Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Cách phòng tránh say nắng khi đi chơi trong dịp lễ 30/4 - 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 rơi vào khoảng thời gian đầu hè, thời tiết khá oi bức nên nguy cơ say nắng rất dễ xảy ra. Bạn cần biết những cách phòng tránh say nắng này để có kỳ nghỉ tuyệt vời nhé.

1. Không hoạt động quá lâu dưới trời nắng

Phơi nắng quá lâu ngoài trời là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng say nắng. Vì thế cách tốt nhất để phòng tránh là bạn không nên hoạt động nhiều giờ liên tục dưới ánh nắng, nhất là khoảng thời gian buổi trưa, khi ánh nắng gay gắt nhất.

Nếu tham gia các hoạt động ngoài trời, bạn cần trang bị đầy đủ mũ nón, ô dù, mặc quần áo thoáng mát với chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.

Ảnh minh họa

2. Uống thật nhiều nước

Nắng nóng cộng thêm việc hoạt động nhiều sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh chóng và khiến bạn dễ gặp phải tình trạng say nắng hơn.

Vì thế, khi đi chơi ngoài trời trong ngày nắng, bạn nên nhớ luôn mang theo nước bên mình để uống khi cần thiết. Ngay cả khi chưa cảm thấy khát bạn vẫn nên uống đủ nước nhé.

Một lưu ý quan trọng là, nếu cảm thấy nóng bức hoặc vừa hoạt động ra nhiều mồ hôi thì bạn không nên uống nước đá lạnh. Bởi như vậy cơ thể dễ bị sốc nhiệt dẫn tới cảm, rất nguy hiểm.

3. Trú vào bóng râm khi thấy cơ thể mệt mỏi

Nếu bạn cảm thấy cơ thể trở nên mệt mỏi sau những hoạt động ngoài trời thì hãy nhanh chóng tìm một nơi râm mát để nghỉ ngơi.

Như vậy cơ thể sẽ có thời gian điều chỉnh và phục hồi. Tránh trường hợp cố gắng tham gia hoạt động quá mức có thể dẫn tới nguy cơ say nắng, ngất xỉu hoặc kiệt sức.

4. Làm mát cơ thể

Sau khi tham gia các hoạt động, bạn nên làm mát cơ thể bằng việc rửa tay chân hoặc tắm với nước sạch. Việc này sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn rất nhiều đấy.

Tuy nhiên, cần lưu ý tuyệt đối không tắm khi cơ thể đang ra nhiều mồ hôi hoặc nóng bức để tránh bị cảm đột ngột.

5. Không dùng nhiều chất kích thích hoặc đồ uống có cồn

Việc sử dụng các chất kích thích hay đồ uống có cồn trong những chuyến đi chơi ngoài trời sẽ làm tăng nguy cơ say nắng của bạn.

Bởi những chất này sẽ khiến cơ thể giảm khả năng chống chịu với thời tiết. Vì thế tốt nhất bạn không nên dùng hoặc hạn chế một cách tối đa.

6. Chú ý tới loại thuốc đang sử dụng

Một số loại thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị huyết áp hay thuốc dị ứng có thể khiến cơ thể giảm khả năng điều chỉnh thân nhiệt, dẫn tới bạn dễ bị say nắng hơn.

Nếu đang sử dụng những loại thuốc này, bạn cần lưu ý tránh hoạt động dưới nắng quá lâu hoặc vận động mạnh liên tục khi trời nóng bức.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/cach-phong-tranh-say-nang-khi-di-choi-trong-dip-le-304--15-25446/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY