Loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng
Mộc nhĩ thường được chia làm 3 loại, mộc nhĩ đen, mộc nhĩ trắng và mao mộc nhĩ. Trong đó, mộc nhĩ đen được sử dụng phổ biến nhất trong bữa ăn hàng ngày.
Mộc nhĩ đen còn gọi là vân nhĩ, thụ kê, nhĩ tử, mộc nga, mộc nhu, mộc ngài, mộc khuẩn... Tên khoa học là Auricularia polytricha Sacc., thuộc họ mộc nhĩ Auriculariaceae. Thực chất, đây là một loại nấm mọc trên những cây, cành gỗ mục, có hình dạng trông giống như tai người, mặt ngoài màu nâu nhạt, có lông mịn, mặt trong nhẵn màu nâu sẫm.
Trong mộc nhĩ đen có nhiều hoạt chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp giải độc và làm chậm sự lão hoá. Đặc biệt, với tính năng lương huyết và hoạt huyết, mộc nhỉ đen là một loại thực phẩm làm thuốc rất quý có tác dụng làm giảm cholesterol và cải thiện tuần hoàn huyết.
Theo bác sĩ, lương y Cao Thị Thanh Hương (Phó giám đốc trung tâm thừa kế ứng dụng Đông y, Phụ trách Phòng khám Đông y- Trung tâm Y tế Thái Hà): Trong Đông y, mộc nhĩ đen vị ngọt, tính bình, có công dụng lương huyết chỉ huyết (làm mát và cầm máu), ích khí dưỡng huyết, nhuận phế ích vị, nhuận táo lợi tràng. Thường được dùng làm thức ăn và làm thuốc cho những người mắc các chứng bệnh như xuất huyết (đại tiện ra máu do trĩ, kiết lỵ, tiểu ra máu, xuất huyết đáy mắt, rong kinh, băng lậu, ho ra máu...), táo bón, viêm dạ dày mạn tính thể vị âm bất túc, ho do phế táo, thiếu máu...
Mộc nhĩ trắng vị ngọt, tính bình, có thể bổ âm, sinh dịch, nhuận phế, rất thích hợp cho những người âm hư nội nhiệt (nóng trong), ở người già có biểu hiện âm hư nội nhiệt như: tinh huyết hao hư, âm dịch không đủ, thường thấy chóng mặt, mắt mờ, miệng khô họng rát, tâm trung phiền nhiệt, đại tiện táo bón, đêm ngủ không ngon giấc, hay nổi cáu, do vậy mộc nhĩ trắng là đồ ăn thanh nhiệt bổ dưỡng rất phù hợp với người cao tuổi.
Trong mộc nhĩ trắng còn có chứa protein, chất béo, chất xơ, lưu huỳnh, phospho, sắt, magiê, calci, kali, natriclorua, vitamin B2, nhiều chất đường trong mộc nhĩ trắng có thể làm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, điều động tế bào limpho, tăng cường khả năng diệt khuẩn của bạch cầu, làm hưng phấn cơ năng tạo máu của tủy sống...
Ngừa ung thư, loãng xương
Mộc nhĩ không chỉ giàu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, mà còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu... Theo một số kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, mộc nhĩ đen có khả năng ngăn cản sự hình thành các mảng vữa xơ trong lòng huyết quản, phòng chống tình trạng đông máu do ngẽn mạch, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu…
Đối với những người mắc bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch, các chức năng tuần hoàn não, động mạch vành… thì việc tăng cường sử dụng mộc nhĩ đen trong thực phẩm sẽ có tác dụng rất tốt.
Bên cạnh đó, chất keo thực vật trong mộc nhĩ đen sẽ có tác dụng gom các bụi đất, tạp chất còn tồn dư trong đường tiêu hóa để cơ thể đào thải ra ngoài dễ dàng, góp phần làm sạch dạ dày và bộ máy tiêu hóa. Không những thế mộc nhĩ còn có tác dụng chống lão hóa, kháng khuẩn, chống phóng xạ và ức chế một số chủng tế bào ung thư.
Trong cả hai loại mộc nhĩ đen và mộc nhĩ trắng đều chứa khá nhiều canxi. Cụ thể, trong mỗi 100g mộc nhĩ đen có tới 397mg canxi và mỗi 100g mộc nhĩ trắng có tới 380mg canxi, cao hơn hẳn so với đậu tương và đậu xanh. Trong bữa ăn hàng ngày, lượng canxi thường không đủ đáp ứng nhu cầu cơ thể, hơn nữa, các nhân tố ức chế sự hấp thụ canxi lại tương đối nhiều, vì thế tình trạng thiếu canxi trong cơ thể rất dễ xảy ra dẫn đến các căn bệnh như còi xương, loãng xương. Do đó, mộc nhĩ sẽ là một sự bổ sung tuyệt vời để ngừa bệnh loãng xương, còi xương.
Các bài thuốc hay của bác sĩ, lương y Cao Thị Thanh Hương về mộc nhĩ:
Bài 1: Mộc nhĩ trắng 10g, mộc nhĩ đen 10g. Hai thứ ngâm nước ấm cho nở hết rồi làm sạch, đem chưng cách thủy với nước và đường phèn, chia ăn 2 lần.
Công dụng: Dùng cho người bệnh tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu...
Bài 2: Mộc nhĩ trắng 20g, thịt lợn nạc 200g, gia vị vừa đủ. Mộc nhĩ làm sạch, thịt lợn thái chỉ; đem xào chín hai thứ với dầu thực vật. Tiếp đó, cho nước bột gạo pha loãng vào đun sôi một lát, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần.
Công dụng: Bồi bổ cơ thể, chữa các chứng đầu váng, tai ù, kém ăn, ăn chậm tiêu, nhịp tim chậm.
Chú ý: Không được dùng mộc nhĩ trắng đã biến chất, biểu hiện bằng các dấu hiệu: màu ngả vàng, kém tươi, không đàn hồi, có vết mốc hoặc dính lại với nhau. Việc dùng loại mộc nhĩ này có thể dẫn tới ngộ độc, gây tổn thương các cơ quan như ruột, gan, thận và trung khu thần kinh, thậm chí có thể dẫn đến suy thận cấp tính và tử vong.
Bài 3: Mộc nhĩ đen 15-30g, ngâm nước ấm cho nở hết cỡ rồi rửa sạch, hầm nhừ, chế thêm một chút đường trắng, ăn trong ngày.
Công dụng: Dưỡng âm chỉ huyết, thường dùng để phòng chống các chứng xuất huyết.
Bài 4: Mộc nhĩ đen 60g, huyết dư thán 10g. Mộc nhĩ sao tới khi bốc khói là được, hai thứ tán bột, trộn đều, mỗi ngày uống 6-10g với nước ấm hoặc có pha một chút dấm thanh.
Công dụng: Tán ứ chỉ huyết, dùng cho phụ nữ bị băng lậu (băng là băng huyết, băng kinh; lậu là rong huyết, rong kinh).
Chú ý: Những người bị đi lỏng mạn tính do viêm đại tràng hoặc viêm dạ dày mạn tính thì không nên ăn mộc nhĩ đen.
Trần Phương
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: