Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Canxi- thừa thiếu đều khổ, bổ sung sao cho đúng?

Thừa cũng khổ mà thiếu cũng khổ và không phải cứ “nhét nàng ta” vào cơ thể là hấp thụ được.

Vai trò của canxi

Canxi là khoáng chất có nhiều nhất trong cơ thể, với 99% tập trung ở xương và răng. Số lượng còn lại, tuy chỉ là 1% có mặt trong chất lỏng và mô tế bào mềm. Nhiệm vụ chủ yếu của canxi là phối hợp với sinh tố D để cấu tạo thành bộ xương và hàm răng vững chắc.

Ngoài ra, canxi có các công dụng sau đây:

- Canxi (trong máu) giúp duy trì huyết áp và nhịp tim đập bình thường.

- Canxi có vai trò quan trọng trong sự đông máu, ngăn ngừa băng huyết khi mạch máu bị tổn thương.

- Điều hòa sự co bóp của bắp thịt, đặc biệt là tế bào tim.

- Giúp hấp thụ sinh tố B12 trong ruột.

- Hỗ trợ sự phân phát, thu nhận và dẫn truyền tín hiệu thần kinh.

- Canxi cũng cần trong việc sản xuất một số kích thích tố như insulin.

- Giảm sự tích tụ mỡ ở bụng.

Ảnh minh họa

Hạ canxi trong máu

Chị Huyền Trang (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) vừa sinh con được ba tháng, các cụ nhà chị bắt kiêng cữ rất kỹ, không cho hai mẹ con ra ngoài. Thời gian gần đây bé bị ra nhiều mồ hôi (nhất là vùng đầu, gáy); có dấu hiệu rụng tóc, khi ngủ hay giật mình và quấy khóc nhiều giờ đến nỗi mặt tím tái, khó thở. Gia đình lo sợ quá mới đưa bé đi khám bác sĩ.

Mọi người đều giật mình khi bác sĩ thông báo bé thiếu canxi nặng. Đây là tình trạng thường gặp của trẻ sau sinh ở nước ta. Mặc dù chế độ ăn của mẹ rất đầy đủ nhưng do mọi người thường để hai mẹ con ở cữ trong phòng kín, không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thiếu vitamin D dẫn đến hạ canxi trong máu.

Do đó cần phải ăn nhiều chất tăng cường canxi và tắm nắng 30 phút mỗi ngày cho đến khi trẻ biết đi nếu không lâu dài sẽ ảnh hưởng đến xương, gây còi xương, biến dạng xương, gù vẹo cột sống, lưng gù, chân cong...

Thực tế, không chỉ trẻ con mà cả người lớn đều có thể bị hạ canxi, với tâm lý nhiều gia đình cho rằng mình đã ăn đủ chất rồi nên chắc đã đủ canxi, nhưng thực ra có rất nhiều yếu tố làm giảm sự hấp thụ “cô nàng” này trong cơ thể như:

- Khi uống nhiều rượu, thuốc lá, cà phê, nước trà (tannin trong trà làm giảm hấp thụ canxi ở ruột).

- Thiếu axit trong dịch vị bao tử và thiếu vitamin D.

- Ăn nhiều chất béo (vì canxi sẽ bám vào chất béo không hòa tan và theo phân ra ngoài.

- Không vận động cơ thể.

- Trạng thái tâm lý căng thẳng.

- Thực phẩm có nhiều chất xơ.

- Một số dược phẩm như steroid, thuốc chữa bệnh hen suyễn, viêm khớp, vẩy nến; dạ dày.

- Các bệnh tiểu đường, cường tuyến giáp.

- Giảm estrogen khi phụ nữ ở tuổi mãn kinh.

Bổ sung canxi sao cho đúng

Khi bị thiếu canxi, nhiều người cố gắng tầm bổ calci bằng thực phẩm tự nhiên, nhưng bên cạnh đó một số người lại dùng thuốc uống dạng viên hoặc canxi dạng nước để cơ thể hấp thụ nhanh hơn. Do đó, đa số mọi người lúng túng không biết dùng thế nào cho hợp lý.

Lượng canxi cần đưa vào cơ thể mỗi ngày là:

- Từ 9-18 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú: 1.300mg

- Người từ 19-50 tuổi: 1000mg.

- Từ 51 tuổi trở lên: 1.200mg.

Bạn có thể các sản phẩm bổ sung canxi bất kỳ khi nào, nhưng lưu ý là cơ thể hấp thụ canxi tốt nhất ở mức độ dưới 500mg. Vì vậy, nên chia số lượng canxi định uống làm nhiều lần trong ngày. Ví dụ như nếu bạn đã uống một cốc sữa chua, uống một ly nước cam vào buổi sáng (có khoảng 500mg canxi), thì nên các sản phẩm bổ sung calci vào buổi trưa.

Trên thị trường có nhiều loại sản phẩm canxi với hàm lượng khác nhau, do đó bạn nên mua loại của nhà sản xuất uy tín, có ghi rõ liều lượng để tránh khi uống quá nhiều dẫn đến thừa canxi có thể gây sỏi thận, tiết niệu, xương cốt hóa sớm làm trẻ bị lùn.

Loại canxi phổ biến nhất là loại canxi carbonate và canxi citrate. Canxi carbonate cần được uống chung với thực phẩm để tránh khó chịu dạ dày. Loại này có nồng độ calci cao và giá tiền tương đối rẻ.

Lưu ý: Những người không nên bổ sung canxi: Người mắc chứng tăng năng tuyến cận giáp, bệnh nhân thận mạn tính hoặc sỏi thận (vì muối canxi phosphat có thể lắng đọng ở các phế nang, ống thận, tuyến giáp, niêm mạc dạ dày, vách mạch máu. Nếu sự lắng đọng này nhiều dễ gây nguy hiểm đến tính mạng). Hoặc người bị ung thư tuyến tiền liệt.

Còn loại canxi citrate có thể uống khi chưa ăn. Nồng độ canxi trong viên này thấp hơn, khoảng 300mg và viên thuốc thường to hơn nên khó nuốt. Khi uống canxi bổ sung, thông thường bạn vẫn có thể uống chung nó với các thuốc chữa bệnh khác.

Tuy nhiên, canxi có thể tương tác với vài loại dược phẩm như: kháng sinh tetracycline, thuốc trị bệnh tuyến giáp... cho nên phải uống cách xa nhau một khoảng thời gian. Vì vậy, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ mỗi khi uống thêm thuốc trị bệnh mới.

Nhiều người than phiền khi dùng thêm canxi dễ bị táo bón, nhưng không phải tất cả các loại canxi đều gây táo bón. Canxi citrtate được coi là loại ít gây táo bón vì được tiêu hóa dễ dàng, nhưng giá tiền hơi cao. Ðể tránh táo bón, bạn nên uống nhiều nước và ăn nhiều thực phẩm có chất xơ, chia canxi ra làm hai ba liều nhỏ, uống nhiều lần trong ngày.

Ngày nay các loại canxi được dùng phổ biến là dạng dung dịch uống và dạng sủi bọt, ví dụ: Canxi glucoheptonat, Tricalciphosphat … dạng viên có thêm Canxi Lactat pentahydrat cũng được người tiêu dùng chọn lựa. Đặc biệt, có Canxi glycerophosphat là loại canxi được Tổ chức Y tế thế giới khuyên dùng vì rất ít nguy cơ tạo sạn trong nội tạng cơ thể, hấp thu tốt cho việc bổ sung hoặc điều chỉnh lượng canxi trong điều trị.

Những thức ăn nhiều canxi nhất (trong 100g)

1. Thức ăn thực vật

Tên thực phẩm

Canxi (mg)

1. Mè (đen, trắng)

1200

2. Nấm mèo

357

3. Cần tây

325

4. Rau răm

316

5. Cần ta

310

6. Rau dền

288

7. Lá lốt

260

8. Rau kinh giới

246

9. Rau húng

202

10. Thìa là

200

2. Thức ăn động vật

Tên thực phẩm

Canxi (mg)

1. Cua đồng

5040

2. Rạm tươi

3520

3. Tép khô

2000

4. Ốc đá

1660

5. Sữa bột tách béo

1400

6. Ốc nhồi

1357

7. Ốc vặn

1356

8. Tôm đồng

1120

9. Sữa bột toàn phần

939

10. Pho mát

760

Phương Lan

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/canxi-thua-thieu-deu-kho-bo-sung-sao-cho-dung-18616/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY