Việc ở nhà quá lâu trong mùa dịch COVID-19 làm nhiều học sinh cuối cấp ở Trung Quốc rơi vào tình trạng mất động lực học tập. Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai xuất hiện ở thủ đô Bắc Kinh cũng khiến nhiều học sinh thêm hoang mang, áp lực trước kỳ Cao khảo (thi tuyển sinh đại học toàn quốc). Đây là một trong những kỳ thi được mệnh danh khắc nghiệt nhất thế giới bởi quyết định tương lai sự nghiệp của mỗi học sinh, quyết định họ sẽ trở thành công nhân hay nhân viên bàn giấy vài năm tới.
Cao khảo bao gồm 4 môn thi (mỗi môn làm bài trong 3 tiếng) gồm tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị). Đề chủ yếu là câu hỏi trắc nghiệm và điền vào chỗ trống, nổi tiếng là rất khó. Đề Toán được so sánh với chương trình cấp đại học ở Anh. Song với nhiều học sinh, đáng sợ nhất là bài luận.
Những học sinh Trung Quốc có điểm số cao trong kỳ thi cao khảo có thể đăng ký các chương trình cử nhân của Đại học Birmingham (Anh) mà không phải làm thêm các bài kiểm tra.
Nhiều bậc phụ huynh tin rằng nếu con bắt tay vào ôn luyện đại học càng sớm thì khả năng đỗ đạt càng cao. Vì thế, họ cho con theo học ở các trung tâm luyện thi đại học từ khi chúng chỉ mới học lớp 1, lớp 2.
Trong khi một số ông bố bà mẹ cả tháng không dám nói chuyện gì với con, tránh mọi tranh luận không cần thiết để đảm bảo tinh thần và tâm trạng cho con trước kỳ thi đầy khắc nghiệt.
Quá áp lực trước kỳ thi đại học, nhiều phụ huynh Trung Quốc tìm cách lách luật để mua hộ chiếu nước ngoài cho con thông qua các chương trình đầu tư và nhập cư. Có những gia đình bỏ ra tới 1 triệu nhân dân tệ (tương đương 3,2 tỉ đồng) để con của mình có tấm hộ chiếu nước ngoài. Nguyên nhân vì tại Trung Quốc, các học viên quốc tế sẽ được ưu tiên tuyển sinh, giảm bớt các vòng loại cạnh tranh.
Feng Haowan (nữ sinh trường trung học Ngoại ngữ, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải) mỗi ngày dành 14 tiếng học bài và chỉ dùng điện thoại 30 phút để cố gắng thi đậu chuyên ngành tài chính tại một đại học tổng hợp. Sự căng thẳng của nữ sinh 18 tuổi khiến không khí gia đình ngột ngạt theo.
Feng Haowan cho biết em cố gắng cân bằng giữa việc dành thời gian ngủ và học trong những ngày cuối cùng.
Về phía nhà trường, áp lực của họ là đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cho học sinh khi đi thi. Mỗi địa điểm thi chuẩn bị đầy đủ khẩu trang và thiết bị đo nhiệt độ, xe cứu thương để chở học sinh không đủ sức khỏe đến bệnh viện, kê bàn ghế có khoảng cách, thậm chí một số nơi còn có phòng thi riêng dành cho các em có nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường.
Trong hai ngày 7 - 8.7 tới, hơn 10,7 triệu học sinh Trung Quốc sẽ bước vào kỳ thi Cao khảo. Các em sẽ phải vượt qua những áp lực tâm lý, lo ngại về COVID-19 để có thể tập trung làm bài thi nhằm tìm kiếm tương lai sự nghiệp tươi sáng cho mình và giảm nỗi lo cho gia đình.
2016 là năm đầu tiên các học sinh gian lận ở kỳ Cao khảo sẽ bị phạt tù từ 3-7 năm. Đây là biện pháp mạnh không chỉ tại riêng Trung Quốc mà toàn khu vực châu Á.
Chủ đề liên quan: