Trẻ nhỏ hay bị tắc đường thở do sặc dị vật, hoặc sặc bột .
Với trẻ nhỏ thường là
sặc bột vì trẻ mới bắt đầu ăn bổ sung, phản xạ nhai và nuốt những thức ăn đặc là chưa thích nghi vì trước đó trẻ toàn ăn sữa (lỏng dễ nuốt). Khi cho trẻ ăn, có thể trẻ đang ngậm bột mà khóc, la hét hay hoảng sợ, cũng có thể ngậm bột trong khi chơi đùa, cười rồi bị ho sặc sụa, hoặc người lớn trong khi cho ăn hay cưỡng ép trẻ như bịt mũi để trẻ há miệng rồi đẩy sâu thìa bột vào miệng trẻ...
Dấu hiệu nhận biết Bột, cháo xay nhuyễn có độ quánh cao, khi sặc dị vật rơi vào đường thở tới thanh môn sẽ gây phản xạ co thắt thanh quản gây ho rũ rượi và khó thở tím tái, chân tay cứng đờ, trẻ không thể khóc, chỉ ú ớ, có thể co giật, nôn ra dịch. Phải xử lý ngay khi mới có phản xạ co thắt thanh quản nhẹ như ho rũ rượi và khó thở. Trường hợp nặng có thể tràn dịch qua mũi...
Cách xử lý Bước 1: Bế trẻ lên ngay rồi đặt nằm sấp trên một cánh tay, dùng bàn tay đỡ đầu và cổ trẻ hoặc đặt lên đùi, chú ý để đầu trẻ thấp hơn lồng ngực. Một tay dùng lòng bàn tay vỗ mạnh 5-7 cái vào lưng trẻ chỗ giữa hai xương bả vai khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng để tống đẩy dị vật ra ngoài.
Bước 2: Nếu trẻ vẫn tím tái phải lật trẻ nằm ngửa bằng cách đỡ đầu trẻ và kẹp giữa hai đầu gối, đầu trẻ thấp hơn thân. Dùng hai ngón tay chỏ và giữa của bàn tay phải ấn mạnh vùng dưới xương ức 5 lần. Quan sát vùng mũi họng nếu có dịch thì hút sạch để không ứ đọng trong mũi và miệng trẻ. Vùng dưới xương ức là vùng mềm khi ấn xuống sẽ lõm vào.
Bước 3: Nếu dị vật chưa rơi ra, tiếp tục lật người trẻ lại để vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng - ấn ngực cho đến lúc dị vật rơi ra khỏi đường thở, nếu không kịp thời, bột rơi vào phổi gây nhiễm khuẩn phổi thứ phát hay viêm phế quản.Trong khi xử lý bước 1, tùy tình trạng dị vật gây sặc, nếu thấy trẻ vẫn không đỡ, cần gọi cấp cứu y tế ngay, càng sớm chừng nào càng tốt chừng ấy. Trong khi chờ đợi xe cấp cứu vẫn tiếp tục xử lý tiếp các bước sau.
BS. Phạm Thị Thục