Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu não? Liệu có biện pháp nào giúp phòng ngừa và điều trị thiếu máu lên não hay không? Hãy cùng Sức khỏe Gia đình tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1. Bệnh thiếu máu não là gì?
Não được cung cấp máu bởi 2 cặp động mạch: động mạch đốt sống thân nền và động mạch cảnh trong. Sau khi 2 cặp động mạch hợp nhau thành đa giác ở đáy não chia ra các động mạch não trước, não giữa, não sau để cung cấp máu cho tổ chức não. Vì vậy, khái niệm bệnh thiếu máu não rất đa dạng.
Nhưng nhìn chung, thiếu máu não là hiện tượng giảm lưu lượng máu đến não, dẫn tới giảm cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng nuôi não làm cho tế bào não (tế bào thần kinh) thiếu năng lượng để hoạt động. Từ đó làm ảnh hưởng đến cấu trúc, sự tồn tại, phát triển và ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh trung ương có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm.
Bạn biết không, tuy não bộ chúng ta chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng được cung cấp một khối lượng máu rất lớn (có khoảng 15% tổng khối lượng máu từ tim đi ra) và não bộ tiêu thụ 20% tổng lượng oxy trong máu, sử dụng đến 25% lượng đường glucoza để sinh năng lượng cung cấp cho các tế bào thần kinh hoạt động. Vì vậy, khi não bị thiếu máu, mọi hoạt động thần kinh của não bộ sẽ bị suy giảm ngay tức khắc.
Như vậy điều trị thiếu máu não cần đi theo hướng tăng tuần hoàn máu não, bao gồm cả phòng chống tắc nghẽn và gia tăng lưu lượng máu trong mạch bên cạnh việc bồi bổ và hồi phục các tế bào não bị tổn thương.
Thiếu máu não là hiện tượng giảm lưu lượng máu đến não, dẫn tới giảm cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng nuôi não làm cho tế bào não thiếu năng lượng để hoạt động - (Ảnh minh họa) |
2. Nguyên nhân gây thiếu máu não là gì? Thiếu máu não có phải do di truyền?
Thiếu máu não không phải là một căn bệnh mang tính di truyền mà có liên quan đến tiền sử bệnh trong gia đình do ảnh hưởng từ lối sống, chế độ ăn uống…Cụ thể, có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu não như:
- Huyết áp thấp do tim không đủ sức bơm máu.
- Rối loạn tiền đình
- Viêm xoang
- Tiền mãn kinh (phụ nữ)
- Thoái hóa đốt sống cổ (làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não của động mạch thân nền)
- Xơ vữa động mạch (do tăng mỡ máu kéo dài)
- Hẹp động mạch cảnh làm hạn chế rất lớn đến lượng máu đi lên não (trong bệnh tai biến mạch máu não, có tới 25 - 30% là do hẹp động mạch cảnh. Hẹp động mạch cảnh gặp chủ yếu ở người cao tuổi vừa do bị lão hóa vừa do xơ vữa bởi mỡ bám lên thành mạch và phát triển gây hẹp tại chỗ hoặc mảnh xơ vữa bong tróc ra đi theo dòng máu lên não gây lấp mạch não đưa đến tai biến mạch máu não).
- Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, giờ giấc sinh hoạt không điều độ hay cuộc sống có quá nhiều căng thẳng.
- Lối sống thụ động, không khoa học như ăn nhiều thức ăn nhanh, thức khuya, lạm dụng rượu bia, chất kích thích
- Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân đáng chú ý nhất của thiếu máu não, đặc biệt là người có tuổi.
3. Biểu hiện sớm nhất của thiếu máu não?
Thiếu máu não thường gặp ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi (có khoảng 2/3 số người đứng tuổi mắc căn bệnh này và 75% trường hợp người bệnh trên 60 tuổi). Bên cạnh đó, nam giới có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu não cao hơn nữ giới.
Các triệu chứng của tình trạng thiếu máu não rất hay gặp trong cuộc sống hàng ngày nhưng dễ bị bỏ qua, chủ quan xem thường.
- Thường xuyên bị đau đầu: Lúc đầu cơn đau xuất hiện ở một vị trí cố định, sau đó lan ra khắp đầu, đôi khi, cơn đau đầu dữ dội tới mức không thể tập trung làm việc hoặc ngủ không ngon giấc rất dễ dẫn đến mất ngủ triền miên gây mệt mỏi và gây nặng đầu nhất là khi mới ngủ dậy hay khi phải di chuyển.
- Mất ngủ: Người bị thiếu máu não rất hay gặp phải các vấn đề về giấc ngủ. Vì mất ngủ triền miên nên người bệnh luôn cảm thấy chán nản và mệt mỏi, không có hứng thú và tinh thần để làm việc. Tính khí hay gắt gỏng, thờ ơ với mọi thứ xung quanh và rất dễ bị kích động.
- Hoa mắt chóng mặt, ù tai, choáng váng,mất thăng bằng, đi lại khó khăn, dễ bị ngã. Vì thế, khi cảm thấy chóng mặt, đứng không vững nữa, người bệnh hãy dựa ngay vào đâu đó. Khi không có chỗ bám thì hãy ngồi thụp xuống, tránh để bị mất thăng bằng không tự chủ, không kiểm soát được rất dễ bị ngã ra đằng sau, đặc biệt là người già, ngã như vậy rất nguy hiểm gây ra các chấn thương về xương khớp hoặc sọ não.
- Suy giảm trí nhớ: Thiếu máu não có thể gây đau đầu, mất ngủ kéo dài làm cho người bệnh giảm trí nhớ, thậm chí có thể mất trí nhớ tạm thời (nhầm lẫn đường đi, để quên đồ vật, quên ngày tháng…).
- Tê bì, nhức mỏi đầu ngón tay, ngón chân (hoặc đau mỏi vùng vai, gáy) có cảm giác râm ran như kiến bò dưới da.
- Ngoài ra, có nhiều biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật (tim đập nhanh, rối loạn huyết động, cơn bốc hỏa…).
- Đối với người trẻ tuổi, tình trạng thiếu máu não thường chỉ thoáng qua do rối loạn khu trú nhất thời tại não và được gây ra bởi bệnh lý mạch máu. Cơn thiếu máu não thoáng qua thường tự biến mất trong vòng 24 giờ nên nhiều người không chú ý đến.
Khi thấy bản thân xuất hiện hai trong số những dấu hiệu nhận biết thiếu máu não như vừa kể trên, bạn cần nghĩ đến mình bị thiếu máu não và đi thăm khám, đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Các triệu chứng của tình trạng thiếu máu não rất hay gặp trong cuộc sống hàng ngày nhưng dễ bị bỏ qua, chủ quan xem thường. - (Ảnh: Healthy) |
4. Các biến chứng của thiếu máu não
Nếu không phát hiện và điều trị điều trị sớm, tích cực, thiếu máu não có thể phát triển thành thiếu máu não mạn tính. Khi đó, bạn sẽ gặp nhiều triệu chứng nặng nề hơn như xơ hóa não, động kinh, Parkinson...
Nếu xảy ra trong thời gian dài có thể dẫn đến tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ). Đột quỵ não là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch, ung thư và được xếp đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật (tỉ lệ tử vong từ 20 - 30%), nếu qua khỏi thường để lại di chứng nặng nề (lú lẫn), liệt, đi lại rất khó khăn, chậm chạp, đại tiểu tiện không tự chủ.
Ngoài ra, một số biến chứng nghiêm trọng khác cũng có thể xảy ra bao gồm:
- Rối loạn giấc ngủ. Người bệnh thường xuyên bị mất ngủ vào nửa đêm, khó ngủ hoặc hay tỉnh giấc, thường xuyên buồn ngủ nhưng không ngủ sâu được, hay bị giật mình.
- Suy giảm khả năng tư duy. Khi bị thiếu máu não, bạn sẽ dễ cảm thấy đau đầu khi phải suy nghĩ hay làm những việc đòi hỏi tư duy trí óc. Những lúc đọc sách, tính toán thường lên cơn đau đầu và suy nghĩ không có hiệu quả.
- Xuất huyết não. Động mạch máu não có thể bị vỡ do suy yếu khiến máu chảy bên trong khoang sọ (xuất huyết não). Người bệnh có khả năng bị mất ý thức và chức năng của não cũng bị ảnh hưởng do áp lực máu lên khoang sọ tăng lên. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong.
5. Điều trị thiếu máu não
Điều trị thiếu máu não thường dựa trên nguyên tắc tăng cường tuần hoàn máu não, khai thông các động mạch não để máu lưu thông một cách dễ dàng và cung cấp đầy đủ oxy, dưỡng chất cho tế bào não.
Các bác sĩ thường chẩn đoán tình trạng thiếu máu não thông qua các triệu chứng mà người bệnh gặp phải hoặc làm thêm các xét nghiệm hình ảnh như chụp MRI, CT. Sau khi có kết quả chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị thích hợp. Bác sĩ cũng có thể chỉ định một số thuốc làm tan huyết để phá vỡ cục máu đông hoặc thuốc tăng cường tuần hoàn. Để phòng ngừa các biến chứng, bác sĩ cũng có thể kê thêm cho bạn một số thuốc như chống kết tập tiểu cầu (aspirin).
6. Bí quyết phòng ngừa bệnh thiếu máu não
Để phòng ngừa thiếu máu não, cách tốt nhất chính là bạn nên chú ý cải thiện lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao. Cụ thể:
Ăn uống khoa học sẽ cung cấp đầy đủ các nguyên liệu tạo máu, cải thện tình trạng thiếu máu não - (Ảnh:Pbc) |
- Thiết lập giờ giấc sinh hoạt, làm việc hợp lý, không thức quá khuya.
- Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao như dưỡng sinh, đi bộ, khí công, yoga, thái cực quyền, luyện thở, đi bộ, chơi cầu lông… để cung cấp thêm dưỡng khí cho não cũng như toàn thân, giải tỏa stress.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế tiêu thụ các sản phẩm từ động vật, bổ sung nhiều đạm thực vật, rau xanh và trái cây.
- Cố gắng cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giải tỏa căng thẳng, áp lực bằng nhiều cách khác nhau.
- Ăn uống khoa học để cung cấp đầy đủ các nguyên liệu tạo máu, ưu tiên bổ sung các nguyên tố vi lượng, protein, vitamin, sắt. Ăn thêm một lượng thích hợp các loại thịt, gan, trứng, sữa, vừng…
- Hạn chế ăn các loại chất béo động vật, hạn chế ăn mỡ, lòng, da gà vịt, phủ tạng động vật, thực phẩm chiên rán l
- Không uống rượu, cà phê, trà đặc, hút thuốc để tránh bị mất ngủ.
- Khi bị bệnh có nguy cơ gây thiếu máu não cần tích cực điều trị không chủ quan, xem thường (thoái hóa đốt sống cổ, viêm xoang, mỡ máu cao, tăng huyết áp) và khám bệnh theo định kỳ.
Tóm lại, dù ở bất cứ độ tuổi nào bạn cũng không nên chủ quan với căn bệnh thiếu máu não. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và được chẩn đoán chính xác nhé!
Ngọc Duyên
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: