Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Chửa ngoài dạ con - phát hiện muộn nguy cơ tử vong cao

Theo những thống kê gần đây cứ 1.000 phụ nữ mang thai thì có 17 trường hợp chửa ngoài dạ con. Tần suất ngày một tăng nhanh hơn vì những tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp việc phát hiện dựa vào test nhanh hơn. Đồng thời siêu âm thai và nội soi góp phần quan trọng chẩn đoán chửa ngoài tử cung.

Trong "Bách khoa thư bệnh học" của NXB Giáo dục, Giáo sư Dương Thị Cương đã mô tả chi tiết chửa ngoài dạ con như sau:

Cụ thể chửa ngoài dạ con được xác định là 1/100 trường hợp thai nghén và 75% được chẩn đoán trước tuổi thai 12 tuần. Ít nhất 90% chửa ngoài tử cung gặp ở vòi trứng, 40% trường hợp xảy ra ở phụ nữ lứa tuổi từ 20-29.

Chửa ngoài dạ con là trường hợp có thai nhưng trứng không làm tổ trong buồng tử cung. Trong quá trình di chuyển từ nơi thụ tinh (thường ở 1/3 ngoài vòi buồng trứng) về buồng tử cung, trứng dừng lại làm tổ một nơi khác. Trong 90% trường hợp chửa ngoài tử cung, trứng làm tổ vở vòi trứng (nên gọi là chửa vòi trứng); đôi khi trứng làm tổ ngay ở buồng trứng hoặc trong ổ bụng, nên gọi chung là chửa ngoài dạ con (chửa ngoài tử cung).

Nguyên nhân gây bệnh ngày càng được xác định nhờ các thành tựu khoa học. Ví dụ trước kia, bệnh hay gặp ở người có tiền sử lao vòi trứng, nay nguyên nhân đó lại ít đi, có thể xảy ra ở cả người mang dụng cụ tránh thai, nhưng thường gặp hơn ở những người bị viêm đường sinh dục.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân rất phức tạp thường do viêm nhiễm làm vòi trứng bị hẹp lại, bị gấp, các khối u ở trong hay ngoài vòi trúng bị thay đổi làm trứng dừng lại trong quá trình di chuyển về buồng tử cung; trong các phẫu thuật thông vòi trứng, niêm mạc vòi trứng dễ bị tổn thương làm vòi trứng bị dính, lòng vòi trứng bị hẹp lại.

Người mang dụng cụ tránh thai vẫn có thể chửa ngoài tử cung vì dụng cụ này chỉ ngăn cản sự làm tổ của trứng. Người nạo hút thai nhiều lần cũng dễ bị chửa ngoài dạ con do viêm nhiễm sau khi nạo hút.

Chửa ngoài tử cung có thể xảy ra ở tuổi khi dạy thì tới lúc mãn kinh, nhưng 40% gặp ở người từ 20-29 tuổi. Đặc biệt, ở những người vô sinh, tiền sử đã có chửa ngoài tử cung, hoặc đã từng điều trị viêm vòi trứng hoặc mổ thông vòi trứng.

Triệu chứng lâm sàng

Có chảy máu và đau bụng kèm theo mất kinh từ 1-8 tuần. Trong 75% trường hợp các triệu chứng sau đây thường xuất hiện: mất kinh, chảy máu tử cung, đau bụng dưới, có khi đau dữ dội khi sờ nắn hoặc chuyển động nhẹ cổ tử cung và tử cung, nắn thấy một khối nhỏ cạnh tử cung, ấn vào rất đau, các thay đổi ở tử cung không tương ứng với tuổi thai, tăng bạch cầu và sốt nhẹ, bụng dưới có phản ứng.

Ngoài ra, còn các dấu hiệu nhận biết phổ biến khác:

- Chuột rút một bên

- Đau bụng dưới

- Đau lưng dưới

- Chảy máu âm đạo

- Chóng mặt

- Buồn nôn, mệt mỏi, xanh xao, kiệt sức

- Đau vai

- Xuất huyết âm đạo

Những vị trí thai ngoài tử cung thường gặp và triệu chứng

Chửa ngoài tử cung chưa vỡ: Dấu hiệu có thai chưa rõ (vì mới chậm kinh ít ngày) hoặc đã rõ, đau bụng dưới liên tục hoặc đau từng lúc, ra máu ít, làm cho người vốn có kinh nguyệt không đều dễ cho là rối loạn kinh nguyệt. Ở thể này, triệu chứng đau bụng là nổi bật nhất. Thăm âm đạo thấy cổ tử cung đóng kín, tử cung hơi to, mềm, có khối nhỏ bờ không rõ ở cạnh tử cung, ấn vào đau nhói.

Chửa ngoài tử cung rỉ máu: Ở thể này, vì trứng làm tổ ở niêm mạc vòi trứng và ăn sâu vào nên niêm mạc bị rạn nứt, máu chảy rỉ vào ổ bụng gây kích thích phúc mạc và chảy qua tử cung ra âm đạo. Triệu chứng nổi bật nhất là chảy máu tươi loãng, ít một, có kèm theo đau bụng. Khám thấy tử cung mềm, hơi to, không tương xứng với tuổi thai, có khối u nhỏ cạnh tử cung ấn đau nhói. Thể này, nếu không xử trí ngay sẽ dễ vỡ đột ngột gây chảy máu cấp hoặc khối thai bị sẩy vào ổ bụng.

Thể chảy máu cấp trong ổ bụng: Xảy ra đột ngột do khối u thai bị vỡ nên có hai dấu hiệu chính: đau dữ dội vùng hạ vị, có cảm giác muốn ngất, có khi choáng, chảy máu trong, biểu hiện bằng mạch nhanh, huyết áp hạ, vật vã chân tay lạnh. Dấu hiệu điển hình khi thăm khám là bụng có phản ứng phúc mạng, gõ đục hai mạng sườn: tử cung khó nắn thấy đáy nhưng di động quá dễ, khi di động tử cung , bệnh nhân rất đaum túi cùng sau đầy, ấn đau nhói.

Thể giả sẩy: Thể này dễ nhầm với sẩy thai, nên để bỏ sót khối chửa ngoài tử cung, do tử cung và vòi trứng co bóp, bụng dưới sẽ ra huyết và sẩy ra một mảng dày giống mảnh rau thai, chính là ngoại sản mạc. Trường hợp này cần phải làm xét nghiệm để biết chính xác nhất tình trạng bệnh nhân, thể bệnh.

Thể huyết tụ thành nang: Khối thai trong vòi trứng bị rạn nứt, rỉ máu và bị sẩy vào trong ổ bụng nhưng được các quai ruột và mạc nối lớn bọc lại thành một nang trong chứa toàn máu cục; bọc thai này thường chết và tan dần. Biểu hiện nổi bật về lâm sàng của thể này là có rong huyết ít một, kéo dài, máu ra màu đen bẩn làm bệnh nhân xanh xao. Bệnh nhân thường bị đau bụng âm ỉ, có cảm giác nặng nề ở vùng bụng dưới, đi vệ sinh khó nhưng ít khi đau bụng dữ dội. Để chuẩn đoán, phải dựa vào bệnh sử có hiện tượng chậm kinh, nghi ngờ có thai trước khi ra huyết kéo dài. Thăm âm đạo thấy cổ tử cung mở, có máu đen, tử cung thường hơi to, có khối u to bên cạnh, hoặc ở trước hay sau tử cung. Đặc điểm của khối u là bờ không rõ rệt, mật độ chắc, không di động, dính vào tử cung và ấn vào rất đau. Nếu dùng kim chọc dò vào khối u sẽ thấy máu cục đen không đông.

Chửa ở đoạn kẽ tử cung: Nếu trứng không về buồng tử cung thì làm tổ ở đoạn bóng vòi trứng. Hãn hữu có khi trứng về tới đoạn kẽ vòi trứng, nằm ở giữa các lớp cơ tử cung thì dừng lại và làm tổ ở đó. Vì đoạn kẽ rất hẹp, các thớ cơ bao quanh thì dày nên chửa ở đoạn kẽ khi vỡ sẽ làm vỡ các thớ cơ ở sừng tử cung gây lụt máu ổ bụng. Thời gian vỡ lại xảy ra rrats sớm, có khi sau chậm kinh một vài ngày.

Chửa buồng trứng: Sau khi thụ tinh, trứng bị sẩy qua loa vòi và bám vào buồng trừng làm tổ ở đó. Vì buồng trứng kém đàn hồi nên trứng bị vỡ sớm và gây chảy máu vào tiểu khung. Trên lâm sàng, thể này có biểu hiện là đau bụng đột ngột, có dấu hiệu kích thích phúc mạc và chảy máu trong. Khi mở bụng, thấy có một khối chảy máu ở buồng trứng, còn hai vòi trứng bình thường . Chỉ có xét nghiệm tổ chức học mới xác định được chẩn đoán.

Chửa trong ổ bụng: Sau khi sẩy vào ổ bụng, nếu bánh rau bám vào một vùng có mạch máu (ví dụ mạc treo ruột) và được nuôi dưỡng tốt, thai có thể tiếp tục phát triển đến 7-8 tháng, đó là có thai trong ổ bụng. Các triệu chứng lâm sàng là triệu chứng của người có thai nhưng có cảm giác thai nằm ngay dưới da bụng, không có cơn co tử cung, không xác định được ngôi thai. Phải chẩn đoán xác định sớm bằng X-quang (thấy buồng tử cung nhỏ, không có thai nhi) hay bằng siêu âm để có cách xử trí kịp thời.

Trong các thể lâm sàng kể trên, tốt nhất là chẩn đoán được khi chửa ngoài tử cung còn ở thể chưa vỡ để có thể chủ động mổ cầm máu và bảo vệ vòi trứng.

Nhưng tỉ lệ chẩn đoán được ở thể chưa vỡ chỉ có 2% và đòi hỏi phải có phương tiện hiện đại (soi ổ bụng, siêu âm chẩn đoán); 40% trường hợp chỉ chẩn đoán được ở thể lụt máu ổ bụng khiến cho bệnh trở thành một ca cấp cứu nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nếu việc cầm máu và hồi sức không kịp thời.

Chửa trong ổ bụng là thể rất hiếm gặp, chỉ có 1/15.000 ca trẻ sống và phải chẩn đoán sớm mới cứu được thai (20% có thể nuôi được).

Chẩn đoán phân biệt: Vì chửa ngoài tử cung có nhiều thể lâm sàng khác nhau tùy theo vị trí lầm tổ của khối thai, nên chẩn đoán có thể rất dễ nhưng cũng có thể rất khó. Cần chẩn đoán phân biệt với các trường hợp có thai kèm theo đau bụng và ra huyết khác như dọa sẩy thai (không thấy có khối cạnh tử cung, tử cung to tương ứng với tuổi thai), chửa trứng (tử cung mềm, to hơn tuổi thai, có dấu hiệu nhiễm độc), có thai trong tử cung kèm viêm phần phụ cấp (không ra máu, có dấu hiệu nhiễm khuẩn, có khối nề bên cạnh tử cung); cso thai trong tử cung kèm viêm ruột thừa cấp (không ra máu, có dấu hiệu nhiễm khuẩn, túi cùng bên rỗng, không đau). Cũng cần chẩn đoán phân biệt với những người kinh nguyệt không đều nhưng bị viêm phần phụ hoặc viêm ruột thừa rất dễ nhầm với chửa ngoài dạ con.

Phương pháp điều trị theo các thể bệnh

Nguyên tắc chung điều trị tất cả các thể lâm sàng là chẩn đoán sớm để mổ sớm, cầm máu và bảo vệ được vòi trứng.

Thể chửa ngoài tử cung chưa vỡ và rỉ máu: Có thể mổ bảo tồn vòi trứng cho người hiếm con. Rạch dọc vòi trứng nơi có khối thai, nặn bỏ toàn bộ khối thai, cầm máu rồi khâu phục hồi vòi trứng, khâu ngang để lòng vòi trứng không bị chít lại. Cũng có thể mổ bảo tồn vòi trứng nếu chửa ngoài tử cung mới vỡ và bệnh nhân còn muốn sinh đẻ. Nếu có phương tiện dụng cụ, nên mổ thể này qua nội soi: mổ vòi trứng, lấy khối chửa, rồi cầm máu, phẫu thuật và hậu phẫu rất nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, vì đây là một ca cấp cứu, trước hết cần bảo vệ tính mạng bệnh nhân. Vì vậy nếu thai phụ chảy máu ra nhiều, hoặc đã đẻ nhiều lần thì tốt nhất là cắt bỏ vòi trứng có phôi để cầm máu.

Thể chảy máu cấp trong ổ bụng: Phải vừa hồi sức chống choáng vừa mổ cầm máu. Trong ổ bụng có khi thấy nhiều máu, dùng tay cho vào tiểu khung tìm đáy tử cung rồi kéo tử cung lên tìm vòi trứng đang chảy máu để cặp cầm màu. Sau đó mới hút sạch máu và cắt bỏ vòi trứng có phôi. Nếu ổ bụng chứa toàn máu tươi mới chảy có thể múc nhẹ nhàng máu đó cho vào 1 lọ dung dịch natri – xitrat rồi lọc qua 8 lần gạn và truyền lại cho bệnh nhân. Nếu bù đủ khối lượng tuần hoàn bị mất thì bệnh nhân hồi phục rất nhanh sau khi mổ.

Thể huyết tụ thành nang: Vì máu chảy rỉ đã lâu và tụ thàng nang nên không cần mổ cấp cứu. Cần chuẩn bị tốt trước khi mổ. Phẫu thuật thường khó khăn vì dính. Phải gỡ rất nhẹ nhàng các quai ruột và mạc nối lớn bao quanh đám huyết tụ cho khỏi thùng ruột hoặc mất thanh mạch ruột. Lấy đi tất cả các cục máu. Nếu tìm thấy vòi trứng bị vỡ thì cặp cắt, nhưng nhiều khi vòi trứng nằm lần trong khối máu cục khó tìm thấy. Rửa sạch tiểu khung và cầm máu những chỗ rỉ máu bằng khâu ép và đắp huyết thanh nóng. Không cần dẫn lưu nếu toàn máu cục.

Chửa ở đoạn kẽ: Thường vỡ rất sớm do nứt lớp cơ ở sừng tử cung. Máu chảy dữ dội, phải vừa hồi sức vừa mổ , nhất tử cung lên và cặp cắt góc tử cung bị vỡ.

Chửa buồng trứng: Cắt phần buồng trứng bị vỡ, khâu ép phần còn lại.

Chửa trong ổ bụng: Khi đã xác định là chửa trong ổ bụng thì nên mổ ngay để cứu thai và đề phòng chảy máu. Khi mổ ổ bụng, sẽ thấy ngay bọc thai. Phá màng ối lấy thai ra, lấy hết các màng thai rồi cặp xuống rốn ở sát bánh rau, để bánh rau lại không bóc vì nếu bóc rau sẽ chảy máu không cầm được. Bánh rau sẽ tự teo dần. Chỉ được bóc rau trong trường hợp chửa ổ bụng mà thai nhi nhỏ dưới 16 tuần, thai đã chết, bánh rau đã thoái hóa, bóc không chảy máu. Cũng có trường hợp chửa trong ổ bụng mà không chẩn đoán ra, sau khi thai chết, nước ối và rau sẽ teo dần, thai khô lại và bị vôi hóa, không có hiện tượng nhiễm khuẩn, cuối cùng trở thành 1 khối rắn như đá gọi là thai thạch (thai đá).

Bệnh nhân chửa ngoài tử cung một lần, có thể chửa ngoài tử cung lần thứ 2 ở vòi trứng còn lại. Hãn hũu có thể chửa ngoài tử cung lần 3. Vì vậy nếu bệnh nhân đã đủ con nên cắt bỏ toàn bộ vòi trứng có thai, đồng thời triệt sản vòi đối diện.

Chửa ngoài tử cung là bệnh nguy hiểm, là bệnh cấp cứu chảy máu thường hay gặp ở phụ nữ tuổi sinh đẻ. Do chẩn đoán không kịp thời, xử trí muộn nên tỉ lệ tử vong vẫn còn cao. Cần đề phòng bệnh này khi bị chậm kinh, đau bụng dưới và ra huyết để được chẩn đoán và xử lý sớm.

Thu Hương

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/chua-ngoai-da-con--phat-hien-muon-nguy-co-tu-vong-cao-27023/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY