Măng tươi nhiều dinh dưỡng nhưng độc
Măng tươi có vị hơi đắng, ngọt và rất thơm, giòn nên nó là một trong những thực phẩm được nhiều bà nội trợ lựa chọn để xào, nấu canh, kho cá…
Không chỉ ngon miệng, măng còn giàu các loại vitamin A, B1, B2, C. Phần đầu búp măng thường có hàm lượng protein cao. Tabashin hay Banslochan là một chất Siliedioxyt có trong măng tre, chất này được xem là một dược liệu quý và là một chất cường dương có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, măng tươi còn mang lại rất nhiều các lợi ích khác cho sức khỏe như trị táo bón, giúp tiêu hóa dễ dàng, làm giảm cholesterol trong máu. Đặc tính chống viêm trong măng giúp tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa ung thư, hàm lượng lớn kali trong nó còn giúp kiểm soát huyết áp một cách hiệu quả và đặc biệt công dụng giảm cân do có nhiều chất xơ.
Tuy nhiên, măng lại là thực phẩm có tính độc, dễ gây hại cho sức khỏe nếu không được khử trước khi chế biến món ăn. Theo các chuyên gia, trong măng có chứa nhiều chất glucid, chúng sẽ biến đổi thành axit Cyanide (HCN) rất độc khi cơ thể tiêu thụ.
Tài liệu của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, trong khoảng100 g măng tươi chưa luộc có 32-38mg HCN. Với liều 50-60mg (tức vào khoảng 200g măng tươi chưa luộc), HCN sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, nhẹ thì nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, nặng thì có thể gây tử vong.
Mặc dù HCN rất độc nhưng theo các chuyên gia, chúng có thể được loại bỏ khỏi măng một cách dễ dàng vì chúng có tính chất hoà tan trong nước và dễ bị bay hơi khi đun nóng. Đây là điều mà không phải người nội trợ nào cũng biết.
Cách khử độc an toàn cho măng tươi
Có rất nhiều cách người nội trợ có thể khử độc cho măng tươi. Trong đó, cách đơn giản, phổ biến mà từ xưa người xưa đã sử dụng đó là luộc măng và đổ nước trước khi nấu ăn. Sau khi sơ chế và loại bỏ độc tố, măng còn lại ăn vừa ngon vừa an toàn.
Với những loại măng tre còn nguyên bẹ xanh, hãy bóc hết bẹ, rửa sạch đất cát, sau đó cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch trong vòng 1 đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn, nếu áp dụng cách này măng không cần phải luộc.
Cách khử độc cho măng còn phụ thuộc vào từng loại măng khác nhau, đã bẻ được bao lâu. Những loại măng mới bẻ về tuyệt đối không nên ăn ngay mà hãy bóc sạch vỏ, bẹ. Luộc đi luộc lại khoảng 2-3 lần và rửa lại bằng nước sạch cho măng mềm và nước trong thì mới thôi. Sau đó mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày mới có thể ăn được.
Ngoài ra, để khử độc cho loại măng củ nhanh hơn, hãy thái măng thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần. Khi măng chín, xả nước lạnh vào và rửa sạch. Độc tố trong măng sẽ nhanh chóng bị loại bỏ và hòa tan vào với nước rau ngót.
Ngoài lá rau ngót thì ớt và nước gạo cũng được sử dụng làm chất khử độc cho măng rất hiệu quả. Khi mua măng về, cho chúng vào nồi kèm vài trái ớt đỏ bỏ hạt rồi đổ nước gạo ngập măng. Đun sôi trong vòng 3-5 phút cho măng mềm, sau đó rửa sạch với nước.
Đó là với những loại măng thông thường, với các loại măng nhiều độc tố hơn như măng đắng thì cần sử dụng nước vôi trong để khử độc. Sau khi hái măng, ngâm măng trong nước vôi trong khoảng 2-3 tiếng rồi cho vào nồi luộc với nước sạch.
Với những loại măng được sử dụng làm măng khô, trước khi sấy hoặc phơi khô cũng cần phải khử độc cho măng bằng cách đơn giản là luộc măng hoặc ngâm vào nước muối trong nửa ngày.
Cuối cùng, để tránh ngộ độc măng, dù đã được khử độc bằng một trong những biện pháp trên nhưng tuyệt đối không ăn măng sống, nộm măng, trong quá trình chế biến món ăn nên mở vung để chất độc còn tồn đọng bay hoàn toàn.
Song Nữ
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: