Cẩn trọng măng khô có chứa hàm lượng lưu huỳnh cao
Trong quá trình sản xuất măng khô, nhiều cơ sở đã xông khí lưu huỳnh (SO2) để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp cho măng. Theo khuyến cáo của WHO, tỷ lệ lưu huỳnh không được vượt quá 20mg/kg sản phẩm. Thế nhưng, vì lợi nhuận mà không ít cơ sở sản xuất vẫn ngó lơ cảnh báo này.
Theo các chuyên gia, sử dụng thực phẩm chứa chất lưu huỳnh có nồng độ cao trong thời gian dài sẽ gây tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản và hệ miễn dịch... Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có nguy cơ bị tổn thương phổi, mắt, thậm chí gây nhiễm độc máu, suy thận,...
Cách chọn mua măng khô an toàn
Để đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra các khuyến cáo về cách chọn măng khô như sau:
- Nên chọn măng còn lưu giữ mùi hương đặc trưng, bởi măng khô sấy bằng lưu huỳnh thường sẽ có mùi khét, không có mùi thơm tự nhiên của măng.
- Măng khô có màu vàng nhạt, xuất hiện màu hổ phách là ngon nhất. Ngược lại, măng khô chứa hàm lượng lưu huỳnh cao sẽ có màu sắc quá bóng loáng hoặc quá xỉn màu.
- Nên chọn măng khô có bề thịt rộng dày, cầm có cảm giác mềm, không có các vết lốm đốm.
- Chọn măng búp đều màu, đốt ngắn, không có xơ.
- Chỉ nên mua măng khô được bảo quản tỏng túi nilong, có nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Cách loại bỏ độc tố trong măng khô
- Trước khi sử dụng, măng khô cần rửa sạch rồi ngâm ngập nước bằng nước ấm hoặc nước vo gạo. Ngâm 2-3 đêm và thay nước hàng ngày cho măng nở và trắng.
- Khi luộc măng cho nước ngập măng, luộc vài lần cho đến khi nước luộc măng trắng thì dừng. Trong khi luộc nên mở nắp nồi để độc tố bay hơi hết. Sau khi luộc xong, vớt măng ra rửa bằng nước lạnh cho sạch.
- Măng không sử dụng hết hãy đậy kín, để ở ngăn mát tủ lạnh trong 1 tuần hoặc 1 tháng đối với ngăn đá.
Những người nên hạn chế ăn măng khô
Người đau dạ dày
Những người đau dạ dày không nên ăn nhiều măng khô, bởi trong loại thực phẩm này có chứa lượng lớn axit cyanhydric. Axit này sau khi được hấp thụ với lượng lớn có thể gây ra viêm loét dạ dày và trở thành bệnh mãn tính nếu ăn trong thời gian dài.
Người mới ốm dậy
Những người mới ốm dậy, sức đề kháng vẫn còn yếu nên khả năng chống độc còn kém, trong khi đó măng khô lại chứa một lượng glucoxit nhất định. Đối với người khỏe mạnh, glucoxit không gây hại cho cơ thể nhưng khi sức khỏe yếu, glucoxit phân hủy với men tiêu hóa và chất chua trong dạ dày dễ dẫn đến tình trạng nôn mửa.
Người bị bệnh gút
Măng khô là một trong những thực phẩm làm gia tăng tốc độ tổng hợp axit uric trong cơ thể, khiến bệnh gút trầm trọng hơn. Vì vậy, những người bị bệnh gút nên hạn chế ăn măng khô.
Người bị bệnh thận
Lượng canxi và axit cao trong măng không có lợi đối với người bị bệnh thận. Bởi ăn quá nhiều măng khô có thể gây ảnh hưởng đến thành mạch máu, từ đó làm tổn hại đến thận. Thậm chí, ăn măng khô thường xuyên trong thời gian dài còn có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như huyết áp cao, đái tháo đường.
Hà Phương
Theo Tạp chí Sống khỏe
Chủ đề liên quan: