1. Chữa mẩn ngứa, dị ứng từ cây húng quế
Ngoài công dụng là loại rau gia vị đặc trưng trong ẩm thực, húng quế có vị cay, nóng, thơm dịu rất có tác dụng làm ra mồ hôi, giảm đau, lợi tiểu, lương huyết nhờ chứa nhiều tinh dầu thơm, chứa linalol, cineol, metylchavicol, estragol.
Bài thuốc 1: Ngâm 3-6g hạt húng quế với chút nước cho hạt nổi nhầy, giã với 20-30g lá, lọc lấy nước, thêm đường uống, bã xoa chỗ ngứa.
Bài thuốc 2: Lá húng quế khô sắc nước uống, cùng đó kết hợp với tắm nước lá khế đun sôi để nguội càng tốt.
2. Tiêu hóa tốt hơn nhờ thảo quả
Thảo quả thuộc họ gừng, có vị cay, mùi thơm, tính ấm, giúp trục hàn, trừ đờm, ấm bụng, tiêu tích, giúp ăn ngon miệng. Vị thuốc Đông y này được dùng để kích thích tiêu hóa, chữa nôn mửa, bụng trướng đau, tiêu chảy… rất hiệu quả.
- Bài thuốc 1- Trị rối loạn tiêu hóa (không tiêu, đau vùng thượng vị): Thảo quả (nướng) 6g; thương truật, hậu phác, trần bì, sinh khương, mỗi vị 10g; cam thảo 4g, đại táo 3 quả, sắc uống. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng 3-5 ngày.
- Bài thuốc 2: Chữa kém ăn, bụng đầy trướng: Thảo quả nướng chín 6g, thương truật 12g, hậu phác 12g, trần bì 12g, sinh khương 12g, đại táo 3 quả, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng 3-5 ngày.
- Bài thuốc 3: Giúp điều trị suy nhược cơ thể, kém ăn, chậm tiêu: Gà trống 1 con khoảng 1kg, thảo quả 6g, riềng 6g, trần bì 3g, hồ tiêu 3g. Cách làm: Gà làm sạch, chặt miếng nhỏ; các vị thuốc cho vào túi vải xô. Cho tất cả vào nồi, thêm nước, gia vị, đun nhỏ lửa, hầm nhừ, chia 2-3 lần, ăn trong ngày. Tuần ăn 2-3 lần.
3. Rau dền cơm trị đau đầu
Món canh cua nấu rau dền cơm rất gần gũi trong bữa cơm gia đình chính là bài thuốc giúp giải tỏa cơn trị đau đầu rất hiệu quả. Vị ngọt nhạt, tính mát hơi hàn, tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết, chỉ huyết... của rau dền cơm có tác dụng thanh nhiệt khu thấp, thu liễm, chỉ tả.
Bài thuốc chữa đau đầu chóng mặt, tăng huyết áp do can hỏa vượng: Dền cơm 100g, rau đay 50g, thịt cua đồng 50g. Cua đồng đã sơ chế, nêm chút muối, giã lọc lấy nước. Nước lọc cua cho vào nồi, đun lửa vừa, khuấy đều tay một lát rồi đợi đến khi sôi, thêm dền cơm và rau đay vào, nêm thêm gia vị vừa ăn.
4. Chữa mất ngủ từ hoa bách hợp
Bài thuốc: Hoa bách hợp tươi 25g, cá diếc (500g), dầu thực vật, gừng tươi, gia vị vừa đủ. Tỉa cánh hoa bách hợp rửa sạch, cá diếc rửa sạch, mổ bỏ nội tạng, cho dầu thực vật vào chảo nóng già cho cá diếc vào rán qua. Chế nước vào cá diếc đã rán qua, đun nhỏ lửa, cho hoa bách hợp, nêm gia vị đun tiếp cho chín, bắc ra ăn nóng. Ăn liền trong 1 tuần.
Công dụng: Kiện tỳ, ích khí, thanh tâm, an thần.
5. Cây bỏng chữa mụn nhọt, kiết lỵ, bệnh trĩ
Cây thuốc bỏng được dùng không chỉ để chữa bỏng mà còn để cầm máu, đắp vết thương, đắp mắt đỏ, sưng đau, giải độc...
Chữa mụn nhọt chưa có mủ: Lấy 30g lá thuốc bỏng, lá táo 20g, lá đại 15g. Tất cả giã nhỏ, đắp chỗ đau, ngày 1-2 lần.
Chữa đi lỵ và bệnh trĩ: lấy lá thuốc bỏng và rau sam mỗi vị 5-6g nhai sống hay sắc uống. Nếu bị lòi dom và lở hậu môn thì nấu nước bồ kết ngâm rửa và giã lá thuốc bỏng đắp ngoài.
6. Tía tô giải cảm, chống ho, trị suy nhược thần kinh
Tía tô nấu nước để xông và tắm sẽ toát mồ hôi, giải độc cảm nắng lẫn lạnh. Thường xuyên ăn tía tô có tác dụng chữa bệnh chán ăn, kiện vị, lợi tiểu, an thần.
Nước lá tía tô kết hợp nấu với cây cát cánh để uống còn có tác dụng chống ho. Cũng có thể dùng lá cây nấu cháo với gạo nếp rang, vỏ quýt để chữa ho.
Quả tía tô phơi khô, nghiền nhỏ, hòa nước uống rất có lợi chữa bệnh ho có đờm, suyễn ở người lớn.
Cành tía tô, kết hợp cúc hoa, cam thảo dây, uất kim cương sắc lấy nước uống sẽ giảm căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường sức khỏe trí não.
Nguyễn Hạnh
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: