Dinh dưỡng hôm nay

Chế độ ăn uống phù hợp với nghề nghiệp

Mỗi nghề nghiệp đều có đặc thù riêng khác nhau, đòi hỏi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cũng khác nhau. Vì vậy, việc lựa chọn thực đơn phù hợp với từng ngành nghề sẽ giúp bạn cung cấp đủ năng lượng cần thiết, làm việc hiệu quả.

1. Công việc đầu tư chất xám

Người làm việc đầu tư nhiều chất xám như ngành ngân hàng, kiểm toán, doanh nhân... hay tập trung cao độ, làm việc quá giờ do tính chất công việc bận rộn nên thường xuyên quên bữa, bỏ bữa. Áp lực lớn trong công việc dễn đến cơ thể thường xuyên rơi vào tình trạng stress. Vì vậy, bạn cần một chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, tránh dư thừa. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn cần ăn cân bằng và đa dạng các loại thực phẩm để não bộ có đủ các chất dinh dưỡng để hoạt động.

Các tế bào não cần nhiều các acid amin thiết yếu để hoạt động như: tryptophan, tyrosine có tác dụng làm tăng hưng phấn. Thức ăn chứa nhiều tryptophan là: thịt lợn, thịt gà, cá, trứng, và các loại đậu đỗ.

Bạn cần hạn chế ăn chất béo động vật vì nó làm gia tăng những phản ứng stress, vì vậy nên ăn nhiều dầu thực vật để cung cấp các acid béo chưa no. Đồng thời, nên dùng thêm thực phẩm giàu carbohydrate, vitamin nhóm B (thường có trong ngũ cốc nguyên cám, rau, hạt, các loại đậu…) để đảm bảo nguồn năng lượng ổn định cho não giúp não hoạt động nhạy bén hơn.

Đặc biêt, nên hạn chế tối đa hoặc bỏ hẳn đa rượu, thuốc lá… bởi vì những chất kích thích này có thể làm hại cho não của bạn.

2. Công việc văn phòng

Những người làm việc văn phòng phải tiếp xúc với máy tính và điều hòa nhiều nên rất dễ bị khô da, mỏi mắt... Bên cạnh đó, chế độ ăn uống thất thường, ngồi nhiều cũng khiến bạn dễ bị thừa cân béo phì.

Để đảm bảo sức khoẻ, bạn nên ăn 3 bữa chính sáng, chiều và tối. Trong đó bữa ăn sáng là bữa chính.

Bạn cần có một chế độ ăn cân bằng và đa dạng: hạn chế ăn chất béo, ăn nhiều rau xanh, hoa quả để tăng cường chất xơ; thịt nạc, trứng và đặc biệt là cá sẽ giúp tăng lượng vitamin E, kẽm, omega 3… giúp bạn phòng chống các bệnh về mắt, chống lão hóa.

Nên cung cấp đủ cho cơ thể từ 1,5 lít đến 2 lít nước mỗi ngày, gấp đôi vào mùa hè để tránh trường hợp khô da. Bạn có thể bổ sung nước ép hoa quả, sinh tố ít đường vào chế độ ăn uống để cung cấp thêm vitamin và chất xơ, làm đa dạng khẩu phần.

Đây cũng là công việc ít ra đường dễ dẫn đến thiếu dễ vitamin D nên cần ăn thêm nhiều hoa quả như ổi, chuối, quả bơ. Đối với các chị em có thể ăn thêm cà chua, dưa chuột... để đẹp da, giữ dáng.

Ngoài việc ăn uống hợp lý thì những người làm văn phòng cũng nên có một chế độ vận động hợp lý như: đi bộ, tập yoga, làm vườn, chạy xe đạp… để cho cơ thể khỏe mạnh và có vóc dáng cân đối. Nếu không có thời gian thì bạn có thể thực hiện những động tác đơn giản tại chỗ giữ cho cơ xương khớp linh hoạt.

3. Người lao động nặng

Đặc điểm của những lao người lao động nặng, lao động chân tay là thường xuyên đốt cháy năng lượng, lao động càng nặng càng thì nhu cầu năng lượng càng cao. Chế độ ăn thiếu năng lượng thì cơ thể mệt mỏi, năng suất lao động thấp, nếu kéo dài thì cơ thể bị suy dinh dưỡng.

Vì vậy, những người lao động chân tay cần phải được cung cấp đầy đủ năng lượng trước khi làm việc. Trong khẩu phần ăn hằng ngày, cần được bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất: chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biết, tuyệt đối không nên bỏ bữa ăn sáng trước khi đi làm. Bữa trưa cũng nên ăn thêm nhiều chất đạm và tinh bột.

Có thể ăn 3 - 4 bữa mỗi ngày, khoảng cách giữa các bữa ăn không quá 4 - 5 giờ. Ngoài 3 bữa ăn chính, giữa giờ làm việc nên ăn thêm những bữa phụ như: khoai lang, khoai mì, bắp, đậu phộng luộc, các loại chè đậu.

Muốn tăng chất béo thì có muối mè hay đậu phộng, bạn cũng có thể ăn thêm cơm, mỗi chén cơm như vậy cung cấp tới 200 kcal năng lượng. Để có đủ vitamin thì cần ăn thêm trái cây.

Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm sắt, một chất cần thiết để tạo máu. Chất này có nhiều trong huyết, gan, thịt, cá, đậu đỗ, và rau xanh.

Đồng thời, trong thời nóng bức như thế này những người làm việc ngoài trời cần bổ sung thêm nhiều nước, phòng trường hợp mất nước dẫn đến sốc nhiệt, đột quỵ. Bổ sung nước điện giải giúp giảm nhiệt và ăn nhiều rau xanh hàng ngày. Hạn chế uống các loại chất lỏng chứa cồn hay quá nhiều chất đường, đồ uống lạnh vì nó có thể gây co dạ dày, khiến hệ miễn dịch yếu đi.

4. Người nội trợ

Những người làm công việc nội trợ thường ăn theo thực đơn của con cái mà không có chế độ ăn cho riêng mình. Chính vì ăn theo trẻ, nên nhiều khi, các bà mẹ sẽ không kiểm soát được lượng thức ăn của mình, dẫn đến việc dễ dàng làm bạn tăng cân.

Vì vậy, để đảm bảo cho sức khỏe của mình, các mẹ nên thường xuyên ăn các món hấp, luộc thay vì chiên, xào chứa nhiều chất béo không tốt cho cơ thể. Thiếu sắt cũng là nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi nên bạn cũng cần bổ sung sắt nhờ một số thực phẩm như: thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, cải bó xôi, các loại đậu (quả óc chó, hạnh nhân, lạc, hạt điều…)

Ngoài ra, bổ sung thêm 1 – 2 hộp sữa chua không đường mỗi ngày có thể giúp bạn giảm stress khi chăm sóc con cái, lại có thể giúp cơ thể bạn đốt cháy mỡ thừa nhanh hơn.

Hà Thanh

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/che-do-an-uong-phu-hop-voi-nghe-nghiep-27292/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY