Kinh tế xã hội hôm nay

Các tỉnh tăng cường chuẩn bị ứng phó siêu bão RAI

(PetroTimes) - Chiều nay (17/12), siêu bão RAI đã đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 9 trong năm 2021 với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Nhiều tỉnh ven biển khẩn trương đưa tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, sơ tán dân...
Tàu thuyền về cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận neo đậu, tránh trú an toàn. Ảnh: NDO

Ngày 17/2, tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu ngành chức năng phối hợp với các địa phương ven biển kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn.... Tỉnh không cho tàu thuyền ra khơi từ 19h ngày 17/12 và tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú.

Đồng thời, tỉnh yêu cầu ngành chức năng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và nhu yếu phẩm cho người dân trên đảo Cồn Cỏ; đảm bảo an toàn lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, không để người ở lại chòi canh, lồng bè khi có gió bão mạnh từ cấp 8 trở lên.

Tỉnh quảng trị hiện có hơn 2.300 tàu thuyền. tất cả chủ tàu thuyền đều đã nhận được thông tin về di hướng di chuyển của bão rai để di chuyển đến nơi an toàn.

Các địa phương, đơn vị theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, sơ tán dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ứng với các hình thế hoàn lưu bão gây gió mạnh, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra

Cùng ngày 17/12, UBND tỉnh Ninh Thuận có Công điện khẩn số 6862/CĐ-UBND chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với cơn bão RAI.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi khai thác và hoạt động trên biển từ 14h ngày 17/12. Các vùng ven biển khẩn trương triển khai hoạt động bảo đảm an toàn lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản trước 16h ngày 17/12; trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh có phương án ứng phó với tình huống bão ảnh hưởng đến địa phương; tổ chức trực 24/24 giờ, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng xử lý mọi tình huống về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu, bảo đảm an toàn dân cư trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận, đến trưa 17/12, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn ngư dân di chuyển hàng trăm tàu thuyền về cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận neo đậu, tránh trú an toàn.

Toàn tỉnh ninh thuận hiện có 2.524 tàu thuyền, đến trưa 17/12 các cơ quan chức năng đã hướng dẫn 2.261 tàu, với 12.852 lao động vào nơi neo đậu tại các khu vực cảng trong tỉnh; đồng thời liên lạc, thông tin cho 263 tàu với 2.162 lao động đang hoạt động trên biển về đường đi của bão rai để hướng dẫn các chủ tàu di chuyển đến nơi tránh trú an toàn.

Trước dự báo siêu bão rai sẽ đổ bộ vào biển đông, tỉnh bạc liêu yêu cầu ubnd các huyện, thị xã, thành phố bạc liêu khẩn trương triển khai theo dõi chặt chẽ, cập nhật thường xuyên diễn biến của bão có khả năng đi vào biển đông, kịp thời thông tin rộng rãi đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương thông báo thường xuyên, kịp thời đến các chủ tàu, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; duy trì thông tin liên lạc với chủ tàu, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển; hướng dẫn cho tàu thuyền neo đậu an toàn khi cập bến, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh để chỉ đạo kịp thời; mở các cột đèn tín hiệu báo bão tại các Đồn Biên phòng và bố trí người trực đảm bảo đèn tín hiệu hoạt động 24/24 giờ để phục vụ tàu thuyền; bắn tín hiệu báo bão theo quy định.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Sở Y tế có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương hướng dẫn các địa phương rà soát các điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong quá trình triển khai ứng phó với bão, đặc biệt là trong trường hợp cần di dời, sơ tán dân.

Tỉnh cà mau cũng đã có công điện chỉ đạo các cấp, địa phương trong tỉnh ứng phó khẩn cấp với siêu bão rai đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, xảy ra vào cuối mùa mưa bão, diễn biến còn rất phức tạp. các địa phương tuyên truyền quyết liệt đến người dân, nhất là ngư dân ở các huyện ven biển nắm rõ thông tin, diễn biến của bão để chủ động ứng phó.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp sở ngành, địa phương các huyện ven biển khẩn trương rà soát, nắm rõ các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển; tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn, kiên quyết không để phương tiện, tàu thuyền hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão.

Tại Trà Vinh, có 1.216 tàu thuyền hoạt động đánh bắt ngoài khơi. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã thông báo đến các chủ tàu cá, chủ động cập nhật thông tin báo bão, kịp thời trú tránh vào nơi an toàn khi bão đổ bộ, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho thuyền viên.

UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ tin cảnh báo, có kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn về người và tài sản, duy trì liên lạc để xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra.

Các địa phương ven biển, ven sông Hậu vừa bị thiệt hại do triều cường đầu tháng 12 vừa qua khẩn trương tổ chức khắc phục hậu quả, rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho các hoạt động thủy sản ven biển, trên biển, thường xuyên kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu để sớm có giải pháp phục hồi, gia cố.

Tỉnh Tiền Giang cũng đang tích cực, chủ động phòng chống bão RAI, bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân. Qua rà soát, tỉnh đã kêu gọi 967 phương tiện với hơn 6.600 ngư dân vào bờ tránh bão. Hiện còn 486 phương tiện với 3.592 ngư dân đang hoạt động trên biển; trong đó có 105 phương tiện với 345 ngư dân đánh bắt ven bờ, số còn lại đang hoạt động trên vùng biển Nam Côn Sơn, khu vực ngư trường Cà Mau - Kiên Giang, Bình Thuận - Cà Mau.

Các ngành chức năng của tỉnh đã liên lạc với tất cả các phương tiện trên, hướng dẫn vào bờ trú bão hoặc áp dụng các biện pháp ứng phó bão phù hợp, an toàn. chi cục thủy sản phối hợp cùng bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh thường xuyên liên lạc, cập nhật kịp thời diễn biến bão rai, đường đi, tốc độ, hướng di chuyển của bão và khuyến cáo các biện pháp ứng phó phù hợp... đến các phương tiện và ngư dân đang hoạt động trên biển.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, chiều nay (17/12), bão rai đã vượt qua phía bắc đảo palawan (philippines) đi vào biển đông, trở thành cơn bão số 9 trong năm 2021. lúc 16h ngày 17/12, vị trí tâm bão ở cách đảo song tử tây khoảng 500km về phía đông đông nam. sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.

Dự báo đến 16h ngày 19/12, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển ngoài khơi Bình Định - Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 15. Từ đêm mai (18/12) đến hết ngày 19/12, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa sẽ có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

T.H

Mạng Y Tế
Nguồn: PetroTimes (https://petrotimes.vn/cac-tinh-tang-cuong-chuan-bi-ung-pho-sieu-bao-rai-636224.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY