Dinh dưỡng hôm nay

Cách bảo quản rau củ trong những ngày Tết, vừa nguyên chất lại không “sinh độc” hại sức khỏe

Cứ mỗi lần Tết đến, việc dự trữ rau củ quả để dùng trong mấy ngày Tết, hầu như chiếm rất nhiều thời gian của các chị em nội trợ từ xưa tới nay. Vì nếu bảo quản rau củ quả trong tủ lạnh không đúng cách có thể gây hại đến sức khỏe.

Phân loại rau củ quả để bảo quản

Chúng ta nên tách riêng trái cây và rau, bảo quản ở những ngăn khác nhau của tủ lạnh và không đóng gói quá chặt, loại bỏ các loại dây buộc hoặc dây cao su mà người bán hàng dùng để buộc rau và gói rau nhẹ nhàng bằng giấy, túi nhựa, túi vải, hoặc đồ đựng làm bằng thủy tinh.

Bởi vì, nếu ta càng để rau gần với các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh, rau sẽ càng héo và thối nhanh hơn. Trái cây được bảo quản cùng một chỗ sẽ chín sớm và làm hỏng các loại rau xung quanh. Đặc biệt là táo, có thể biến các loại rau lá xanh thành lá màu nâu.

Tuy nhiên, cần lưu ý là cà chua sẽ được lưu giữ tốt nhất trong môi trường tự nhiên, bảo quản cà chua trong hộp nhựa sẽ làm cà chua chín và thối nhanh hơn, tránh lưu giữ rau quả trong các loại túi quá kín vì chúng sẽ bị “chết ngạt” và tăng tốc độ thối/hư hỏng.

Đa số các loại rau đều được bảo quản tốt nhất trong ngăn đựng rau của tủ lạnh. Tỏi, hành, hẹ, khoai tây, khoai lang và bí đỏ sẽ được bảo quản tốt nhất trong môi trường mát và tối.

Các loại rau mọng nước như xà lách, rau diếp cá, cải cúc,… thường nhanh bị héo nên cần bọc bên ngoài chiếc túi ni- long có lỗ khí, và kèm thêm ít khăn giấy hay miếng bọt biển bên trong để có tác dụng thấm hút hơi nước, giúp cho rau không bị hư úng.

Củ tươi như khoai tây, củ dền,…nên đựng trong túi giấy khô màu tối, để nơi thoáng mát, không để sát nền đất vì chúng sẽ nảy mầm và gây ngộ độc.

Nhiệt độ bảo quản

Nhiệt độ 1 – 4 độ C là khoảng nhiệt độ phù hợp nhất để bảo quản rau củ quả. Nhiệt độ này ức chế sự sinh trưởng và phát triển của vi khuẩn. Trên 4 độ C, vi khuẩn hoạt động mạnh, sinh sôi làm cho hoa quả nhanh hư hỏng. Dưới 1 độ C, rau quả sẽ bị đông, khi dùng nếu rã đông sẽ làm chúng bị héo nhanh hơn đồng thời vị không còn tươi, ngon như cũ nữa.

Không rửa rau củ trước khi cho vào tủ lạnh

Sau khi mua về bạn nên để nguyên rau củ và không rửa chúng trước khi cho vào tủ lạnh. Chỉ nên rửa trước khi đem ra sơ chế hoặc ăn sống. Vì khi rửa nước sẽ làm tăng độ ẩm của rau củ khiến chúng nhanh hỏng.

Lưu ý thời gian bảo quản của rừng loại rau củ

Nhiều người thường mua rất nhiều đồ và tích trữ trong tủ lạnh rất lâu, nhất là vào dịp tết. Hãy nhớ rằng, tùy từng loại rau củ mà thời gian bảo quản khác nhau. Khi bảo quản các loại thực phẩm này, nên lưu ý thời gian, tránh để quên khiến rau quả bị hư, ảnh hưởng đến các thực phẩm khác, gây mất vệ sinh cho tủ lạnh. Ví dụ:

  • 2-3 ngày: măng tây, cải bắp
  • 3-5 ngày: bông cải xanh, đậu Hà Lan, hành lá, lê...
  • 1 tuần: đậu, súp lơ, dưa chuột, rau lá xanh, tỏi tây, rau diếp, ớt, bí ngô.
  • 1-2 tuần: cần tây.
  • 2 tuần: củ cải, cà rốt, củ cải.

Mua rau củ non

Rau quả non sẽ có nhiều chất dinh dưỡng hơn rau quả đã già. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lá rau khi còn non sẽ có nhiều hoạt chất sinh học và có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn các loại lá già. Điều này cũng đúng với các loại rau họ cải.

Không chất thực phẩm quá đầy trong tủ lạnh

Nếu muốn rau củ được bảo quản tốt thì phải tạo không gian để khí lạnh di chuyển đều khắp tủ lạnh. Vì vậy, nên để thực phẩm vừa đủ và sắp xếp hợp lí để có thể bảo quản tốt rau củ trong tủ lạnh.

Ngoài ra, để tránh sai lầm khi bảo quản rau củ trong tủ lạnh, nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ tủ lạnh để đảm bảo sức khỏe cho gia đình.

Hạn chế sơ chế rau củ trước

Tùy rau, củ như thế nào mà bạn quyết định có nên sơ chế trước hay không. Vì nếu sơ chế như cắt, nhặt, chẻ,… không đúng cách thì dễ làm thực phẩm nhanh chóng bị hư. Đồng thời, theo các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo khá nhiều trên phương tiện truyền thông rằng: việc nhặt, cắt rau sẽ làm cho vi khuẩn nhanh chóng sinh sôi nhiều hơn từ chỗ cắt. Ví dụ:

  • Rau tươi xanh, không nên rửa, cuốn nhẹ vào 1, 2 lớp giấy (vải sạch) để vào ngăn mát tủ lạnh. Cách này giữ được màu sắc và lượng chất dinh dưỡng khoảng 3 – 4 ngày dù có hơi héo một chút.
  • Cà chua, nên chọn trái còn xanh, vì để được lâu trong những ngày Tết. Nếu bạn muốn chúng chín nhanh, thì để gần với một quả chuối hoặc táo từ 1 đến 2 ngày.
  • Một số loại đậu như đậu Hà Lan, ớt Đà Lạt,… có thể rửa sạch, cắt thành từng miếng, rồi nhúng vào nồi nước sôi. Tiếp theo là cho vào thau nước đá thật lạnh để làm giảm nhiệt độ đột ngột. Cuối cùng là cho vào túi hay hộp thực phẩm, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Cách làm này bảo quản được 2 – 3 ngày.

Quỳnh Hoa

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/cach-bao-quan-rau-cu-trong-nhung-ngay-tet-vua-nguyen-chat-lai-khong-sinh-doc-hai-suc-khoe-28602/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY