Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Chảy máu tiêu hóa dưới: kẻ dấu mặt nguy hiểm

(SKGĐ) Là kẻ có mặt trong nhiều bệnh lý, vì thế xuất huyết tiêu hóa dưới dễ đánh lừa bệnh nhân và cả bác sĩ.

Cách đây nửa năm, tôi gặp một ca bệnh tiêu hóa có biểu hiện chảy máu dưới khá hy hữu. Bệnh nhân ấy đến tìm tôi sau khi đã dùng rất nhiều loại thuốc nhưng vẫn bị chảy máu tươi kèm theo hoa mắt, chóng mặt quay cuồng.

Thăm khám xong tôi mới tá hỏa và phải gọi bệnh nhân này là “người liều mạng” vì chị có thói quen ngại đi thăm khám và chỉ dùng thuốc theo đơn của những người bạn cũng đang bị bệnh về tiêu hóa và có những biểu hiện giống chị.

Nhưng cái may trong ca bệnh này là khi thấy bệnh tiến triển nặng hơn, chị đã biết từ bỏ thói quen dùng nhờ đơn thuốc để đi thăm khám, vì vậy, sau 2 tháng điều trị chứng bệnh viêm đại tràng của chị đã thuyên giảm đáng kể.

Chảy máu tiêu hóa dưới xảy ra âm thầm nên gay nguy hiểm đến tính mang. (Ảnh minh họa)

Chảy máu tiêu hóa dưới là gì?

Chảy máu tiêu hóa dưới được định nghĩa là chảy máu đường tiêu hoá có nguồn gốc từ góc Treitz (nằm giữa tá tràng và hỗng tràng) trở xuống tận hậu môn.

Khác với chảy máu tiêu hóa trên (bệnh nhân nôn ói ra máu) thì chảy máu tiêu hóa dưới bệnh nhân đi tiêu ra máu. Chính vì thế khi bị chảy máu tiêu hóa trên, bệnh nhân thường lo lắng quan tâm kịp thời chữa trị hơn

Trong khi chảy máu tiêu hóa dưới thì âm thầm khiến bệnh nhân chủ quan cho qua mà không hiểu rằng, việc chảy máu tiêu hóa này là trường hợp cần cấp cứu, tình trạng ra máu có thể khiến bệnh nhân ngất xỉu, có thể tử vong cấp lẫn mạn tính. Một số trường hợp không nguy hiểm ngay đến tính mạng cũng để lại biến chứng thiếu máu mạn tính.

Chảy máu tiêu hóa dưới - một chứng nhiều bệnh

Nguyên nhân chảy máu tiêu hóa dưới rất đa dạng và thường gặp ở nhiều bệnh. Chính vì thế nếu không chú ý tới các dấu hiệu, không chỉ bệnh nhân có thể bỏ qua mà các bác sĩ cũng có thể chẩn đoán nhầm dẫn tới điều trị sai.

Về cơ bản, chảy máu tiêu hóa dưới được phân ra hai dạng: chảy máu từ ruột non và chảy máu từ đại tràng.

1. Chảy máu từ ruột non

Đây là dạng chảy máu tiêu hóa nguy hiểm, không điều trị sẽ gây tử vong cao. Những bệnh lý gây ra dạng chảy máu này thường khó phát hiện. Sau đây là một số bệnh lý và các dấu hiệu tương đối để dựa vào nhằm chẩn đoán chính xác loại bệnh lý gây ra:

- Viêm ruột xuất huyết: Thường xuất hiện khi bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh bằng nội độc tố như E.coli. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau bụng, tiêu chảy, phân có máu tươi hoặc màu đỏ sẫm. Điều trị chủ yếu bằng kháng sinh mạnh, bù nước và điện giải, nếu cần phải truyền máu.

- Bệnh Scholein Henoch: Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ, hiện đang nghĩ nhiều đến nguyên nhân miễn dịch dị ứng. Bệnh có chảy máu tiêu hóa này thường xảy ra ở người trẻ tuổi, biểu hiện chủ yếu là tình trạng nhiễm trùng với sốt, đau khớp, đau bụng, đại tiện phân máu thường là tươi hoặc đỏ bầm.

- Thương hàn: Chảy máu thường xảy ra sau 1-2 tuần do biến chứng loét ruột, có thể kèm theo thủng ruột. Biểu hiện là bệnh nhân đau bụng, đại tiện phân có màu đỏ gạch hoặc đỏ sẫm.

- Viêm ruột xuất huyết hoại tử: Biểu hiện lâm sàng là tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, sốt cao 40-41 độ C, đau và trướng bụng, đại tiện phân đen mùi thối khắm.

- Loét túi thừa Meckel: Đây là bệnh cảnh hiếm gặp rất khó chẩn đoán. Bệnh có thể chảy máu từng đợt tự ngừng, có thể kèm theo sốt hoặc không, khám vùng hố chậu phải có thể đau.

- Lồng ruột: Bệnh thường xảy ra ở những trẻ em bụ bẫm 8-9 tháng tuổi có yếu tố thúc đẩy như sau tiêu chảy. Khởi bệnh với đau bụng từng cơn sau đó có dấu hiệu tắc ruột và đại tiện phân nhầy máu.

2. Chảy máu từ đại tràng

Đây là dạng chảy máu tiêu hóa dưới thường gặp. Một đặc điểm dễ thấy ở dạng này là tăng số lần đi đại tiện, do đó thường có hội chứng lị hoặc giả lị và phân có màu đỏ tươi. Bệnh nhân cần chú ý tới một số bệnh gây ra chảy máu dạng này:

- Lị trực trùng: Có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc với sốt cao, đau quặn bụng dữ dội, đại tiện nhiều lần 15-20 lần/ngày, kèm mót rặn và đau hậu môn. Phân lỏng, rất ít hoặc chỉ toàn máu, màu đỏ sẫm như máu cá hoặc nước rửa thịt.

- Lị a míp: Bệnh có dấu hiệu sốt nhẹ, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và vùng hạ vị, đại tiện phân nhầy máu, thường máu chỉ dính quanh phân có màu đỏ tươi, kèm dấu mót rặn và đau hậu môn sau đại tiện. Điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, thường là nhóm metronidazole hoặc nhóm quinolon.

- Ung thư đại tràng: là bệnh lý thường gây chảy máu tiêu hóa thấp ở người già. Tuỳ theo vị trí ung thư đại tràng phải hay trái mà có những biểu hiện khác nhau. Ung thư đại tràng phải thường kèm dấu đại tiện phân lỏng và máu đỏ sẫm. Ung thư đại tràng trái thường là dấu hiệu táo bón, đại tiện phân máu tươi; còn ung thư trực tràng hậu môn thường kèm theo dấu hiệu kích thích đại tiện nhiều lần hoặc nhiều khi chảy máu hậu môn một cách tự nhiên. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào chụp nhuộm đại tràng baryt hoặc nội soi sinh thiết đại tràng. Điều trị chủ yếu bằng phát hiện sớm để cắt bỏ khối u, cầm máu.

- Viêm loét đại trực tràng chảy máu: bệnh thường xảy ra ở phụ nữ với biểu hiện từng đợt bao gồm sốt, đau khớp, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và đại tiện ra máu, thường là máu tươi.

- Bệnh Crohn đại - trực tràng: Có thể kèm theo tổn thương Crohn ở các phần khác của ống tiêu hoá nhất là vùng hồi manh tràng. Bệnh có tính chất xảy ra từng đợt với sốt, máu lắng tăng, thương tổn đại tràng dài hoặc nhiều đoạn. Điều trị kết hợp nhóm kháng sinh, corticoid và ức chế miễn dịch.

- Trĩ nội: là do vỡ hoặc viêm nhiễm trùng búi trĩ, chủ yếu là máu tươi, có thể chảy thành tia hoặc giọt.

- Polyp đại tràng: thường chảy máu từng đợt, do viêm loét nhiễm trùng các polyp. Chẩn đoán bằng chụp baryt đại tràng hoặc nội soi. Điều trị bằng đốt điện hoặc cắt bỏ qua nội soi.

Cảnh báo chuyên khoa

Do chảy máu tiêu hóa dưới là chứng của nhiều bệnh nguy hiểm. Do đó việc chẩn đoán và điều trị cần được thực hiện trên cơ sở chuyên khoa. Nếu điều trị tại phòng khám có thể dẫn tới việc cầm máu không kịp dễ gây tử vong cấp.

Một điều đáng lo ngại nữa là khi điều trị chảy máu tiêu hóa dưới phải tùy thuộc vào từng nguyên nhân để trị. Do vậy nếu chẩn đoán sai có thể khiến bệnh nhân kéo dài bệnh tật và tử vong.

Ths.BS Nguyễn Bạch Đằng

Học viện Quân y

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/chay-mau-tieu-hoa-duoi-ke-dau-mat-nguy-hiem-18800/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY