Tăng huyết áp, yếu xương vì dùng nhiều
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, 35 tuổi ở Q.1, Tp.HCM, nghi bị viêm gan virus do có các dấu hiệu vàng da, tiểu vàng. Nghe nói cam thảo có tác dụng giúp bảo vệ gan, giải độc tố... nên chị mua cam thảo về nấu nước uống. Nhưng uống liên tục được 2 tháng, chị lại thấy dấu hiệu mệt mỏi gia tăng. Một lần chị thấy choáng váng, khi đo huyết áp thấy chỉ số tăng lên 165/100mmHg. Khi đi khám bệnh, chị được bác sỹ Đông y khuyên nên giảm ngay lượng cam thảo xuống.
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Việt Nam cho biết, ngày càng có nhiều gia đình sử dụng cam thảo làm nước uống hàng ngày hoặc trộn cam thảo với lá vối, nụ vối, các loại trà thảo dược mà không biết bản thân cam thảo cũng có rất nhiều tác dụng phụ.
Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu phát hiện ra hoạt chất acid glycyrrhizic (AG) trong cam thảo có thể gây ra các triệu chứng nhiễm độc như nhức đầu, uể oải, giữ nước và natri, tăng bài tiết kali và đôi khi dẫn đến tim ngừng đập. Phụ nữ dùng nhiều cam thảo sẽ có nguy cơ bị cao huyết áp dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, việc hấp thu nhiều AG trong cam thảo sẽ gây sụt giảm kali, dẫn đến xương yếu, dễ gãy.
Tương tự, GS.TS Hoàng Bảo Châu, Nguyên Giám đốc BV Y học cổ truyền Việt Nam cho biết, cam thảo ngoài tác dụng chính là giải độc còn có vai trò điều hòa tác dụng của các vị thuốc theo mong muốn của thầy thuốc. Tuy cam thảo có độ độc rất thấp, nhưng dùng lâu có thể tích lũy độc tố sinh phù thũng và tăng huyết áp.
Cẩn thận mất “giống”
Đặc biệt khi nam giới dùng cam thảo còn phải đối mặt thêm với nguy cơ giảm khả năng làm cha. Nguyên nhân là hoạt chất glycyrrhizine (AG) có thể làm giảm lượng nội tiết tố nam testosteron, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống tình dục và chất lượng tinh binh.
Thí nghiệm của Ủy ban châu Âu trên 20 nam giới khỏe cho thấy: những người dùng chiết xuất từ 1,3g rễ cam thảo khô mỗi ngày (tương đương với 400mg AG) trong 10 ngày thì lượng testosteron giảm đáng kể so với người bình thường. Vì thế, theo khuyến cáo của các nhà khoa học, nam giới không nên tiêu thụ quá 100mg AG mỗi ngày (tương đương 0,3g rễ cam thảo khô).
Những người bị rối loạn chức năng gan, yếu thận, cao huyết áp, mang thai, trướng bụng thì không nên dùng cam thảo. Những đối tượng đang uống thuốc khác cần phải hỏi bác sỹ nếu muốn dùng vì cam thảo có thể giảm tác dụng của thuốc |
Hà Tường
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: