Tiếp chuyện chúng tôi, BS. Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng Khoa Lâm sàng I, Bệnh viện Da Liễu, Tp.HCM cho biết: “Gần đây, chúng tôi cũng vừa điều trị một trường hợp dị ứng thuốc Đông y gây sưng phù mặt. Bệnh nhân là một phụ nữ đứng tuổi. Vì tóc bạc nên bác ấy đi nhuộm nhưng không ngờ lại bị dị ứng da đầu gây ngứa ngáy. Để đầu hết ngứa, bác ấy đã dùng bài thuốc đậu đen, hà thủ ô, ngưu tất. Theo lời kể, bác ấy để đậu đen trên hà thủ ô và ngưu tất rồi hấp cách thủy 9 lần rồi đem phơi và nghiền ra uống. Nhưng chưa đến công đoạn đó thì bác ấy đã dùng nước hấp bôi lên mặt vì thấy nó… thơm khiến mặt bị sưng húp, tấy đỏ”.
Truy tìm nguyên nhân dị ứng
Nói về nguyên nhân khiến số ca dị ứng Đông y đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, BS. Trần Thị Thanh Thủy cho biết: Tâm lý người bệnh nói chung đếu không muốn đến thầy thuốc thăm khám nhưng lại muốn mau hết bệnh. Vì vậy, khi nghe nói có bài thuốc trị được bệnh giống bệnh của mình, họ dùng ngay và không cần biết nó có hợp với mình hay không. Nhưng vì yếu tố thời gian và những biến động lịch sử, nên những bài thuốc Đông y thường dùng, có khá nhiều bài do dân gian truyền miệng với ít nhiều sai lệnh. Chính thế mới có hiện tượng cùng dùng một bài thuốc chữa một chứng bệnh tương đồng, nhưng người thì hết người thì không mà còn bị dị ứng.
Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến dị ứng thuốc Đông y còn là do người bệnh dùng không đúng cách, không đúng liều lượng và do quá trình sơ chế thuốc tại các phòng khám không đảm bảo yêu cầu như, khi cắt thuốc, người ta dùng thớt và dao không đảm bảo vệ sinh hoặc bụi bẩn, nấm mốc… khiến thuốc bị nhiễm độc gây hại cho người dùng.
Để làm sáng tỏ thên nguyên nhân gây dị ứng của thuốc Đông y, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Y học Dân tộc Cổ truyền Tp.HCM, BS. Trần Thị Thu Liễu nhấn mạnh: “Trong Đông y, khâu giữ gìn và bảo quản thuốc rất quan trọng. Chỉ cần bị nhiễm bụi trong không khí cũng đủ khiến các vị thuốc Đông y gây dị ứng chứ chưa kể những nhân tố khác. Nếu không bảo quản tốt thì quá trình đó dễ phát sinh các loại nấm mốc độc hại làm cho thuốc bị biến chất, nó không còn tác dụng điều trị nữa mà phát sinh thêm nhiều tác dụng phụ, thậm chí có thể gây suy thận cấp chết người”.
Làm gì khi bị dị ứng thuốc Đông y?
Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Y học Dân tộc Cổ truyền Tp.HCM, bác sĩ Trần Thị Thu Liễu cho biết: Ngày xưa người ta quan niệm uống thuốc Đông y lành, không gây dị ứng nhưng thực tế không phải vậy. Thuốc dùng để trị bệnh không phải muốn uống là uống. Trị bệnh thì phải có liều lượng. Liều lượng đó phải do thầy thuốc quyết định. Cho nên, khi có bệnh thì người dân nên tìm đến thầy thuốc để có sự chỉ dẫn. Cho dù uống đúng liều lượng nhưng hiệu quả của thuốc còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, do đó, cần có bác sĩ theo dõi quá trình điều trị.
Trong thuốc Đông y có những bài thuốc kinh nghiệm. Nó là kinh nghiệm của một nhóm người nào đó. Khi họ dùng, họ thấy có hiệu quả nên truyền lại. Vẫn còn nhiều bài thuốc chưa kinh qua những nghiên cứu khoa học để chứng minh sự hiệu nghiệm. Do đó, khi dùng thì người bệnh không biết nó có tác dụng phụ nào không. Ví dụ: vị thuốc Ô đầu phụ tử là vị thuốc rất hay trong Đông y dùng để hồi dương cứu nghịch nhưng phải dùng đúng liều. Nếu được sao chế đúng, dùng đúng liều lượng thì nó cứu người nhưng nếu dùng không đúng thì nó có thể gây chết người.
BS. Trần Thị Thu Liễu cũng lưu ý một điều quan trọng là, không phải chỉ có thuốc Tây và Đông mới kỵ nhau như mọi người vẫn hiểu. Mà kể cả một số loại thuốc Đông y vẫn có tác dụng tương kỵ nhau. Chỉ có người bắt mạch, kê toa mới biết vị thuốc đó bệnh nhân uống được hay không, dùng như thế nào là có hiệu quả mà thôi.
Vì vậy, muốn điều trị bằng thuốc Đông y thì người bệnh cần tìm đến bác sĩ và các bệnh viện về Đông y uy tín. Các bác sĩ sẽ chuẩn đoán đúng bệnh và có những hiểu biết về tác dụng điều trị của từng loại thuốc để tránh dị ứng.
Ảnh minh họa |
Bác sĩ Trần Thị Thu Liễu đưa ra lời khuyên bạn cần làm khi bị dị ứng thuốc Đông y:
- Nếu bệnh nhân uống thuốc Đông y mà cảm thấy khó chịu, bị buồn nôn, chóng mặt, nổi mề đay, hay đỏ da lên và bị ngứa… thì ngay lập tức ngưng uống thuốc và phải uống nước đậu xanh đã nấu cho giải thuốc.
- Nếu mới uống vào mà bị ngay thì có thể móc họng cho người bệnh ói thuốc ra. Cách này chỉ có thể dùng cho người trẻ hoặc người có sức, không nên áp dụng cho người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em.
- Khi bị dị ứng Đông y, người bệnh có thể uống nước chanh đường (nếu không bị tiểu đường), để giải bớt thuốc. Sau đó, người nhà nên chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế tin cậy.
- Nếu người bệnh bị ngạt, khó thở, phù nề niêm mạc thanh quản hay đường hô hấp thì phải chuyển gấp đến bệnh viện ngay.
Cảnh giác trước các biểu hiện Biểu hiện của dị ứng thuốc Đông y thường là: - Bị sưng phù và có nhiều mụn nước trên người. - Bị ngứa ngáy, đau nhức xương khớp. - Da phát ban do thuốc thì trên thân người sẽ có những sẩn đỏ gây ngứa. Dị ứng thuốc Đông y có thể ảnh hưởng đến tổng trạng làm bệnh nhân sốt, lở môi, miệng, mắt gây đau đớn, không ăn uống được. |
N.N
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: