Tục xông đất, xông nhà được người Việt rất coi trọng trong dịp đầu Xuân năm mới. Giờ "xông đất" được tính bắt đầu từ sau giờ giao thừa trở đi. Theo quan niệm, nếu mọi việc suôn sẻ, may mắn trong ngày đầu tiên của năm mới thì cả năm sẽ thuận lợi, tốt lành. Chính vì thế, người được chọn để xông đất, xông nhà rất được coi trọng.
Người xưa quan niệm, người được chọn xông đất là người có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó, đặc biệt tránh tuổi "tứ hành xung". Đó cũng phải là người vui vẻ, xởi lởi, hạnh phúc và có uy tín.
Người xông đất khi đến chơi nhà sẽ ăn mặc trang phục tươm tất, lịch sự, tươi sáng. Thông thường, họ sẽ mang theo một chút quà Tết như: chai rượu, bánh chưng, bánh Tét hoặc chuẩn bị những phong bao lì xì để mừng tuổi lấy may cho gia chủ, trẻ con trong nhà.
Ngược lại, chủ nhà cũng sẽ tặng cho vị khách "xông đất" phong bao lì xì để chúc may mắn, ngoài ra họ cũng sẽ chuẩn bị đồ ăn, thức uống để đón tiếp các vị khách đặc biệt này.
Trong thời khắc đầu xuân năm mới, mọi người sẽ cùng nhau chúc tụng những lời tốt đẹp nhất, nguyện cầu một năm mới bình an, hạnh phúc.
Tục xông đất đầu năm là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, thể hiện tinh thần luôn hướng đến những điều may mắn, tốt lành. (Ảnh: Lê Xuân Bách). |
Chia sẻ với Dân trí, chuyên gia phong thủy Tuấn Kiệt cho biết, ngày nay cuộc sống bận rộn, tục lệ xông đất đã được đơn giản hóa đi rất nhiều.
"Tục xông đất đầu năm là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, thể hiện tinh thần luôn hướng đến những điều may mắn, tốt lành và cầu mong cho các thành viên trong gia đình những điều tốt đẹp nhất.
Theo quan niệm dân gian, nhà nào đã có người đến xông đất rồi thì việc tiếp khách trong ngày mồng một Tết không có ảnh hưởng gì đến gia chủ kể cả người tốt vía lẫn xấu vía", chuyên gia phong thủy Tuấn Kiệt nói.
Chuyên gia này cũng cho biết, thời điểm xông nhà, xông đất nên chọn là ngày mùng 1 Tết. Tốt nhất chính là giờ Tí lúc Giao thừa đón năm mới, vì theo quan niệm sẽ chiêu nạp được sinh khí tốt nhất cho cả năm.
Gia chủ nên chọn người hợp mệnh với mình. Ví dụ tuổi Dần thì nên chọn người Tam hợp: Dần, Ngọ, Tuất, tránh tuổi xung ví dụ tuổi Thân.
Thời điểm xông nhà, xông đất nên chọn là ngày mùng 1 Tết. (Ảnh: Nguyễn Minh Tiến). |
Ngoài ra, nên chọn người xông đất tính tình xởi lởi, hoan hỷ, vui vẻ có nhiều thiện hạnh. Người xưa quan niệm, không nên chọn người mới có tang, bệnh tật, đau ốm hay có nhiều phiền muộn.
Năm nay, một số tuổi xông đất, xông nhà tốt theo quan niệm dân gian gồm: Tuổi Dần, Ngọ, Tuất, Hợi. Mệnh xông đất tốt nên chọn những người mệnh Kim, mệnh Thủy.
Chia sẻ với Dân trí, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cũng cho hay, các gia đình có thể tham khảo một số tuổi xông đất xông nhà tốt trong dịp năm mới Nhâm Dần như, người sinh năm 1945 (Ất Dậu), 1947 (Đinh Hợi - Rất tốt), 1954 (Giáp Ngọ - Rất tốt), 1955 (Ất Mùi), 1957 (Đinh Dậu), 1958 (Mậu Tuất), 1966 (Bính Ngọ), 1967 (Đinh Mùi), 1975 (Ất Mão), 1978 (Mậu Ngọ), 1982 (Nhâm Tuất), 1985 (Ất Sửu), 1987 (Đinh Mão), 1994 (Giáp Tuất - Rất tốt), 1997 (Đinh Sửu), 2002 (Nhâm Ngọ), 2005 (Ất Dậu).
Chia sẻ với PV Dân trí, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, thực tế việc chọn tuổi xông đất, xông nhà chỉ mang tính tham khảo. Tập tục xông đất, xông nhà có từ thời xa xưa. Trước đây, khi khai khẩn được một vùng đất mới, người xưa thường mời những người có uy tín như già làng, thủ lĩnh, thầy mo... đến để đánh dấu chủ quyền, chứng nhận con người đã đến vùng đất đó. Sau này khi khởi đầu một việc gì đó trọng đại họ cũng mời người đến "khai trương" với ý nghĩa cầu may, dần dần sau này có tục xông đất, xông nhà trong dịp đầu năm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Hùng Vĩ cũng không nên quá cầu kỳ việc chọn tuổi để xông đất, xông nhà tránh những rắc rối, mâu thuẫn. "Nhiều gia đình có 3, 4 thành viên, mỗi người một tuổi thì việc chọn tuổi sẽ theo người nào? Hợp người này, lại không hợp người kia. Vì thế mọi việc chỉ mang tính tương đối", chuyên gia này nói.
"Để hóa giải những kiêng kị, người ta đi chơi đầu năm mới có thể dẫn theo những đứa trẻ. Vì trẻ con thường hồn nhiên, chưa chịu mệnh và theo quan niệm tượng trưng cho sự may mắn.
Ngoài ra, ở một số vùng hiện nay như Quảng Bình, Hà Tĩnh người ta thường lập ra các phường sắc bùa, phường tùng choặc... Sau 30 Tết, các phường sẽ đi hát chúc Tết may mắn cho tất cả các nhà, đi đến nhà nào họ sẽ chúc Tết, ca ngợi nhà đó. Cả phường đến như thế nên không phải kiêng kị, chọn tuổi sau khi hát xong thì những người sau đến chúc Tết gia chủ thoải mái. Đây là nét văn hóa rất độc đáo, được xem là "hóa giải" những kiêng kị dịp đầu năm", chuyên gia Hùng Vỹ nói.