Khi chúng ta bất ngờ vấp chân vào chướng ngại trên đường, việc phản ứng với ngón chân bị vấp có thể kéo chúng ta ra khỏi khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta có thể đi thẳng đến tương lai với suy nghĩ: “Không biết với cái chân đau này thì mình còn có thể dắt chó đi dạo tối nay không?”. Chúng ta cũng có thể lan man nghĩ về quá khứ: “Tại sao mình không nhìn thấy mỏm đá đó nhỉ?”… Nếu điều này xảy ra, chúng ta không hoàn toàn có mặt ở hiện tại do sự phản ứng và phê phán đã chi phối chúng ta.
Tùy vào những gì bạn xem là quan trọng nhất, bạn có thể chọn buông bỏ phản ứng và cân nhắc làm thế nào để hướng sự chú ý của bạn theo cách tốt hơn, chẳng hạn như đánh giá mức độ chấn thương của ngón chân và đưa ra hành động thích hợp.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy 57% sự khó chịu vì đau đớn là do phản ứng tâm lý của chúng ta đối với cơn đau chứ không phải từ chính cơn đau. Đối với những nỗi đau về tinh thần và cảm xúc, nguyên tắc cũng tương tự. Nhận biết thông thường có thể không đủ để giúp bạn xoay xở trong tình huống bị tổn thương sâu sắc, còn nhận biết trong trạng thái tỉnh thức sẽ giúp bạn trải nghiệm nỗi đau theo một cách mới mẻ và tích cực hơn.
Tất cả chúng ta có một khả năng tự nhiên là nhận thức về khoảnh khắc hiện tại khi chủ tâm làm một số việc nào đó, chẳng hạn như chuyển động thân thể, sáng tạo hoặc giao tiếp với người khác. Chúng ta tiếp cận những khoảnh khắc nhận thức như vậy tương đối dễ dàng khi thực hiện những hoạt động dễ chịu như đi bộ giữa thiên nhiên, hoặc chơi với động vật. Những kiểu hoạt động tích cực này thu hút sự chú ý của chúng ta vào khoảnh khắc hiện tại theo cách dễ chịu và cho chúng ta một chút ý vị về chánh niệm.
Tuy nhiên, chúng ta cần rèn luyện nhiều hơn để nhận thức một cách trọn vẹn hơn (chính là chánh niệm) khi mọi việc không thật sự như mong muốn, cho dù đó là một việc nhỏ như chuyến bay bị hủy, cho đến những nỗi thất vọng lớn hơn trong cuộc sống như một mối quan hệ đổ vỡ, bị bệnh nặng hoặc thậm chí phải chống chọi với cái ch*t. Những lúc như thế, nếu có sẵn nền tảng về nhận thức nâng cao - không phản ứng và không phán xét - bạn sẽ dễ vượt qua hơn cũng như tự chữa lành được cho bản thân.
Đôi khi lý do khiến chúng ta không cảm thấy “có mặt một cách trọn vẹn” trong hiện tại không phải do những yếu tố bên ngoài như các thiết bị công nghệ hay tiếng ồn, mà là những gì đang diễn ra bên trong tâm trí của chúng ta. Mỗi người lại có những mức độ xao lãng, phản ứng và sự chỉ trích/phán xét khác nhau cần phải vượt qua. Ba yếu tố này đối nghịch với ba phẩm chất được phát triển từ việc rèn luyện chánh niệm của chúng ta: có mặt trong hiện tại, không phản ứng và không phán xét.
Khi bắt đầu nhận biết nhiều hơn về tâm trí của mình, chúng ta thường bất ngờ về mức độ mình bị phân tâm nhiều như thế nào, ngay cả khi chúng ta đã tắt điện thoại và cố tình ngồi yên. Việc bị phân tâm đã trở thành một trạng thái nổi trội trong cuộc sống của con người.
Tự phê phán là một thói quen hoạt động như một rào cản đối với chánh niệm. Việc “tự trừng phạt” khi phạm sai lầm, khi khiến người khác thất vọng, chỉ đưa chúng ta vào một vòng lặp của sự tự buộc tội vô ích. Quẳng đi tiếng nói bên trong tự chỉ trích là bước đầu tiên để nhìn thấy mình có thể trưởng thành ra sao từ những sai lầm.
May thay, chúng ta có thể sử dụng chánh niệm để trở nên ý thức rõ hơn về những thói quen gây xao lãng, phản ứng và tự chỉ trích này. Nếu nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ thói quen nào trong ba trạng thái tâm lý trên, hãy tự hỏi: “Điều này có ích và lành mạnh không?”. Đây là điểm khởi đầu để làm một điều gì đó khác biệt, nếu bạn thật sự muốn.
Những người đang trải qua những thời khắc chao đảo hoặc căng thẳng, chẳng hạn như nhà vừa có tang, đang trong một cơn khủng hoảng hoặc một sự kiện quan trọng trong cuộc đời, được khuyên là nên rèn luyện chánh niệm một cách từ từ, thận trọng. Dù vậy, nghịch lý là chính giai đoạn khủng hoảng cũng có thể là thời điểm mà những sự thay đổi có tính bước ngoặt xảy ra. Đôi khi, chính trong thời điểm khó khăn nhất ta mới nhận thấy một cách rõ ràng rằng những thói quen cũ đã không còn có tác dụng nữa, và điều này thật sự có thể là động lực thúc đẩy chúng ta thử nghiệm một điều gì đó hoàn toàn khác.
Những người không giỏi chịu đựng cảm xúc tiêu cực, thường sử dụng Thu*c hoặc rượu như là cách để đối phó với khó khăn, những người bị chấn thương tinh thần và gặp những khó khăn kéo dài trong các mối quan hệ, cũng được khuyên nên thực hành chánh niệm thật chậm rãi và thận trọng, hoặc rèn luyện với sự hỗ trợ của một chuyên gia sức khỏe.
Những người có khuynh hướng cầu toàn và có tính tự chỉ trích mạnh mẽ cũng có thể gặp chút khó khăn khi cố gắng để trở nên bớt phê phán. Tuy nhiên, nếu chuẩn bị trước và nhận được sự hỗ trợ phù hợp, tất cả chúng ta đều có thể phát huy khả năng sống tỉnh thức của mình. Việc chọn đúng thời điểm để bắt đầu và chọn đúng người để trợ giúp sẽ rất hữu ích cho bạn.
Thường chúng ta sẽ thấy những lợi ích của đời sống tỉnh thức vào những thời khắc nghịch cảnh mà ta không thể tránh được. Cách chúng ta xử lý những biến cố này chính là thước đo thật sự về thời gian sống của chúng ta. Tất cả chúng ta đều “rút những lá bài” khác khau trong cuộc đời khi đối mặt với những cấp độ vui sướng và khổ đau khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có quyền chọn lựa cách mình phản ứng hoặc ứng phó với những gì xảy ra trong tâm trí mình trong suốt những khoảnh khắc chánh niệm. Từ bây giờ, bạn sẽ bắt đầu thấy rõ hơn về những gì bạn cần làm để tận hưởng những lợi ích của đời sống tỉnh thức.
Theo Đường về tỉnh thức
Chủ đề liên quan:
Đường về tỉnh thức