Theo các báo cáo cho thấy, ảnh hưởng của biến thể Omicron sẽ dựa vào 3 yếu tố sau: khả năng lây lan, khả năng kháng vaccine và độc tính của nó. Vì vậy, các chuyên gia đã đưa ra hai kịch bản khác nhau, bao gồm tích cực và tồi tệ nhất nhằm kịp thời đáp ứng các hệ quả có thể xảy ra từ biến thể này.

Các chuyên gia cũng khẳng định, khả năng lây lan nhanh của Omicron có thể gây ra một số hậu quả vô cùng khủng khiếp, có thể hơn cả những gì mà biến thể Delta đã mang lại trước đó. Tuy nhiên, dựa vào các ca mắc gần đây cho thấy các triệu chứng đều rất nhẹ, nó sẽ đảo chiều toàn bộ cục diện và đi theo hướng tích cực như những gì mà chúng ta xôn xao dự đoán những ngày vừa qua.

Kịch bản đầu tiên mà các nhà nghiên cứu đặt ra là nó sẽ cực kỳ tồi tệ và nó có thể gây ra thảm họa toàn cầu, giải thích cho việc Omicron sẽ dễ dàng lây lan giữa các vật chủ, vượt qua các kháng thể trung hòa cũng như tế bào T và là nguồn cơn gây ra các triệu chứng nguy hiểm bất thường, dẫn đến các diễn tiến nghiêm trọng cho người mắc phải.

Kịch bản thứ hai là nó sẽ mang đến một tương lai tươi sáng hơn, thành công biến căn bệnh COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu, nếu Omicron trở thành mầm bệnh siêu lây nhiễm nhưng chỉ đem lại những triệu chứng nhẹ. Các nhà khoa học khẳng định đây là kịch bản tích cực nhất và hoàn hảo nhất để đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Chúng ta buộc phải chấp nhận việc sống chung với dịch trong nhiều năm tới. Ngay cả ở các quốc gia cho triển khai tiêm chủng vaccine trong khoảng một năm gần đây thì tỷ lệ phủ vaccine vẫn chưa hoàn thiện 100%. Và ngay cả khi người dân toàn cầu đã hoàn toàn đạt miễn dịch cộng đồng (từ chủng ngừa hoặc nhiễm virus), nCoV vẫn có thể lây lan trong quần thể động vật, sau đó một lần nữa truyền sang người dưới bản dạng khác. Đó là lý do vì sao mà Tara Kirk Sell - học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins khẳng định việc loại bỏ hoàn toàn COVID-19 là một mục tiêu phi thực tế.

Trên thực tế, sống chung với dịch là phương án hợp lý duy nhất để có thể đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo bình thường (Ảnh: Internet)

Theo các bác sĩ từ Nam Phi và Israel, tới nay, các ca nhiễm Omicron dường như có triệu chứng nhẹ hơn Delta. Tính đến ngày 5/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa ghi nhận ca tử vong nào trên toàn cầu. Song dữ liệu hiện còn hạn chế và dễ bị sai lệch. Thế giới ghi nhận dưới 250 ca nhiễm, phần lớn đến từ Nam Phi, nơi có dân số trẻ, vốn ít chuyển nặng nếu mắc Covid-19 (dù là các biến chủng trước đây).

Các nhà khoa học đưa ra nhận định, tình hình sẽ trở nên tốt hơn nếu Omicron để lại triệu chứng nhẹ nhưng lây truyền nhanh hơn Delta. Theo tiến sĩ Samuel Scarpino, Viện Phòng chống Đại dịch của Tổ chức Rockefeller, khi có hai biến chủng cùng lưu hành, loại lây lan nhanh hơn có xu hướng thống trị. Biến chủng đó chiếm ưu thế bởi nó sao chép nhanh hơn trong vật chủ, hoặc vì khả năng trốn tránh miễn dịch. Điều này nghe có vẻ gây ra hoảng sợ cho người dân toàn cầu, vì các quốc gia phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine trong một năm gần đây nhằm hạn chế sự lây lan và tăng cường miễn dịch cộng đồng, ngay cả những người dân cũng không muốn nhiễm bất kỳ loại biến thể đột phá nào, từ Alpha sang Beta, cho đến Delta và hiện tại là Omicron.

Tuy nhiên, vì sao theo tiến sĩ Samuel Scarpino, và cả Elizabeth Halloran - chuyên gia thống kê sinh học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson đều cho rằng đây sẽ là tin tốt nếu biến chủng này lây lan nhanh nhưng không gây triệu chứng mạn tính, không khiến người bệnh nhập viện hoặc phải thở máy? Điều này có thể được hiểu, virus nếu muốn đạt được độ lây lan tối đa thì độc tính cũng sẽ bị giảm đi tối đa, theo cơ chế sinh học, đó là cách virus trung hòa giữa khả năng lây lan và độc tính của nó. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã xác nhận nhiều lần, nếu virus có khả năng vượt qua “màn chắn” vaccine, độc tính của virus sẽ bị suy yếu. Vì nếu nó vừa lây lan nhanh lại vừa có độc tính cao, có khả năng người bị nhiễm - tức vật chủ sẽ chết trước khi nó kịp bám vào một vật chủ khác để sinh sôi, phát triển.

Biến thể Omicron có thể được xem là “món quà giáng sinh” nhằm chấm dứt giai đoạn đại dịch kéo dài hai năm qua nhờ vào cơ chế cân bằng sinh học của virus (Ảnh: Internet)

Dù vậy, nếu đi theo kịch bản này, người nhiễm Omicron có nguy cơ tái nhiễm sau đó, cơ chế gây bệnh sẽ tương tự như cúm mùa. Theo báo cáo của Katherine J. Wu - phóng viên y tế tờ Atlantic, các F0 có triệu chứng nhẹ sẽ không phát triển nhiều kháng thể như bệnh nhân biểu hiện nghiêm trọng. Nhưng, Ali Ellebedy - chuyên gia miễn dịch tại Đại học Washington ở St. Louis, có quan điểm ngược lại, ông cho rằng, chỉ cần chúng ta nhiễm phải virus nCoV là cơ chế miễn dịch trong cơ thể đã hoạt động. Ngay cả khi không có triệu chứng, cơ thể người bệnh vẫn sản sinh kháng thể và tạo tế bào T (tế bào miễn dịch) để chống lại virus trong những lần tiếp theo. Khi virus kích thích phản ứng miễn dịch tương đối nhẹ ở một lượng người nhất định, nó sẽ đột biến thành phiên bản tiếp theo, trở thành chủng trội, với biểu hiện nhẹ hơn nữa.

Về biện pháp ứng phó, nếu Omicron dễ lây truyền nhưng độc tính kém so với Delta, các chuyên gia cho rằng một số quốc gia sẽ phải tái áp dụng biện pháp phòng ngừa, và tiếp tục gia hạn quy định đeo khẩu trang tùy tình hình. Đây không phải tin tiêu cực, mà là một phần trong tiến trình chung sống với Covid-19. Trong trường hợp biến chủng mới lây truyền chậm, không vượt qua được các hàng rào miễn dịch, thế giới quay trở lại trạng thái hai tuần trước đây, tiếp tục đối phó với các biến thể và chờ đợi đại dịch kết thúc.

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/cac-chuyen-gia-dua-ra-hai-kich-ban-tich-cuc-va-toi-te-nhat-cho-bien-the-moi-omicron-32988/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY