Đã từ nhiều năm nay, cứ vào gần cuối tháng chạp, lúc không khí người người rộn rằng mua sắm tại các khu phố, góc chợ chuẩn bị cho một năm mới sắp bắt đầu là trong tôi lại nao nao với ký ức về các phiên chợ tết ở quê cách đây đã gần 30 năm.
Ngày ấy, chợ tết là khung cảnh và không khí đầu tiên của tết với những nét rất đặc biệt và gây ấn tượng mạnh đối với những đứa trẻ nhỏ thôn quê chúng tôi.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại, hầu như các xã trong huyện, trong đó có xã quê tôi đều có một đến hai cái chợ lớn và nhiều cái chợ xép ở các thôn.
Đồng thời, miền quê nào cũng có rất nhiều cửa hàng, ki ốt tại các con đường lớn mà mỗi khi Tết đến đều bày bán đầy đủ các chủng loại hàng hóa, không thua kém gì ở các chợ.
Nhưng hồi ấy, ở xã tôi và nhiều xã khác thì không có chợ. có một cái chợ rất lớn chỉ họp vào ngày lẻ đóng ở xã gần kề gọi là chợ huyện, được xem là cái chợ lớn thứ hai của huyện tôi và thường được người dân ở nửa huyện can lộc, hà tĩnh quê tôi và nửa huyện bên cạnh đến giao dịch, mua sắm.
Vì vậy, chợ huyện vào dịp tết, bắt đầu từ các ngày lẻ cuối tháng 12 âm lịch như 21, 23, 25, 27, 29 có rất đông người đến mua bán, đến dạo chơi và tụ hội.
Phiên chợ Tết (Tranh minh họa trên Giadinh.net.vn) |
Thời anh em chúng tôi còn nhỏ, được mẹ cho đi cùng một phiên chợ tết là một niềm hãnh diện lớn lao, là một món quà thật vô giá, là một kỷ niệm khó quên của tuổi thơ.
Đi chợ tết là dịp những đứa trẻ chúng tôi như được đi du lịch ở chốn đô hội khi được nhìn ngắm những gian hàng san sát nhau bày biện các món hàng lạ mắt có màu sắc khác nhau rất hấp dẫn mà có lúc chúng tôi được sờ vào và xuýt xoa khen đẹp, tỏ ý thích thú nhưng không có tiền để mua.
Là được chen chúc giữa nơi đông người mà chỉ cần nắm tay mẹ hoặc nắm tay nhau để khỏi lạc là rất an toàn.
Thật là thú vị khi được xem người người đi lại tấp nập, người người mời chào, ngã giá, người người đứng chắn cả lối đi, rạng rỡ tươi cười chào hỏi, nói chuyện với nhau trong phút giây gặp mặt.
Đi chợ tết là dịp chúng tôi được lạc vào một thế giới như trong mơ, đầy ảo diệu với một cảm giác vui sướng lâng lâng, bồng bềnh khó tả.
Đó là thế giới của các màu sắc đan xanh đỏ tím vàng, trắng, đen... đan xen nhau lung linh dưới nắng từ các hàng hóa được bày bán như ấm chén, bát đĩa, hoa, quả, tranh ảnh, quần áo, câu đố, khẩu hiệu, pháo...
Đó là thế giới của âm thanh rộn ràng, náo nhiệt với tiếng người cười nói, tiếng trống, tiếng chiêng được đánh lên, tiếng dao chặt xuống thớt, tiếng pháo nổ, tiếng gà gáy, bò lợn kêu cùng phát ra nghe rất lạ tai nhưng rất thú vị.
Đến nay, đã hơn 30 năm nhưng tôi chắc là những đứa bạn quê tôi vẫn còn nhớ vị thơm và vị ngọt của miếng kẹo lạc - đặc sản của quê tôi thời ấy.
Đó là thứ kẹo được nấu với nguyên liệu và công thức như kẹo Cu đơ của Hà Tĩnh bây giờ nhưng được đổ trên giấy báo đặt trên mâm nhôm hoặc các mặt bàn rộng.
Vì vậy, tại các quán bán kẹo, khi mới bắt đầu bán, nó là một khối lớn hình tròn hoặc hình vuông và tùy vào tiền người mua mà người bán kẹo sẽ cắt phần kẹo phù hợp để bán.
Tôi còn nhớ, thời khắc được ăn kẹo trong các phiên chợ tết đó là khi chợ sắp vãn người, khi mẹ tôi đã bán xong buồng cau, nải chuối để mua mấy thứ cần thiết hoặc anh tôi đã bán được gần hết các bức tranh, câu đối, khẩu hiệu mua ở trên thị trấn về và thu được số tiền lãi kha khá để chiêu đãi tôi và em trai.
Miếng kẹo đang còn nóng dẻo, ăn vào cảm nhận rõ vị ngọt khay của mía đường, vị nồng cay của gừng và vị béo bùi của lạc (tức đậu phộng).
Đối với chúng tôi thời đó, kẹo lạc là miếng kẹo ngon nhất thế giới, là thứ quà bánh tuyệt hảo nhất trong thời niên thiếu từng được ăn.
Bây giờ, do sự cạnh của nhiều loại bánh được làm bằng dây chuyền công nghiệp, không ai làm thứ kẹo lạc bằng phương pháp thủ công đó nữa.
Và dẫu đã được ăn rất nhiều loại bánh kẹo khác nhau của việt nam và của nhiều nước trên thế giới, nhưng hương vị đặc biệt của miếng kẹo lạc cứ vương vấn mãi trong ký ức của chúng tôi.
Đến bây giờ tôi cứ thèm một lần nếm lại để được quay về với một thời non dại, nằng nặc đòi mẹ và anh cho ăn thêm mà không biết giá của nó cũng khá đắt so với các đồ mẹ và anh tôi phải cần sắm cho ngày Tết.
Trong phiên chợ tết, những đứa trẻ thôn quê như chúng tôi được ăn bánh kẹo đã là một niềm vui sướng mà không phải bao giờ cũng có được.
Còn nếu đứa nào còn được mẹ mua cho quần áo mới thì thật sự là một diễm phúc, một vinh hạnh lớn lao. cái cảm giác được ướm thử quần áo và chọn lấy cho mình ngay tại các quầy hàng ở chợ tết thật là khó tả, nó cứ lâng lâng mãi trong lòng suốt cả phiên chợ và còn nguyên trong tôi suốt mấy ngày sau.
Nhận thức của chúng tôi về không khí Tết; về phong tục đón Tết và về văn hóa, tập quán, tín ngưỡng của quê tôi, của dân tộc thể hiện trong dịp Tết ngày càng phong phú và sâu sắc hơn.
Chợ Tết chính là không gian sinh hoạt, không gian văn hóa chuẩn bị cho một năm mới hứa hẹn những điều mới mẻ, thành công, an khang, thịnh vượng và hạnh phúc; là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, của cộng đồng dân cư và của người dân cả một vùng quê rộng lớn.
Đi chợ tết những năm đó giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống gia đình tôi, hiểu hơn về ba mẹ tôi với những vất vả, lo toan, bươn chải, tiết kiệm để chuẩn bị cho những cái tết dẫu chưa thật sự tươm tất nhưng tràn đầu niềm vui, hứng khởi và lắng đọng tình yêu thương, sự hy sinh, chia sẻ trong năm mới.
Chợ Tết ở quê cứ thế hằng năm như những cuốn phim được chiếu lại một cách chầm chậm trước những đôi mắt thơ ngây và tâm hồn trong trẻo háo hức muốn khám phá thế giới, khám phá đời sống xã hội của chúng tôi.
Để đến lúc chúng tôi trưởng thành và bây giờ thì chợ tết ở quê vẫn còn đó nhưng đã có nhiều khác biệt và không thực sự hấp dẫn những đứa trẻ thời công nghệ và đô thị hóa lên ngôi.
Dẫu vậy, dấu ấn của chợ tết xưa thì đã đi vào trong tâm thức của chúng tôi và mỗi độ tết đến xuân về, cái nét hồn quê xưa tươi đẹp đó lại hiện lên trong dòng chảy ký ức miên man, lung linh huyền ảo về thời thơ ấu xa lắc lơ mà như mới trôi qua cùng năm cũ.
Chủ đề liên quan:
câu đối Chợ Huyện Chợ lớn chợ tết Chợ Tết xưa đô hội ngã giá phiên chợ Tết thôn quê vương vấn